Kinh tế toàn cầu căng thẳng trước hạn chót áp thuế của Mỹ
(CLO) Nền kinh tế toàn cầu trở nên căng thẳng khi thời hạn 9/7 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để các quốc gia đạt được thỏa thuận thương mại đang đến gần.
Nếu không đạt được thỏa thuận, các nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ phải chịu các mức thuế quan khổng lồ từ Mỹ.
Tháng 4 vừa qua, ông Trump tuyên bố sẽ hoãn áp thuế cao nhất trong 90 ngày theo kế hoạch “Ngày giải phóng”, sau khi động thái ban đầu khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Giờ đây, với hàng tỷ USD giao thương đang bị đe dọa, các đối tác của Mỹ đang gấp rút đàm phán để bảo vệ nền kinh tế.
.png)
Ai sẽ bị đánh thuế? Và bao nhiêu?
Chính quyền Mỹ đã ngầm cảnh báo rằng các nước không đạt được thỏa thuận sẽ bị áp thuế cao hơn. Nhưng danh sách các nước cụ thể cùng mức thuế vẫn chưa được tiết lộ rõ ràng. Hôm 6/7, ông Trump cho biết sẽ bắt đầu gửi thư thông báo mức thuế mới cho các quốc gia trong tuần này, đồng thời tiết lộ đã ký một số thỏa thuận thương mại mới.
Ông nói rằng sẽ ký kết với “hầu hết các quốc gia” vào ngày 9/7, nhưng không nêu tên cụ thể.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố rằng các quốc gia không đạt thỏa thuận sẽ chính thức bị áp mức thuế cao hơn từ ngày 1/8. Ông bác bỏ tin đồn về việc gia hạn thời hạn, đồng thời cho biết các mức thuế sẽ quay lại mức được công bố ban đầu vào ngày 2/4.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 4/7, ông Trump bất ngờ nói rằng mức thuế có thể lên tới 70%, cao hơn cả mức trần 50% từng nêu trong kế hoạch “Ngày giải phóng”.
Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thêm mức thuế 10% đối với các quốc gia bị cho là có liên kết với “chính sách chống Mỹ” của BRICS – khối gồm 10 nền kinh tế mới nổi, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. “Sẽ không có ngoại lệ nào đối với chính sách này. Cảm ơn các bạn đã quan tâm!” – ông viết trên nền tảng Truth Social.
Các nước đã đạt thỏa thuận gồm những ai?
Cho đến nay, chỉ có ba quốc gia là Trung Quốc, Anh và Việt Nam công bố đã đạt được thỏa thuận giúp giảm thuế với Mỹ.
Theo thỏa thuận Mỹ-Trung, thuế với hàng hóa Trung Quốc giảm từ 145% xuống còn 30%, còn hàng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 125% xuống 10%. Tuy vậy, thỏa thuận chỉ có hiệu lực trong 90 ngày và còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Thỏa thuận với Anh giữ mức thuế 10%, trong khi Việt Nam được giảm từ 46% xuống 20% với hàng xuất khẩu, và hàng trung chuyển bị đánh thuế 40%.
Nhiều nước khác như EU, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán. Tờ Washington Post cho biết EU đang cố gắng đạt được một “thỏa thuận cơ bản” để tránh mức thuế 50% trước thời hạn chót. Kênh CNBC-TV18 của Ấn Độ đưa tin New Delhi có thể hoàn tất một thỏa thuận nhỏ trong vòng 24-48 giờ, với mức thuế trung bình khoảng 10%.
Luật sư thương mại Andrew K McAllister nhận định phần lớn các nước có thể sẽ phải chấp nhận mức thuế đáng kể. “Tôi nghĩ mức thuế hiện nay chính là con bài mặc cả. Nếu một quốc gia bị Mỹ coi là gây khó khăn cho hàng hóa Mỹ, thì họ sẽ đối mặt với thuế cao hơn”.
Tác động kinh tế sẽ ra sao?
Giới kinh tế đều nhất trí rằng thuế cao sẽ làm tăng giá hàng hóa và làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới và OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống lần lượt 2,3% và 2,9%.
Chính sách thuế không nhất quán của chính quyền ông Trump cũng khiến việc dự đoán tác động trở nên khó khăn. Trong khi mức thuế cao nhất đã bị tạm hoãn, mức thuế cơ bản 10% vẫn áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, còn hàng Trung Quốc vẫn bị đánh thuế ở mức 20%.
Tác động trước mắt vẫn còn hạn chế, phần lớn nhờ vào lượng hàng tồn kho tích trữ trước đó. Dù vậy, lạm phát có thể tăng mạnh khi hàng hóa tồn kho cạn kiệt.