(CLO) Sau loạt bài phản ánh những dấu hiệu nâng khống giá bán máy in Konica Minolta tại Việt Nam trên báo Điện tử Congluan.vn, mới đây văn phòng luật LNT và Thành viên đã liên lạc với phóng viên cho biết có cuộc họp báo để thông tin về vụ Konica đồng thời mời phóng viên đến để chia sẻ, trao đổi về vụ việc trên.
[caption id="attachment_64773" align="aligncenter" width="639"]
Chiếc máy in C1100 hiệu Konica Minolta đang dính nghi án nâng khống giá bán tại Việt Nam?[/caption]
Luật sư không cho phóng viên chụp hình, quay phim, ghi âm?
Với tinh thần khách quan, thiện chí, phóng viên đã nhanh chóng đến địa chỉ cuộc hẹn và có cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp với đại diện của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (Cty Konica Minolta Việt Nam), Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Cty Sao Nam) cùng một số cơ quan báo chí khác cũng có mặt tại đây.
Tại cuộc gặp phóng viên các báo, Luật sư Lê Nết (thuộc Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên) tự giới thiệu mình là đại diện pháp lý cho Konica Minolta Việt Nam đồng thời cho rằng đây là cuộc gặp gỡ để trao đổi thông tin về vụ Konica mà các báo đã phản ánh nhằm làm rõ sự thật khách quan (không phải họp báo như cuộc gọi điện thông báo trước đó của nhân viên văn phòng công ty Luật LNT và Thành viên).
Mở đầu, Luật sư Lê Nết nói rằng: “Tại vì đây không phải là địa điểm công cộng nên không có quay phim, chụp hình, chỉ có ghi chép và tôi sẽ gửi các tài liệu cho các anh chị sau”.
Vấn đề này sau đó đã trở thành tâm điểm bàn luận vì gặp phải sự phản ứng gay gắt của phóng viên các báo.
Phóng viên tờ điện tử Vietnamfdi.vn (Cơ quan của Hiệp hội Đầu tư nước ngoài) đặt vấn đề: Nếu đây là buổi gặp theo lời mời của Luật sư (đại diện pháp lý cho Konica) trong vụ việc báo chí phản ánh để nhằm làm rõ, thì tại sao Luật sư Nết lại không cho phóng viên quay phim, chụp hình, còn phía sau của ông lại đặt máy quay phim để quay lại toàn bộ cuộc họp, như vậy là không khách quan?
Ông Nết khẳng định đây không phải là địa điểm công cộng, nên việc quay phim, chụp hình thì phải có ý kiến của chủ nhà, việc quay phim hay ghi âm cuộc họp thì sau này chúng tôi sẽ gửi lại sau cho các anh chị.
Chúng tôi hỏi vậy trong cuộc gặp hôm nay có phải cấm chụp hình không, ông Luật sư Lê Nết nói đúng! Phóng viên đặt tiếp vấn đề, hôm nay anh mời báo chí đến, vậy phóng viên có quyền hoạt động trong khuôn khổ qui định của luật báo chí không? Ông nết cho rằng vì đây không phải là nơi công cộng và phải có quyền nhân thân với hình ảnh.
Phóng viên hỏi tiếp, vậy luật sư có phải là đại diện pháp lý cho Konica Minolta không? Ông Nết trả lời tôi là người đại diện ủy quyền. Nếu vậy, đây không phải là một vụ việc của cá nhân luật sư mà là vụ việc của doanh nghiệp mà luật sư chỉ là đại diện nên việc quay phim chụp hình khi tác nghiệp là đúng theo qui định Luật Báo chí chứ không thể nào cấm, chắc luật sư không rành về luật báo chí …? Ông Nết nói "vậy các anh chị có cho tôi quay phim không?" các phóng viên trả lời "đây là chuyện bình thường".
Bức xúc về cách hành xử của vị luật sư, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam lên tiếng: "Nếu quay phim thì phải quay hai chiều chứ, bên anh quay mà cấm báo chí quay phim chụp hình là sao? Một phóng viên khác thắc mắc, tại sao một cuộc họp công khai mà lại cấm quay phim chụp hình, liệu có sự mờ ám nào hay chăng?"
Khi câu chuyện cấm phóng viên chụp hình, quay phim, ghi âm đang căng thẳng bởi đụng phải sự phản ứng quá gây gắt của các phóng viên thì ông Nết đã nhanh chóng lãng sang vấn đề khác …, sau đó mới tiếp tục buổi làm việc.
Cung cấp chứng cứ sơ sài
Tại buổi làm việc, đại diện pháp lý của Konica Minolta VN (KMV) ông Lê Nết đã cung cấp các bản photo chào giá của Cty Sao Nam gửi cho Saigonbook ngày 14/10/2014; Hợp đồng mua bán tài sản giữa các bên; Biên bản nghiệm thu giữa Sao Nam và Saigonbook; Bản thông báo ký ngày 31/8/2015 gửi đến Saigonbook và một số báo ...
Đặc biệt, ông Nết nêu quan điểm cho rằng tất cả các nội dung mà báo chí phản ánh trước đó nếu không đúng với nội dung ông đưa ra trong bảng thông báo đều là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đến uy tín kinh doanh của Konica Minolta và các nhà phân phối?
Cụ thể trong bản thông báo gửi đến Saigonbook và các báo có hai nội dung đáng lưu ý đó là: “KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Saigonbook. Vì thế, KMV không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến vấn đề Saigonbook đề cập; KMV nhập khẩu thiết bị, máy móc chất lượng cao vào Việt Nam vào các thời điểm khác nhau với giá cả khác nhau. Có thể Saigonbook đã mua hai máy từ hai nhà phân phối tại hai thời điểm khác nhau…”
[caption id="attachment_64818" align="aligncenter" width="642"]
Ông Nết cho rằng tất cả các nội dung mà báo chí phản ánh mà không đúng với nội dung ông đưa ra trong bảng thông báo đều là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của Konica và các nhà phân phối.[/caption]
Tuy nhiên, với những gì ông Nết cung cấp đã không đủ bằng chứng để chứng minh và cho rằng các báo, trong đó có báo Congluan.vn viết không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của Konica Minolta và các nhà phân phối.
Ngoài ra, ông Lê Nết còn nêu vấn đề ông Kim (tức ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Saigonbook - PV) cho rằng có hợp đồng giữa với Konica Minolta (KMV) và Saigonbook, rồi sau khi đưa ra hợp đồng thì Luật sư Lê Nết mới im lặng (đã đăng tải trước đó). Về vấn đề này ông Nết cho là không đúng sự thật và xuyên tạc, bởi thực tế không có hợp đồng đó và ông Kim cũng chưa có đưa gì cho tôi cả, chưa có liên hệ trực tiếp gì cả, vì vậy toàn bộ tình tiết như vậy là xuyên tạc và không đúng sự thật, mang tính chất vu khống.
Tuy nhiên, sau phát ngôn mang tính quy chụp này, đại diện Konica Minolta và Cty Sao Nam đã đưa ra văn bản phản hồi của Saigonbook cho ông Nết. Đến lúc này thì Luật sư Lê Nết mới ngớ người và chăm chú đọc lại từ đầu tới cuối, sau đó còn photo lại để gửi cho các phóng viên.
Đại diện Konica Minolta, Cty Sao Nam thừa nhận thiếu xót … Cũng tại buổi làm việc với báo chí, hai vấn đề liên quan đến việc cắt bớt thời gian bảo hành và không xuất hóa đơn mà báo Congluan.vn đã phản ánh trước đó, đại diện phía Konica Minolta và Cty Sao Nam đã thừa nhận thiếu xót.
Cụ thể, vì sao Konica Minolta Việt Nam không xuất hóa đơn đối với thiết bị tích điện UPS đã tặng khuyến mại cho Saigonbook, ông Đào Việt Linh phụ trách mảng kinh doanh của Konica Minolta thừa nhận rằng: trong thời điểm đó Konica có nhập về 3 thiết bị tích điện UPS để tặng cho khách hàng nhưng do sơ xuất chưa kịp đăng ký với cơ quan chức năng về sản phẩm khuyến mại nên nếu có bị sai phạm về thuế thì bên Konica chấp nhận chịu phạt hành chính.
Còn phần cắt bớt thời gian bảo hành từ 3 năm xuống còn 1 năm, đại diện Cty Sao Nam cũng thừa nhận là do thiếu sót chứ không phải cố ý. Điều này chúng tôi có thương lượng và điều chỉnh lại thời gian bảo hành cho hợp lý nhưng do bên Saigonbook chưa đồng ý.
Liên quan đến chiếc máy in C1100 có giá chênh lệch tiền tỷ, theo ông Linh, thời điểm năm 2014 là không thể có giá dưới 2 tỷ đồng được, 3 tỷ cũng không có. Bởi năm 2014, Konica nhập máy C1100 về có giá hướng dẫn là 180.000 USD, tương đương 3,7 tỷ đồng. Còn việc nhà phân phối bán bao nhiêu đó là quyền của họ.
Luật sư Lê Nết nói thêm, quan hệ giữa Cty Sao Nam và Konica Minolta không phải là đại lý ủy quyền, mà chỉ quan hệ giữa người bán hàng và nhà phân phối. Đây là quan hệ mua đứt bán đoạn, các nhà phân phối sẽ hoàn toàn quyết định giá bán.
Đại diện Cty Sao Nam cũng phát biểu thêm: thời điểm bán máy C1100 cho Saigonbook là tháng 11/2014, đây là chiếc máy đầu tiên được nhập về Việt Nam. Còn Saigonbook mua máy C1100 từ STS là vào tháng 8/2015. Với hai thời điểm khác nhau như vậy thì sẽ có giá khác nhau thôi. Ngoài ra, chất lượng máy cũng là vấn đề, nó góp phần quan trọng vào giá trị chiếc máy. Máy C1100 Saigonbook mua từ STS là đã qua sử dụng cụ thể là đã đem trưng bày ra hội chợ và chạy thử nên mới có giá trên 1 tỷ đồng, còn Sao Nam bán máy cho Saigonbook là máy mới hoàn toàn nên giá trị sẽ khác.
Khẳng định vấn đề này, ông Linh cho rằng hoàn toàn chính xác, bởi máy đã được sử dụng trưng bày, chạy thử tại hội chợ thì chất lượng sẽ giảm.
Khi phóng viên xoáy sâu vào việc vì sao máy mới nhập về chỉ mang ra trưng bày và chạy thử tại hội chợ thì lại bị giảm chất lượng, vậy nếu giảm chất lượng thì giảm bao nhiêu phần trăm? Tuy nhiên phía đại diện của Konica Minolta và luật sư đã không nói rõ mà chuyển sang vấn đề khác.
Riêng việc phía Saigonbook có đưa ra giám định giá của Công ty Thẩm định giá Sài Gòn cho rằng giá trị máy in C1100 thời điểm năm 2014 có giá thị trường là 1,9 tỷ đồng thì đại diện Konica nói rằng không biết đơn vị này dựa vào cơ sở nào để cho ra giá như vậy?
Còn về phần chiếc máy in C1070P đã được trả lại cho Saigonbook trước đó, ông Linh đại diện Konica cũng khẳng định là không có trục trặc gì về kỹ thuật cả, chỉ do Saigonbook cho rằng máy in này màu sắc có vấn đề nên mới có việc đồng ý trả lại máy C1070P.
Như vậy, qua trao đổi có thể thấy rằng còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ tiếp theo, nhưng trong cuộc gặp gỡ để cung cấp thông tin cho báo chí, phía luật sư đại diện của Konica đã thiếu sự chuẩn bị về các bằng chứng, chứng cứ để cung cấp cho phóng viên.
Vì vậy, khi đến hết giờ chiều phóng viên đã đề xuất ngưng buổi làm việc và đề nghị gửi công văn cung cấp các bằng chứng cụ thể đến cơ quan để có cơ sở phản ánh một cách khách quan.
Để rộng đường dư luận, báo Điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục phản ánh những diễn biến tiếp theo của vụ việc tới bạn đọc.
Chính Kỳ