Phía sau những bức ảnh báo chí chấn động nhất thế giới

Kỳ 1: Dorothea Lange: Xuất thần với “Người mẹ di cư”

Thứ năm, 05/03/2020 10:29 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bức ảnh báo chí "Người mẹ di cư ” được chụp từ năm 1936 nhưng cho đến nay, sau nhiều thập kỷ, vẫn đầy sức ám ảnh với độc giả hiện thời bởi giá trị hiện thực ăm ắp và câu chuyện hậu trường nhiều ám ảnh phía sau.

LTS: Trong đời sống báo chí, trong số các thể loại báo chí, ảnh báo chí luôn luôn giữ một vị thế riêng biệt và sở hữu những giá trị truyền thông dường như không thể thay thế. Ảnh báo chí, nói như bà Sophie Boshouwers - Giám tuyển và Quản lý của Tổ chức Ảnh báo chí thế giới, mỗi bức ảnh báo chí là một chứng cứ hay một sự thật được xác thực. Ảnh báo chí diễn tả khuôn mặt của thế giới. Mỗi bức ảnh là một mảnh ghép của hiện thực, trong đó có đầy đủ những nỗi đau, nỗi mất mát, hay sự đồng cảm, sẻ chia của công chúng toàn thế giới khi đón nhận những thông điệp đầy trách nhiệm của người cầm máy. Ảnh báo chí đã cung cấp cho công chúng những hình ảnh chân thực, sống động, quen thuộc diễn biến xung quanh họ. Vì những lẽ đó, từ số báo này, trang Tư liệu báo Nhà báo & Công luận sẽ lần lượt giới thiệu tới độc giả những bức ảnh báo chí được đánh giá là chấn động nhất thế giới.

Bài liên quan
3_224d3

Nữ nhiếp ảnh gia với đôi chân tật nguyền

Thực sự trong lịch sử ảnh báo chí thế giới, “Migrant Mother” (Người mẹ di cư) là bức ảnh đặc biệt, về một người phụ nữ đặc biệt và được chụp bởi một người phụ nữ cũng khá đặc biệt. Và nét đặc biệt nhất về Dorothea Lange chính là việc bà là người phụ nữ tật nguyền.

Năm lên 7, căn bệnh bại liệt quái ác đã khiến cô bé bị liệt khiến cô bị liệt chân phải và khiến Dorothea Lange  phải đi khập khễnh suốt cả cuộc đời. Nhưng đúng là ông trời không lấy của ai tất cả. Số phận đã khiến cô bé bị tật nguyền nhưng lại cho Dorothea Lange sự nhạy cảm hơn người. Chính sự nhạy cảm ấy đã là lợi thế để tạo nên một nhiếp ảnh gia Dorothea Lange tài năng sau này.

Tuy nhiên, ban đầu Dorothea Lange chưa có ý định lập nghiệp bằng con đường nhiếp ảnh. Sau khi tốt nghiệp trung học, Dorothea Lange ghi danh theo học ngành sư phạm. Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi Dorothea Lange  theo học nhiếp ảnh tại một studio ở New York, tình yêu với nhiếp ảnh trong cô lớn dần và một thời gian sau đó, Dorothea Lange quyết định hiện thực hóa niềm đam mê của mình bằng việc mở một studio ở San Francisco. Đó là năm 1919. Cuộc hôn nhân với người chồng có chung sự đồng điệu với những bức ảnh - giáo sư kinh tế học tại Đại học California tại Berkeley đồng thời là một nhiếp ảnh gia tự học - đã càng khiến niềm đam mê với ống kính của Dorothea Lange trở nên sâu đậm. Về sau này, Dorothea Lange đảm nhận công việc điều tra, chụp ảnh hiện trường cho cơ quan Tái định cư của chính phủ Mỹ (sau này trở thành Cơ quan Bảo vệ Nông trại). Những khó khăn mà công dân di cư phải trải qua qua ống kính của những nhân viên như Dorothea Lange là chứng cứ để những công dân này có thể nhận được viện trợ từ chính quyền liên bang.

