Kinh tế Việt Nam tiếp tục có tín hiệu tích cực nhưng còn nhiều thách thức
(CLO) Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, kinh tế Việt Nam trong tháng 10/2023 tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đà tăng vào cuối năm chưa thể kéo kinh tế Việt Nam bứt phá.
Theo GSO, về đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Việt Nam trong tháng 10/2023 tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng chưa thể bứt phá. (Ảnh: HQ)
Về công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%, ngành khai khoáng giảm 3,2%,...
Về xuất nhập khẩu, trong tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo GSO, trong tháng 10/2023, cả nước có hơn 15.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn tăng đột biến. Điều này được chứng minh qua các con số của GSO.
Đơn cử, có 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% và tăng 35,6%; có 4.898 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,1% và tăng 16,6%; có 1.501 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,2% và giảm 6,3%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có 183.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân một tháng có gần 18.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146.600 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.