Kon Tum: Thầy và trò đón nhận trận động đất mạnh 3.6 độ trong ngày khai giảng năm học mới
(CLO) Sáng nay (5/9), trong khi các trường đang tổ chức lễ khai giảng năm học mới thì một trận động đất mạnh 3.6 độ đã xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum). Trước tần số liên tục của các trận động đất, thầy và trò vùng tâm chấn đã không còn hoang mang bởi đã được tập huấn cách ứng phó.
Theo đó, trận động đất xảy ra vào 8 giờ 27 phút 28 giây ngày 5/9. Trận động đất có độ lớn 3.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.875 độ vĩ Bắc, 108.158 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Măng Cành, Đăk Ring thuộc huyện Kon Plông là những vùng tâm chấn, liên tục xảy ra động đất hàng ngày, hàng giờ. Khác với trước đây, người dân ở vùng tâm chấn đã không còn tâm lý hoang mang trước những cơn động đất xảy ra.
Trước tần suất liên tục của các trận động đất, thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) đã đón nhận động đất như một hiện tượng của thiên nhiên.

Trong ngày khai giảng năm học mới, thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Tăng đón nhận trận động đất mạnh 3.6 độ
Em Y Chẳn (học sinh lớp 7A,Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Tăng) chia sẻ: “Trước đây mỗi lần xảy ra động đất, ai cũng sợ bởi đã cảm nhận được sự rung lắc. Tuy nhiên, sau đó động đất liên tục xảy ra với tần suất dày nên cũng dần quen. Thời gian vừa qua, chúng em được các thầy cô giáo hướng dẫn cách ứng phó khi có động đất xảy ra. Theo đó, khi ngủ mà cảm thấy động đất phải lập tức leo xuống giường tìm nơi ẩn nấp, tránh xa các vật trên cao, tủ đứng… để khi nhà bị sập hoặc đồ đạc rơi xuống sẽ không bị chấn thương”.
Trước tần suất của các trận động đất liên tục tăng trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập huấn, hướng dẫn đến giáo viên và người dân trên địa bàn biết cách ứng phó.

Trước tần số liên tục của các trận động đất, thầy và trò vùng tâm chấn đã không còn hoang mang bởi đã được tập huấn cách ứng phó
Trước thêm khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn vùng tâm chấn cũng đã tập trung học sinh đến trường sớm hơn để hướng dẫn trước cho các em các kiến thức ứng phó khi động đất xảy ra, nhất là ở trường học.
Thầy Ngô Quang Khanh (giáo viên lịch sử Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Tăng) đã có 21 năm giảng dạy tại huyện Kon Plông. Nói về mối nguy động đất, thầy Khanh đã quá quen với những dư chấn.
“Những ngày đầu xảy ra động đất, thầy và trò cũng lo sợ nhưng tới giờ hầu như đã quen và học cách sống chung với động đất. Học sinh được cán bộ Viện Vật lý địa cầu vào tập huấn những kỹ năng cần thiết để ứng phó khi có động đất xảy ra. Mọi người đã bớt nỗi lo khi sống trên vùng tâm chấn”, thầy Khanh cho biết thêm.

Trước thềm năm học mới, các trường học trên địa bàn huyện Kon Plông đã có buổi hướng dẫn cho các em các kiến thức ứng phó khi động đất xảy ra
Thầy Phan Văn Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Đăk Tăng cho biết: “Năm học 2024-2025, trường có tổng cộng 517 học sinh thuộc 2 cấp học. Trước thềm năm học mới, nhà trường đã sắm sửa thêm vật dụng sinh hoạt cho các em lớp mới và bổ sung những thứ hư hỏng. Mặc dù là trường đóng ở vùng sâu vùng xa, có đến 98% là người dân tộc thiểu số, nhưng tỉ lệ bỏ học rất thấp. Hầu như các em đều có ý thức bám lớp, bám trường, giáo viên không phải vất vả đi vận động học sinh đến lớp”.
Theo thầy Nam, những năm gần đây, trên địa bàn liên tục đón nhận các đợt rung chấn do động đất. Trước sự việc trên, nhà trường đã kết hợp các kiến thức ứng phó, bảo vệ bản thân trong động đất vào môn học hoạt động trải nghiệm. Đây là kiến thức cần thiết, bổ ích đối với các học sinh đang phải sống trong vùng động đất.

Học sinh vùng tâm chấn động đất hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay có trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra hơn 250 trận động đất. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận có độ lớn 5.0 độ richter vào trưa 28/7, gây rung lắc nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Động đất xảy ra liên tục với tần suất dày và cường độ mạnh đã khiến nhiều nhà dân, các điểm trường, trụ sở xã và nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện Kon Plông bị nứt nẻ.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện.
Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản gửi đến các sở, ngành liên quan, UBND huyện Kon Plông về việc theo dõi, ứng phó động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay có trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra hơn 250 trận động đất
Để chủ động ứng phó động đất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác ứng phó động đất trên địa bàn. Huyện Kon Plông cần rà soát, xây dựng và ban hành phương án ứng phó động đất.
Đồng thời, huyện cần chỉ đạo các xã phối hợp với các chủ đập thủy điện hướng dẫn cho người dân biện pháp phòng tránh, ứng phó khi động đất xảy ra. Rà soát, củng cố lực lượng xung kích cấp xã trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại cơ sở để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất.