Đời sống

Kon Tum: Hồi sinh từ vùng đất chết Kon Hring

Trần Hiền 30/04/2025 14:18

(CLO) Trải qua những đau thương, mất mát của chiến tranh, làng Kon Hring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô (Kon Tum) nay đã “thay da đổi thịt”. Sự sống đã nảy mầm trên những hố bom, no ấm dần phủ xanh khắp bản làng.

Đăk Tô - Tân Cảnh vốn là căn cứ quân sự mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bắc Tây Nguyên. Chiến dịch Đăk Tô, thường được biết đến là trận đánh mở màn cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau ngày giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh vào tháng 4/1972, quân đội cách mạng đã vận động bà con trở về quê hương để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên nhiều người già yếu, phụ nữ, trẻ em không nơi nương tựa, do làng mạc bị phá huỷ nên vẫn chọn ở lại khu vực tu viện và nhà thờ Kon Hring để tá túc, học tập, sinh sống.

z6552720579737_27f5ccc137f315dffc247cc175a78746.jpg
Khu chứng tích Nhà thờ Kon Hring

Bà Y Xuân (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Hring) chia sẻ: “Trước chiến tranh, dân làng đã chọn khu đất trước nhà thờ Kon Hring để xây dựng nhà cứu thương, khu tạm lánh cho những người từ vùng Tân Cảnh, Tri Lễ (huyện Đăk Tô) về ẩn náu. Mọi người được các sơ trong nhà thờ dạy cái chữ, may vá... Thời đó, khu nhà tạm lánh này cũng phải đến vài nghìn người, từ khắp nơi đến”.

Sau khi giải phóng huyện Đăk Tô, quân cách mạng đã về vận động, đưa một số bà con thuộc làng Kon Hring lên căn cứ cách mạng. Bà Y Xuân cùng bố được lên cùng bộ đội còn anh trai, chị gái cùng nhiều bà con vẫn tạm thời ở lại đây để chờ sắp xếp.

68b58e7c0770b52eec61-4121-7135.jpg
Bà Y Xuân vẫn nhớ như in đêm thảm sát khiến hơn 500 người dân thiệt mạng

Cay cú trước thất bại, địch thường xuyên cho máy bay bỏ bom vùng giải phóng ở Đăk Tô - Tân Cảnh. Vào đêm 25/5/1972, chúng đã cho 12 chiếc máy bay chia thành 4 tốp, quần thảo và thả bom oanh tạc khu vực tu viện, nhà thờ và các bản làng ở khu vực Kon Hrinh. Chỉ trong vòng 30 phút, địch đã thả bom, giết hại hơn 500 người dân vô tội và làm nhiều người khác bị thương đang ở khu tạm lánh thuộc tu viện Kon Hring.

Đã hơn 50 năm, thế nhưng bà Y Xuân vẫn không thể quên được quang cảnh điêu tàn của quê hương. Bà Y Xuân kể lại: “Giữa đêm 25/5/1972, mọi người đang ở khu căn cứ cách mạng thì nghe những tiếng nổ lớn ở khu nhà tạm lánh Kon Hring. Từng quả bom nổ, đỏ cả vùng trời. Nghe tiếng bom nổ, cha đã cõng tôi chạy thục mạng về vùng tạm lánh để tìm anh chị và họ hàng, chạy được gần 5km thì đến vùng tạm lánh. Khi đến nơi, quang cảnh đập vào mắt tôi là thi thể nằm ngổn ngang, chồng lên nhau…”.

z6556160584069_aeb3e52fce407010f3b4282904cf8bdf.jpg
Năm 2002, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định xếp hạng Khu chứng tích Kon Hring là di tích cấp tỉnh

Tương tự bà Xuân, khi nhắc lại đêm thảm sát tại Kon Hring, bà Y Phưng (SN 1960, trú tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) vẫn bàng hoàng và ám ảnh với nỗi đau mà chiến tranh gây ra.

“Ngày đó mình cùng mẹ được các sơ cho ở trong khu tạm lánh. Đêm 25/5, khi đang ngủ thì nghe tiếng máy bay gầm rú bên bầu trời. Khoảng vài phút sau, tiếng bom nổ khắp nơi. Một quả bom rơi và nổ ngay chính giữa khu tạm lánh đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, nhà cửa cũng bị phá huỷ. Những người may mắn sống sót thì ôm nhau chạy lên khu đồi Đăk H'juai. Đoàn người cứ chạy mãi, chạy mãi đến tận sáng mới dám dừng nghỉ ngơi”, bà Y Phưng nhớ lại.

Sau cuộc thảm sát vào đêm năm 1972, người dân trong khu tạm lánh Kon Kring đã dạt về nhiều vùng như thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông. Một thời gian sau đó bà con đã quay trở về khu vực này để sinh sống và làm ăn. Bà Y Xuân cũng trở lại và dựng nhà ngay gần khu chứng tích Kon Hring xưa, ngày ngày ra quét dọn, thắp hương cho những nạn nhân xấu số.

z6556159523732_543cd09eef6d52b34447874fa87044ea.jpg
Bà Y Xuân ngày ngày ra dọn lá cây, thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân

Năm 2002, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định xếp hạng Khu chứng tích Kon Hring là di tích cấp tỉnh. Đồng thời, tỉnh Kon Tum cũng xây dựng một bia tưởng niệm ngay tại khu vực bị ném bom để tưởng nhớ đồng bào bị thiệt mạng.

Bí thư Chi bộ làng Kon Kring cho biết: “Những tưởng người dân sẽ rời bỏ và đi tìm vùng đất mới. Nhưng không, họ vẫn quay về gắn bó vùng đất này với quyết tâm vượt lên tất cả. Chiến tranh đã tôi luyện cho dân làng Kon Kring ý chí kiên cường, vượt lên mọi mất mát, đổ nát để xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. Bây giờ hầu như nhà ai cũng trồng cao su, cà phê nên thu nhập cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Đời sống người dân ngày càng khấm khá, có của ăn của để”.

z6552720593603_c6363950713c5a5eccd7d927a406acb5.jpg
Làng Kon Hring hôm nay đã "thay da đổi thịt"

Trải qua đau thương chiến tranh, làng Kon Hring hôm nay đã "thay da đổi thịt". Sự sống đã nảy mầm trên những hố bom, no ấm dần phủ xanh khắp bản làng. Mảnh đất bazan Kon Kring hôm nay đã được phủ xanh bởi rừng cao su, cà phê và hồ tiêu. Không ai còn nhận ra nơi đây từng bị cày nát bởi bom đạn chiến tranh.

Ông Nguyễn Nhật Quang - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Đăk Tô, cho biết: “Sau chiến tranh, Khu chứng tích Kon Pring đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Sau này, huyện mới xây dựng một đền thờ để người dân lui đến thắp hương tưởng nhớ những nạn nhân bị thiệt mạng sau trận bom năm 1972. Năm 2018, UBND huyện đã trùng tu, sửa chữa di tích này, đến nay một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Sắp tới, huyện sẽ đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng để sửa chữa nhà bia và các hạng mục phụ trợ tại khu chứng tích Kon Pring”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kon Tum: Hồi sinh từ vùng đất chết Kon Hring
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO