Kon Tum: Hiến kế, hoạch định chiến lược kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh và du lịch
(CLO) Không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình gặp gỡ, kết nối, mở rộng diện tích và thị trường tiêu thụ, Phiên chợ Sâm Ngọc linh lần 2 còn là nơi để các nhà hiến kế, hoạch định chiến lược nhằm kết hợp phát triển Sâm Ngọc Linh và du lịch.
Tối ngày 6/2, UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Lễ Khai mạc Phiên chợ Sâm Ngọc linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông năm 2023 tại Trung tâm huyện Tu Mơ Rông (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).

Cắt băng khai mạc Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông
Phiên chợ Sâm Ngọc linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông (gọi tắt là phiên chợ lần 2) năm 2023, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh và 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Phiên chợ diễn ra từ ngày 6 đến hết ngày 9/2.
Phiên chợ lần 2 được tổ chức dựa trên tinh thần đảm bảo lợi ích cho người trồng sâm, giúp người dân Xơ Đăng mạnh dạn đầu tư cây sâm, đưa quốc bảo Sâm Ngọc linh thành quốc kế dân sinh. Theo đó, Phiên chợ Sâm Ngọc linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông có tổng số 50 gian hàng trưng bày và 7 khu vực tư vấn việc làm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Kon Tum tham dự lễ khai mạc
So với phiên chợ lần 1, phiên chợ lần 2 có bốn chương trình mới, lần đầu xuất hiện. Đó là “Chương trình chấp cánh ước mơ cho thanh thiếu niên Tu Mơ Rông”, “hội thảo liên kết về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023”, “Lễ hội Khinh khí cầu bay về đại ngàn” và “Hội thi Sâm Ngọc linh lần thứ 1”.
Cả 3 chương trình lần đầu xuất hiện ở phiên chợ lần 2 đều có điểm chung là tập trung khai thác tiềm năng du lịch, khai thác giá trị của quốc bảo để nâng cao đời sống người dân Xơ Đăng cũng như tiếp sức, “truyền lửa” cho thanh thiếu niên mạnh dạn theo đuổi ước mơ bằng con đường học vấn.

Du khách hào hứng chiêm ngưỡng những củ sâm Ngọc Linh có tuổi đời hàng chục năm
Ngoài ra, các chương trình tại phiên chợ còn có mục tiêu giúp nông dân, doanh nghiệp bán sâm giá cao, ổn định, còn du khách mua được sâm thật. Bên cạnh đó, tìm ra các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn; giới thiệu, quảng bá, bảo tồn nền văn hoá cồng chiêng, ẩm thực độc đáo của người Xơ Đăng…

Trung bình sâm Ngọc Linh được chào bán tại phiên chợ sẽ có giá dao động từ 110-200 triệu đồng/kg
Tại phiên chợ, UBND huyện Tu Mơ Rông đã đặt sẵn máy kiểm định chất lượng để tổ chức xét nghiệm sâm ngay tại chỗ nếu khách có yêu cầu. Việc xét nghiệm bằng máy này sẽ cho ra kết quả ngay, tuyệt đối chính xác. Chi phí xét nghiệm bằng máy sẽ do người mua và người bán thoả thuận.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Phiên chợ lần này là sự tiếp nối thành công của phiên chợ lần thứ nhất, đó là người tiêu dùng đến phiên chợ sẽ mua được sâm thật, đảm bảo đúng chất lượng vốn có của cây sâm ngọc linh. Phiên chợ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình gặp gỡ, kết nối, phát triển diện tích, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc hữu. Bên cạnh đó hướng tới phổ thông hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh cho mọi người dân được sử dụng".

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông phát biểu tại lễ khai mạc phiên chợ lần thứ 2
"Phiên chợ cũng là nơi để các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân hợp tác xã cùng hiến kế, hoạch định chiến lược để khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch riêng của huyện là kết hợp phát triển Sâm Ngọc Linh và du lịch”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Phiên chợ lần 2 tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình gặp gỡ, kết nối, phát triển diện tích, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có gần 40 nhóm hộ của 300 hộ tham gia liên kết trồng sâm với Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và hàng chục tổ của dân, cán bộ, viên chức tự liên kết trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Trong đó, mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum với người dân khá hiệu quả, bền vững.

Nhiều du khách rất phấn khởi khi được trải nghiệm những hoạt động tại phiên chợ và chọn cho mình những sản phẩm ưng ý
Công ty được hưởng lợi từ kinh nghiệm trồng sâm của dân, còn dân khi liên kết thì được công ty trả lương, hằng năm còn được tặng thêm 100 cây sâm giống. Chính vì mô hình liên kết hiệu quả này mà các xã đã và đang hình thành các tổ để tiếp tục đề nghị công ty thực hiện liên kết phát triển diện tích sâm trong dân.