Việc tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 vừa qua đã giúp vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư lớn.
Hoàn thành toàn diện và vượt mức nhiều chỉ tiêu
Có thể coi 2017 là năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Những kết quả đạt được, đã tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục trên 120.000 với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội. Số vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục, trên 35 tỷ USD, tăng 30%, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.
Mức tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% , cao nhất trong gần mười năm qua.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với 2012. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc trong năm 2017, đứng thứ 55/137 nước và tăng vọt 20 bậc so với 5 năm trước.
Trong năm 2017, thị trường chứng khoán chứng kiến chỉ số vượt đỉnh 9 năm đi kèm với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức kỷ lục. Tính tới hết tháng 11, VN-Index và HNX-Index tăng trưởng lần lượt 42,87% và 42,19%.
Nhìn về dài hạn, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011-2015 (33,6%).
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân quan trọng dẫn tới các kết quả nói trên là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, cùng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Mặc dù nền kinh tế vẫn đang có những vấn đề cần thay đổi nhưng năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã có những động thái tích cực. Cơ cấu kinh tế theo ngành bắt đầu dịch chuyển, bắt đầu thoát khỏi các ngành khai thác tài nguyên và chuyển sang công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Xu thế khởi nghiệp sáng tạo cũng đang bùng lên, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng mạnh.”
Triển vọng 2018
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước sang năm 2018 với những yếu tố thuận lợi nhất định, nhưng thách thức khó khăn là rất lớn. Về mặt thuận lợi, trước hết có thể kể đến dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018, tạo điều kiện để thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Ở trong nước, yếu tố thuận lợi cơ bản là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm chi phí sản xuất kinh doanh... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết Hội nghị TW5 về đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế... được kỳ vọng sẽ tạo cú huých mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Cùng với đó là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng phát triển của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nhất là sau Hội nghị cao cấp APEC và trong bối cảnh an ninh tại nhiều nước bất ổn do tình trạng khủng bố.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng được kỳ vọng sẽ hoạt động có hiệu quả hơn sau quá trình tái cấu trúc thông qua cổ phần hoá và thoái vốn, cũng như những tiến triển mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kết quả tăng trưởng cao trong năm 2017, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cao. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% - 6,7% trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững và kinh tế Việt Nam sẽ giữ được đà hưng phấn, tạo ra những tăng trưởng đột phá trong tương lai.❏
Sơn Nam