Kinh tế Trung Quốc tiếp tục bùng nổ trong tháng 4
(CLO) Trong tháng 4 này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đã tiếp tục bùng nổ mạnh từ mức tăng trưởng kỷ lục trong quý I năm nay, nhờ sự hỗ trợ của ngành xuất khẩu vững chắc và niềm tin kinh doanh tăng cao.

Trong quý I/2021, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một chỉ số tổng hợp kết hợp 8 thành phần được Bloomberg theo dõi cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong “vùng tăng trưởng mạnh mẽ”, tương tự với kết quả trong tháng 3 trước đó.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, sức tăng mạnh này một phần cũng là nhờ so với mốc vào tháng 4/2020 – khi nước này vẫn đang vật lộn để phục hồi và tái mở cửa sau thời gian phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Bloomberg Economics mới đây đã đưa ra kết quả đánh giá tổng thể về mức độ tăng trưởng của Trung Quốc bằng cách lấy giá trị trung bình trong 3 tháng của những thay đổi hàng tháng của tám chỉ số gồm có: chứng khoán(Chỉ số CSI 300), tổng diện tích sàn bán nhà ở bốn thành phố Cấp 1 của Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến), tồn kho cốt thép giảm, giá đồng, tổng xuất khẩu sang Hàn Quốc, chỉ số theo dõi lạm phát của các nhà máy, niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh số bán xe du lịch. Các dữ liệu này được lấy dựa trên khảo sát kinh doanh hoặc giá thị trường.
Đà tăng trưởng mạnh

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 4 sau khi quý đầu tiên phá kỷ lục. Màu càng đỏ, nền kinh tế càng nóng lên mạnh. Ảnh: Bloomberg.
Một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện với 500 công ty cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc, hoặc SME, đã tăng lên tháng thứ hai liên tiếp. Với việc kỳ vọng gia tăng cho thấy hiệu quả hoạt động trong quý II thậm chí sẽ có xu hướng tăng mạnh trong quý hiện tại, so với mức kỷ lục của quý I đầu năm nay.
Các nhà kinh tế Lan Shen và Ding Shuang của Standard Chartered cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ định hướng xuất khẩu tiếp tục hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào nội địa, với tốc độ sản xuất nhanh hơn và giá đầu ra cao hơn”.
“Ngành dịch vụ đang bắt kịp với tốc độ nhanh hơn, được thúc đẩy bởi các ngành vận tải và hậu cần, CNTT và dịch vụ thương mại, trong khi các ngành ăn uống và lưu trú vẫn ế ẩm”, hai nhà phân tích nhận định trong báo cáo. “Ngành dịch vụ cải thiện nhờ các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ và tiến bộ trong triển khai vaccine. Trong khi nhu cầu xuất khẩu vẫn phục hồi, nhu cầu nội địa cũng có dấu hiệu tăng lên.”
Đáng chú ý, tổng lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 4 này, đã tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.
Sức mạnh công nghiệp
Nhu cầu toàn cầu đã làm tăng chi phí hàng hóa, đẩy lạm phát tại nhà máy ở Trung Quốc lên mức cao nhất kể từ năm 2017, theo công ty theo dõi giá của Bloomberg Economics. Giá đồng đã tiếp cận mức cao nhất trong 9 năm đạt được vào tháng 2, trong khi giá thép giao sau ở Trung Quốc đạt đỉnh mới ngay cả khi kho dự trữ thép cây giảm nhẹ.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc cũng tăng cao hơn trong tháng 4. Chỉ số CSI 300 tăng trở lại mức trên 5.100. Doanh số bán nhà tiếp tục tăng trong tháng 4, dù tốc độ không mạnh bằng tháng 3.
Doanh số bán nhà tiếp tục tăng trong tháng này, mặc dù có sụt giảm hơn so với hồi tháng 3. Các cơ quan quản lý đã cố gắng kiểm soát rủi ro địa ốc sau khi các quy định nới lỏng tiền tệ đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường nhà ở, giúp cho người dân mua bất động sản để phòng ngừa lạm phát. Trong khi đó, doanh số bán ô tô trong cùng kỳ tăng trưởng chậm lại một chút.
Trong quý I/2021, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng quý cao nhất kể từ năm 1992, một mức tăng kỷ lục phản ánh đà phục hồi ngày càng mạnh mẽ của nước này sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trung Quốc đã ghi nhận sự phục hồi kinh tế trong tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Hương Vũ