Kinh tế Việt Nam quý 1/ 2021: Những chỉ báo lần đầu xuất hiện, Việt Nam cần lưu ý gì?

01/05/2021 08:30

(NB&CL) Lần đầu tiên trong 1 thập kỷ gần đây, hiện tượng số lượng doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN tham gia thị trường.

Liệu đã đến lúc Việt Nam cần mở cửa biên giới, có cần thiết phải điều chỉnh chính sách tiền tệ… là hàng loạt vấn đề được đặt ra cho nhiệm kỳ chính phủ mới trong bối cảnh mới.

Trao đổi với Nhà báo & Công luận, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình đã có những chia sẻ xung quanh kết quả bức tranh kinh tế quý I, những điểm cần lưu ý trong thời gian tới.

 + Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam quý I, cũng là thời điểm bước sang năm thứ 2 Covid-19, có điều gì khiến ông thấy đáng chú ý?

- Kết thúc quý I, tăng trưởng GDP đạt 4,8%. Mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng cho cả năm nhưng đã thể hiện xu thế phục hồi rõ nét của nền kinh tế với cả 3 chỉ số tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu tiếp tục tăng. 

Khi đánh giá tổng thể nền kinh tế, chúng ta luôn xem xét trong mối quan hệ cung cầu.  Quý I, điểm sáng là cầu nội địa và hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng tới 24,1% so với cùng kỳ. Xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình.

Như vậy, chúng ta đã đảm bảo được sự ổn định về cầu nội địa lẫn xuất khẩu trong bối cảnh năng lực và nhịp độ sản xuất của Việt Nam vẫn được duy trì để đáp ứng mức tăng về cầu hàng hóa, dịch vụ này. Triển vọng duy trì và tăng đơn hàng cũng rất tích cực trong những quý còn lại.

Năng lực cung ứng hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế cũng được tăng cường nhờ sự gia tăng của đầu tư tư nhân. Vốn FDI cam kết đạt hơn 10 tỷ USD. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp trong nước, bao gồm vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm của gần 30.000 doanh nghiệp trong quý I đạt hơn 50 tỷ USD, cao gấp 5 lần số vốn FDI được đăng ký mới và tăng thêm trong cùng kỳ.   

Những con số này được thực hiện trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được sự ổn định cần thiết, với các cân đối lớn như lạm phát được kiểm soát, thu chi ngân sách, cán cân thương mại, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ được duy trì ổn định. Đây là điều kiện quan trọng cho quá trình phục hồi nhanh và lấy lại tốc độ tăng trưởng cao trong những quý tới.

Tuy nhiên cũng có những chỉ số rất đáng lưu ý xuất hiện. Số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm 2021 là 29.300 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 40.323 doanh nghiệp, còn lớn hơn số DN mới được thành lập. Lần đầu tiên trong 1 thập kỷ gần đây, chúng ta quan sát thấy hiện tượng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN tham gia thị trường.

Quy luật thị trường có “sinh” có “tử” và hiện tượng rút lui khỏi thị trường là bình thường, song rút lui ở mức độ quy mô lớn trong một kỳ quan sát như vậy là điều rất đáng lo ngại. Có thể thấy, môi trường kinh doanh còn quá khó khăn, những tác động của Covid-19 là vô cùng lớn.

Điều đáng chú ý nữa, tỷ lệ tham gia thị trường lao động cũng giảm hơn 1 điểm phần trăm. Đây là hiện tượng rất ít khi xảy ra trong những năm trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm cũng tăng cao. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong những người thuộc độ tuổi thanh niên thất nghiệp cũng tăng và đây là một điều đáng quan ngại.

Một bộ phận của nền kinh tế như ngành dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách vẫn gặp muôn vàn khó khăn với lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng tới gần 100%. Một khu vực chiếm 4-5% GDP chưa được phục hồi thì vẫn còn để lại nhiều gánh nặng cho nền kinh tế. 

+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng như ông vừa đề cập, có điểm sáng khi vẫn tiếp tục tăng, song mức tăng trưởng trên một phần do cùng quý năm ngoái là thời điểm vô cùng khó khăn khi Covid-19 ập đến. Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng nền kinh tế ngày càng ngấm ảnh hưởng từ đại dịch, có thể gọi là “độ trễ”, người dân sẽ ngày càng thắt chặt chi tiêu khiến cho nền sản xuất sẽ ngày càng điêu đứng? Ông nghĩ sao về những nhận định này?

- Trong ngắn hạn tôi thấy không lo lắng nhiều về nguy cơ giảm tiêu dùng khiến nền kinh tế điêu đứng. Con số thống kê cho thấy tiêu dùng nội địa vẫn đang tăng.

Trong quý I/2021, không chỉ mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng, mà chỉ số PMI (chỉ số kinh tế khảo sát các nhà quản lý mua hàng tại các doanh nghiệp) cũng được cải thiện. Do vậy, kỳ vọng trong ngắn và trung hạn thì vấn đề tiêu dùng không phải ở mức quá bi quan.

Tất nhiên là đã và sẽ có một bộ phận ảnh hưởng rất nặng nề. Một bộ phận người lao động bị thất nghiệp, mất việc làm hoặc bị đẩy trở lại khu vực kinh tế không chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng, thống kê cho thấy cứ 100 thanh niên ở Việt Nam thì 7-8 người bị thất nghiệp. Thất nghiệp thanh niên là điều đáng lo ngại vì nó có thể có những tác động tới năng suất, hiệu quả của nền kinh tế trong trung hạn. Đây là một trong những vấn đề cần được lưu tâm trong các chính sách hỗ trợ và phát triển trong thời gian tới.

+ Trong khi nhiều ngành sản xuất đang gặp khó khăn thì dòng vốn rẻ đang chảy ào ào vào thị trường chứng khoán, bất động sản. Hệ lụy là những cơn sốt đất, thị trường chứng khoán tăng nóng với nỗi lo hình thành bong bóng tài sản. Theo ông, chúng ta nên có định hướng thế nào cho phù hợp với chính sách tiền tệ năm nay để hạn chế nguy cơ về bong bóng tài sản?

- Rất không công bằng và không chính xác nếu đổ lỗi hết cho chính sách tiền tệ về tình trạng “sốt đất”, “sốt chứng khoán” vừa qua.

Thời gian qua, ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất cho nền kinh tế. Mức lãi suất rẻ, thấp là mong muốn của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế thì có rất nhiều doanh nghiệp vẫn kêu chưa tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, nhưng mặt bằng lãi suất cũng đang thấp dần và chính sách thì cần độ trễ nhất định. Chúng ta cần kiên định với chính sách lãi suất hợp lý, đủ thấp để hỗ trơ doanh nghiệp, hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.

Đầu tư vào bất động sản, vào chứng khoán, đặc biệt là những tài sản có chất lượng tốt, là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Việc chuyển nguồn lực từ thị trường tiền tệ sang thị trường vốn, thị trường bất động sản là bình thường.

Việc giảm lệ thuộc của nền kinh tế vào thị trường tín dụng và phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường vốn là cần thiết và cần được cổ súy. Bên cạnh đó, khu vực bất động sản vốn chiếm gần 5% GDP nếu được phát triển tốt và lành mạnh, sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi kinh tế và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư bất động sản chân chính, và những người có nhu cầu thực sự về nhà ở. Không thể vì hiện tượng sốt đất, sốt chứng khoán mà đổ lỗi hết cho chính sách tiền tệ, và quay trở lại ngay lập tức chính sách lãi suất cao và qua đó vô hình trung lại trừng phạt các doanh nghiệp khác và các nhà đầu tư chân chính.  

Thay vì đổ lỗi cho chính sách tiền tệ, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân thực sự của tình trạng sốt hay “bong bóng” của thị trường bất động sản hay thị trường chứng khoán vừa qua. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sốt hay bong bóng là do nguồn cung của các sản phẩm trên thị trường này thiếu, hay chất lượng sản phẩm của các thị trường này chưa tốt.

Đặc biệt tính minh bạch của các thị trường này không cao, điển hình là thị trường bất động sản. Cần nhìn rõ nguyên nhân của tình trạng sốt và bong bóng thì sẽ giúp chúng ta hạ sốt và phát triển các thị trường này một cách lành mạnh, hơn là nhanh chóng đổ lỗi cho chính sách tiền tệ và vô hình trung làm ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu nhà đầu tư khác trong nền kinh tế. 

+ Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hà Anh (Thực hiện)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kinh tế Việt Nam quý 1/ 2021: Những chỉ báo lần đầu xuất hiện, Việt Nam cần lưu ý gì?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO