Đổi mới đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp:

Kỳ 1: Đổi mới công tác cán bộ trước hết từ cơ sở

Thứ sáu, 03/12/2021 09:16 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cơ sở có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị, là nơi tổ chức thực hiện và kiểm chứng mọi chủ trương, chính sách của Đảng từ thực tiễn, qua đó để phát hiện, bổ sung những vấn đề mới.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng các cấp, hai nhiệm vụ trọng tâm có tính quyết định đến sự thành bại của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước là hoạch định chủ trương phát triển và bố trí cán bộ, tức là “thiết kế mô hình”“chọn thợ thi công”.     

Công tác cán bộ của ta hiện vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế, nhất là khâu đánh giá, bổ nhiệm; chưa thể chế hóa và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ, để tìm chọn, thu hút nhân tài, tạo động lực giúp cán bộ toàn tâm toàn ý vì công việc.

ky 1 doi moi cong tac can bo truoc het tu co so hinh 1

Hà Tĩnh quán triệt, học tập, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh

Hiện nay cả nước có 10.603 xã/phường/thị trấn, 98.455 thôn/bản/tổ dân phố; là nơi quản lý nguồn lực vô tận của đất nước về tài nguyên, đất đai, tiềm năng, nguồn lực vật chất. Đặc biệt là nguồn lực về con người, đó là sức lao động, trí tuệ, kỹ năng, tay nghề, lòng yêu nước và sự cần cù sáng tạo... Nếu chúng ta có chiến lược đúng đắn để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo ra hàng chục vạn bộ óc biết lo toan việc nước, việc dân; biết làm chủ và khai thác nguồn lực vô tận ấy, sẽ tạo được sự đột phá phi thường để xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đội ngũ cán bộ cơ sở là những người đưa nghị quyết vào cuộc sống và từ thực tiễn phong phú ấy phát hiện những vấn đề mang tính khoa học, những kinh nghiệm và bài học quý để đưa cuộc sống vào nghị quyết. Dân gian thường nói “ai đen, ai trắng, ra giữa nắng thì biết”, chính nơi đây là môi trường thuận lợi nhất để đào luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, để tìm chọn nhân tài cho đất nước.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở trưởng thành về bản lĩnh chính trị, năng lực tổ chức quản lý; trình độ cơ bản được chuẩn hóa. Đội ngũ cơ sở đã năng động sáng tạo trong thực thi công việc, tạo dựng phong trào cách mạng, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo ổn định chính trị, xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cơ sở của chúng ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Đó là, bị đóng khung, chia cắt, thiếu liên thông giữa cán bộ, công chức, viên chức, giữa chuyên trách và bán chuyên trách, giữa cán bộ cấp thôn với cấp xã, giữa cấp cơ sở và cấp huyện, khó bổ sung thay thế từ đối tượng này sang đối tượng khác. Một cán bộ thôn được đào tạo cơ bản, có tín nhiệm và triển vọng không thể bố trí làm cán bộ cấp trên, Một cán bộ cấp xã dù có đủ tiêu chuẩn khó được điều chuyển lên cấp huyện. Đội ngũ công chức được đào tạo chuẩn hóa, có bề dày kinh nghiệm, nhưng thuộc cấp huyện quản lý và bổ nhiệm, đã có “cần câu cơm” vững chắc rồi nên tâm lý không muốn đưa vào quy hoạch cán bộ chủ trì, sợ bị “bắt bài”. Nếu cán bộ chủ trì cơ sở không vững về chuyên môn và năng lực quản lý thì rất khó điều hành công chức, viên chức cấp xã. Ở những đơn vị mới sáp nhập 2-3 xã, do dôi thừa cán bộ nên ngoài những đồng chí đủ điểu kiện nghỉ chế độ, số còn lại cấp trưởng có thể bố trí làm cấp phó, tuổi đã nhiều và sàn sàn như nhau là báo động sự hẫng hụt nguồn thay thế những nhiệm kỳ sắp tới. Vì vậy, xây dựng quy hoạch cán bộ cấp xã thường loanh quanh ở 18 -21 chức danh cán bộ đương nhiệm (mỗi người không quá 3 chức danh, mỗi chức danh không quá 3 người). Nhiều địa phương hẫng hụt nguồn nên phải tăng cường cán bộ cấp huyện xuống làm chủ trì; số cán bộ này cũng nhiều tâm tư, vì phải xếp lương theo chức danh cơ sở, không được bảo lưu các chế độ, khi trở lại cấp huyện sẽ gặp không ít khó khăn trong các thủ tục quy định. Một số cán bộ nguồn hoặc đương chức chưa được chuẩn hóa về trình độ nhưng việc cử đi học không dễ về kinh phí và chất lượng đào tạo, trong khi chúng ta có hàng vạn sinh viên đào tạo chính quy, ra trường chưa có việc làm không được trọng dụng?

Một số địa phương nhận thức và triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế cấp xã, cấp thôn còn cứng nhắc; thiên về giảm con người và kinh phí trả phụ cấp, chưa đánh giá đúng vị trí và vai trò cấp cơ sở, nhất là cấp thôn và cán bộ đoàn thể trong chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Làm công tác đoàn thể với chức năng vận động, giám sát nhưng lại bố trí kiêm nhiệm công việc quản lý nhà nước là không hợp lý. Chính sách ban hành thiên về công chức, chưa quan tâm công tác xây dựng Đảng, thể hiện trong bố trí cán bộ, có nơi đưa công chức sang làm văn phòng Đảng ủy.  Nhận thức về Đảng có những lệch lạc, dẫn đến tâm lý cán bộ chọn công chọn việc, không muốn làm công tác Đảng, nên mới có chuyện “không khéo họ đưa sang làm Bí thư đấy”(!)

Chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số lĩnh vực chưa hợp lý. Cường độ công việc nhiều, nhất là các đơn vị sáp nhập nhưng chế độ chưa thỏa đáng. Chế độ cán bộ xã có khá hơn trước nhưng cán bộ không chuyên trách cấp xã quá thấp, biên chế giảm từ 14 xuống còn 7 chức danh, phải kiêm nhiệm thêm 2-3 phần việc, làm việc cả ngày, nhưng mỗi tháng phụ cấp trên 2 triệu đồng. Đội ngũ cán bộ cấp thôn là cánh tay nối dài của Đảng và chính quyền cơ sở, thông qua việc phòng chống thiên tai, phòng chống dịch Covid và xử lý những vấn đề thực tiễn mới thấy vai trò không thể thiếu của đội ngũ này, nhưng chế độ còn thấp. Bí thư, trưởng thôn phụ cấp hàng tháng có được cải thiện hơn  nhưng các chi hội đoàn thể được khoán mỗi năm 20 triệu đồng, mỗi tháng mỗi chi hội trên 200 ngàn (trước đây 750 ngàn), không tương ứng với sức lao động hao phí. Bí thư, thôn trưởng muốn làm được cũng cần đến các chi hội đoàn thể, cho nên có nơi, cán bộ thôn đã phải chia bớt phần phụ cấp ít ỏi của mình để tăng thêm phụ cấp cho cán bộ chi hội đoàn thể.

ky 1 doi moi cong tac can bo truoc het tu co so hinh 2

Hội nghị BCH Huyện ủy Hương Sơn triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng

Ông Nguyễn Đình Ngụ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “Vai trò cán bộ thôn rất quan trọng, là những người am tường mọi việc ở cơ sở, chịu va đập nhiều nhất trong công việc. Với một đơn vị sáp nhập 3 xã, diện tích gần 21 km2, dân số gần 1,8 vạn người, từ 48 thôn sáp nhập còn 25 thôn, nếu không có đội ngũ này thì xã khó nắm bắt được tình hình, nhất là lúc mới sáp nhập. Nhưng  do việc nhiều, phụ cấp quá ít anh em không an tâm, cảm thấy mỏi mệt, muốn xin nghỉ việc”. Đội ngũ cán bộ thôn, kể cả chi hội đoàn thể nhìn chung tâm lý mệt mỏi, sợ áp lực, không muốn nhận công việc (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có 15/20 Chi hội trưởng Phụ nữ từ chối nhiệm vụ); một số muốn làm thì tuổi cao, năng lực hạn chế; số trẻ, được học hành tử tế thì không muốn làm vì chế độ đãi ngộ thấp, làm tốt mấy cũng dừng lại cán bộ thôn mà thôi. Có những sinh viên về sinh hoạt và tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương, được kết nạp Đảng, có năng lực và triển vọng; nhưng dù có yêu quê hương đến mấy cũng không thể ở lại vì không được trọng dụng đúng khả năng và sở trường của mình. Thống kê chất lượng cán bộ thôn/tổ dân phố ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho thấy, có 13% tuổi dưới 40, 35% tuổi trên 60, 76% văn hóa THPT, 52% có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, 14% cán bộ đã nghỉ hưu, 60% đảng viên làm thôn trưởng.

Ông Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: “Cần có nhận thức đầy đủ vai trò đội ngũ cán bộ thôn, có chính sách hợp lý để anh em có động lực phấn đấu. Với Hương Sơn, giá như mỗi năm chi thêm vài tỷ đồng để tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ chi hội đoàn thể cũng không phải là lớn so với hiệu quả đội ngũ này mang lại”.

Từ bức tranh đội ngũ cán bộ cơ sở, nổi lên vấn đề không chỉ dừng lại về chế độ hưởng thụ mà điều lớn hơn là thiếu động lực phấn đấu do từng loại hình cán bộ bị “đóng khung” trong các quy định, không tạo được sự gắn kết, liên thông các cấp và bổ sung lẫn nhau trong cả đội ngũ. Ông Mai Đình Phong, Bí thư Đảng bộ xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho rằng, thực trạng nói trên dẫn đến một bộ phận cán bộ cơ sở có nhiều tâm tư, loanh quanh các chức danh ở xã rồi hạ cánh, làm việc cầm chừng, thiếu ý thức phản biện và thiếu nhiệt huyết trong công việc.

Để đổi mới cán bộ và công tác cán bộ, Đảng và Nhà nước cần có chiến lược về xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Mọi nguồn lực của đất nước sẽ được khai thác triệt để, mọi quyết sách của Đảng và Nhà nước sẽ được kiểm chứng, thực hiện từ cơ sở và sẽ thành công nếu xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và tri thức làm chủ mọi nguồn lực từ cơ sở. Cần tạo sự liên thông giữa các đối tượng cán bộ và các cấp từ thôn đến cấp cơ sở và trên cơ sở; thay đổi những quy định không còn phù hợp, tạo môi trường thông thoáng để mỗi cán bộ được phát huy trí tuệ và sự hiểu biết về phong trào.

ky 1 doi moi cong tac can bo truoc het tu co so hinh 3

Huyện ủy Thạch Hà công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ

Nên có chính sách để thu hút trí thức trẻ ra trường về tham gia công tác tại cơ sở để tạo nguồn lâu dài; đồng thời có quy định sử dụng một tỷ lệ nhất định cán bộ đã về hưu nhưng tuổi đời còn trẻ, có năng lực, có uy tín thực sự đối với những cơ sở phong trào còn khó khăn, thiếu cán bộ như một thời kỳ chúng ta đã sử dụng. Nếu có môi trường rèn luyện, một bí thư hay thôn trưởng, một cán bộ cấp cơ sở giỏi là trí thức trẻ hôm nay, được đào luyện từ thực tiễn có thể là một cán bộ chủ trì các cấp trong tương lai. Hàng chục vạn con người như thế có thể sàng lọc và tìm chọn được nhân tài cho đất nước. Vấn đề này không dừng lại ở tạo động lực, tìm chọn con người vì dân, vì phong trào, mà còn là bài toán rất kinh tế trong khai thác, tận dụng về chất xám, về nguồn lực con người. Đã đến lúc cần xem lại những điều không hợp lý từ Nghị định 121/CP về công chức xã để sửa đổi, bổ sung, tạo sự liên thông trong môi trường xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Phải tạo ra nhiều cơ hội để cán bộ có động lực phấn đấu, được xả thân, được cống hiến và trưởng thành.

Chúng ta cần có nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của cơ sở và đội ngũ cán bộ cơ sở trong lộ trình phát triển của đất nước. Từ đó để điều chỉnh, bổ sung các chính sách đối với cán bộ cơ sở về thực hiện tinh giảm biên chế, đào tạo, sử dụng và chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, tạo đòn bẩy khuyến khích cán bộ an tâm công tác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để cống hiến và phát tiển tốt hơn.

                                    Thanh Bình - Khắc Hiển

Kỳ 2: Đổi mới quy chế bầu cử, tạo đòn bẩy khích lệ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ

Bình Luận

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức