Kính viễn vọng James Webb ghi lại cảnh hành tinh chết lao vào ngôi sao
(CLO) Vào tháng 5 năm 2020, các nhà thiên văn học lần đầu tiên quan sát thấy một hành tinh bị nuốt chửng bởi ngôi sao chủ của nó.
Dựa trên dữ liệu tại thời điểm đó, họ tin rằng hành tinh này đã kết thúc số phận khi ngôi sao phồng lên vào cuối vòng đời, trở thành thứ được gọi là sao khổng lồ đỏ.
Tuy nhiên, những quan sát mới của Kính viễn vọng Không gian James Webb chỉ ra rằng sự sụp đổ của hành tinh này diễn ra khác với suy nghĩ ban đầu. Thay vì ngôi sao đến với hành tinh, có vẻ như chính hành tinh đã đến với ngôi sao, gây ra hậu quả thảm khốc, theo các nhà nghiên cứu cho biết.
Cảnh tượng kịch tính trên đã được James Webb ghi lại. Theo đó, kính viễn vọng được phóng vào năm 2021 này đã quan sát thấy khí nóng có khả năng hình thành một vành đai xung quanh ngôi sao sau sự kiện và một đám mây bụi lạnh hơn đang mở rộng bao phủ quang cảnh.
"Chúng tôi biết rằng có một lượng lớn vật chất từ ngôi sao bị đẩy ra ngoài khi hành tinh trải qua quá trình lao xuống chết chóc. Bằng chứng sau đó là vật chất bụi còn sót lại bị đẩy ra khỏi ngôi sao chủ", nhà thiên văn học Ryan Lau thuộc NOIRLab của Quỹ Khoa học Quốc gia MỸ, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn, cho biết.
Ngôi sao này nằm trong thiên hà Milky Way của chúng ta, cách Trái đất khoảng 12.000 năm ánh sáng theo hướng chòm sao Aquila. Một năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng di chuyển trong một năm, tương đương 9,5 nghìn tỷ km.

Ngôi sao này hơi đỏ và kém sáng hơn Mặt trời của chúng ta, nhưng có khối lượng bằng khoảng 70% Mặt trời. Người ta cho rằng hành tinh này thuộc nhóm "Sao Mộc nóng" - những hành tinh khí khổng lồ có nhiệt độ cao do có quỹ đạo gần với ngôi sao chủ của chúng.
"Chúng tôi tin rằng có lẽ phải có một hành tinh khổng lồ, có khối lượng ít nhất gấp vài lần Sao Mộc mới có thể gây ra sự nhiễu loạn lớn như những gì chúng ta đang thấy đối với ngôi sao này", đồng tác giả nghiên cứu Morgan MacLeod, cho biết.
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta.
"Sau đó, nó bắt đầu lướt qua bầu khí quyển của ngôi sao. Vào thời điểm đó, luồng gió ngược từ việc đập vào bầu khí quyển của ngôi sao sẽ chiếm ưu thế và hành tinh này sẽ rơi ngày càng nhanh vào trong ngôi sao", MacLeod cho biết.
"Hành tinh này vừa rơi vào bên trong vừa bị tước đi lớp khí bên ngoài khi nó đâm sâu hơn vào ngôi sao. Trên đường đi, vụ va chạm đó làm nóng lên và đẩy khí sao ra, tạo ra ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy và khí, bụi và các phân tử hiện bao quanh ngôi sao", MacLeod giải thích thêm.
Khoảng 5 tỷ năm nữa, Mặt trời dự kiến sẽ mở rộng ra ngoài trong giai đoạn sao khổng lồ đỏ và có thể nuốt chửng các hành tinh trong cùng là Sao Thủy và Sao Kim, và thậm chí có thể là cả Trái đất. Và những quan sát mới của Webb đang đưa ra manh mối về kết cục của hành tinh của chúng ta.
Lau cho biết: "Những quan sát của chúng tôi cho thấy các hành tinh có nhiều khả năng đạt đến số phận cuối cùng của chúng bằng cách từ từ quay tròn về phía ngôi sao chủ của chúng thay vì ngôi sao đó biến thành một sao khổng lồ đỏ để nuốt chửng chúng".