Cùng chồng, cùng với công việc của mình, Dorothea Lange phiêu du khắp nơi và chính trong những tháng ngày đi đây đi đó ấy, đã là nguồn trải nghiệm, là cơ hội để Dorothea Lange có cho mình những bức ảnh để đời. Một trong số đó chính là bức ảnh: “Migrant Mother” (Người mẹ di cư).

1_224d3

Bức ảnh để đời từ phút nản lòng

Nhiều người mặc định một bức hình đáng giá phải là sản phẩm của những phút giây thăng hoa nhất. Điều này có thể đúng nhưng dường như không phải đúng với tất cả, ít nhất là với trường hợp của Dorothea Lange với bức ảnh “Người mẹ di cư”.

Mọi chuyện xảy đến vào một ngày tháng 2 năm 1936. Nước Mỹ của Dorothea Lange đang trong thời kỳ Đại suy thoái. Thời kỳ đó, sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29/10/1929, nước Mỹ rơi vào cuộc Đại suy thoái kéo dài hơn một thập niên. Rất nhiều gia đình, từ nông thôn đến thành thị ở Mỹ đã rơi vào bần cùng trong giai đoạn này. “Người mẹ di cư” đã phản ánh rất chân thực nỗi niềm của người dân Mỹ trong giai đoạn bần cùng ấy.

Về sau này, khi bức “Người mẹ di cư” trở nên quá nổi tiếng, được hỏi về “hậu trường” ra đời của bức ảnh, Dorothea Lange cho biết bà không nhớ đã chụp bức ảnh này như thế nào. “Tôi chỉ nhớ mình đã tiếp cận một gia đình trong số hơn 2 ngàn hộ nông dân sống ở trang trại Nipomo. Tôi cũng không hỏi tên người phụ nữ trong hình. Cô ấy chỉ nói với tôi cô ấy 32 tuổi; và mẹ con họ phải sống nhờ rau quả mót được từ cánh đồng đã bị trận mưa đá phá hủy; và những con chim mà bọn trẻ bắn được” - Dorothea Lange nhớ lại.

Nhưng sự thực, sau những lần kể chắp nối của Dorothea Lange, rằng “Người mẹ di cư” được bà chụp trong lúc tâm trạng đang hết sức chán chường, nản lòng, mệt mỏi bởi công việc tác nghiệp ở những khu ổ chuột và nông trại ở nông thôn nghèo đói, thiếu tiện nghi, lại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã lấy đi của bà quá nhiều sức lực. Bối cảnh suy thoái, mùa màng thất bát, người lao động không có việc làm, thực phẩm khan hiếm đã khiến mọi sự càng trở nên thảm cảnh trong mắt Dorothea Lange. Bà thậm chí đã viết đơn xin trở về nhà ở Los Angeles và được chấp thuận.

images (1)

Nhưng mọi sự đúng là nằm ở hai chữ tình cờ và duyên nợ. Trên đường lái xe trở về nhà, Dorothea Lange thấy một tấm biển viết tay chỉ tới cho một nông trại hái đậu ở thung lũng Nipomo, California nhưng bà không dừng lại. Tuy nhiên, sau khi đi được một đoạn, không hiểu điều gì xui khiến, bà đột ngột lái xe trở lại ngôi nhà đó. Đập vào mắt bà là một cảnh tượng mà theo bà thì không thể não nề hơn. Một trang trại tồi tàn, một phụ nữ chẳng thể đoán nổi là bao nhiêu tuổi, mệt mỏi, chán chường, khuôn mặt nhợt nhạt, đói lả và tuyệt vọng co ro. Bên cạnh là những đứa con, cũng đói khát, mệt lả, nhợt nhạt như thế. Việc của mẹ con họ là ngồi đón đợi chồng - cha trở về, lúc đó họ sẽ có cái ăn. Trong họ lúc đó chỉ có niềm mong ước duy nhất là thời tiết bớt phần khắc nghiệt, để cây cối trên trang trại của họ có thể tươi xanh trở lại, cái đói sẽ bớt rình rập họ mỗi ngày.

Rất nhanh, vừa trò chuyện, Dorothea Lange vừa luôn tay bấm máy. Và bức ảnh trong buổi chiều ảm đạm, trong tâm trạng chẳng mấy nhẹ nhàng ấy, đã là bức ảnh để đời, mang lại danh tiếng cho Dorothea Lange trên tư cách là một trong những nữ nhiếp ảnh gia tài năng nhất thế giới. Bức ảnh “Người mẹ di cư” cũng trở thành bức ảnh giàu sức ám ảnh nhất về một thời kỳ không thể quên trong lịch sử nước Mỹ.

images

Một điều thú vị là kể cả khi bức “Người mẹ di cư” đã trở nên bức ảnh nổi tiếng khắp thế giới, độc giả chẳng có cơ hội được biết người mẹ với vẻ mặt thất thần trong bức ảnh nổi tiếng là ai. Và người mẹ ấy, với cuộc sống đầy khốn khó của mình, đương nhiên cũng chẳng có cơ hội để biết mình là nhân vật chính trong một bức ảnh nổi tiếng.

Phải đến chừng 4 thập kỷ sau ngày Dorothea Lange chụp bức ảnh, Florence Owens Thompson - người mẹ 32 tuổi của 7 đứa con ngày ấy - mới thực sự được biết mặt, biết tên. Dù vậy, cũng vẻ mặt nhạt nhẽo vô hồn như cách đó 40 năm, bà Florence Owens Thompson, khi đó đã ngoài 70 tuổi, bảo rằng ước gì bà không chụp bức ảnh đó, thậm chí bà còn bực bội “mắng” nữ nhiếp ảnh gia là đã… không đưa bà một xu nào. Thêm nữa, “Cô ấy nói sẽ không bán bức ảnh và sẽ gửi cho tôi một bản. Nhưng cô ta không hề làm vậy” - bà Florence Owens Thompson bực bội.

Hà Anh

Tags:

Tin khác

Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

Căng thẳng Mỹ - Nga lan ra cả ngoài không gian

(CLO) Ngày 24/4, Nga đã bác bỏ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo kêu gọi các quốc gia ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian. Động thái này cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc đã lan ra ngoài không gian.

Thế giới 24h
WHO: Việc sử dụng rượu và thuốc lá điện tử ở giới trẻ đáng 'báo động'

WHO: Việc sử dụng rượu và thuốc lá điện tử ở giới trẻ đáng 'báo động'

(CLO) Theo một báo cáo công bố hôm thứ Năm (25/4) của chi nhánh Châu Âu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rộng rãi rượu và thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên là “đáng báo động”.

Thế giới 24h
Mỹ sẽ gửi vũ khí tới Ukraine qua Đức và Ba Lan

Mỹ sẽ gửi vũ khí tới Ukraine qua Đức và Ba Lan

(CLO) Trong nhiều tháng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị cho ngày Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 61 tỷ USD.

Thế giới 24h
NASA sắp lắp đặt mạng 4G để chuẩn bị cho con người trên Mặt trăng

NASA sắp lắp đặt mạng 4G để chuẩn bị cho con người trên Mặt trăng

(CLO) NASA và Nokia đã hợp tác lắp đặt mạng di động trên Mặt trăng nhằm chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài của con người trên các hành tinh ngoài Trái đất.

Thế giới 24h
Nga tiếp tục dồn ép trên chiến trường khi Ukraine chờ viện trợ Mỹ

Nga tiếp tục dồn ép trên chiến trường khi Ukraine chờ viện trợ Mỹ

(CLO) Khi Mỹ chuẩn bị chuyển 61 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, các báo cáo từ miền đông Ukraine tiếp tục nêu bật sự thất thế của Kiev trên chiến trường.

Thế giới 24h