Kỳ 1: Ươm mầm những ‘hạt giống đỏ’ từ học đường
(CLO) Phát triển đảng viên trong trường học từ lâu đã là một hướng đi được chú trọng tại nhiều trường THPT tại Hà Tĩnh. Nhiều trường đã xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tìm ra những nhân tố tích cực để “ươm mầm” bồi dưỡng, kết nạp, tăng cường sức trẻ, sức chiến đấu cho Đảng.

Học sinh trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nhận quyết định kết nạp Đảng
Thêm nhiều “hạt giống đỏ”!
Cách đây gần một tháng, tôi gặp Nguyễn Trung Thức (SN 2002) ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khi em đang đi làm hồ sơ để chuẩn bị ra Hà Nội nhập học. Thức hiện là tân sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở tuổi 18, cựu học sinh của trường THPT Nghi Xuân vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc tự hào, đẹp đẽ.
Trung Thức tâm sự: “Ngay từ khi bước chân vào trường THPT, em luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện. Liên tục 3 năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi trường và học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, là một lớp trưởng, em luôn là “đầu tàu”, tích cực tham gia các phong trào của lớp, trường. Em tham gia các phong trào hoạt động Đoàn giúp em rèn luyện được thêm nhiều kỹ năng mềm, để tự tin và trưởng thành hơn”.
Ngày 2/8/2020, Thức được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. “Trở thành đảng viên khi còn là học sinh, em cảm thấy tự hào và vinh dự. Đó là động lực để mình nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, xứng đáng với vai trò đảng viên trẻ khi học tập ở môi trường mới là giảng đường đại học”, Thức chia sẻ.

Em Nguyễn Trung Thức chụp ảnh kỷ niệm cùng cô Hiệu trưởng trường THPT Nghi Xuân khi đứng vào hàng ngũ của Đảng
Mặc dù đã qua hơn một năm nhưng đến nay, em Trần Công Tân (SN 2001) ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (hiện là sinh viên năm 2, Khoa Kỹ thuật ô tô, trường Đại học Bách khoa Hà Nội) vẫn không quên ngày 3/7/2019 – ngày mà em được kết nạp Đảng tại trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Tân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tạo khoa học kỹ thuật của trường, là học sinh có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, với nhiều năm liền đạt giải cao tại Cuộc thi sáng tạo KHKT tỉnh Hà Tĩnh.
Nhớ lại ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Tân tâm sự: “Trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng câu, từng chữ trong lời tuyên thệ thiêng liêng, trở thành sức mạnh và động lực để những đảng viên trẻ hoàn thành tâm nguyện của đời mình”.
Hiện nay vừa là lớp trưởng, vừa là Ủy viên BCH Liên chi đoàn Khoa kỹ thuật ô tô, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tân vẫn là tấm gương năng nổ, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện để khi ra trường có thể đóng góp sức mình cho Đảng, cho quê hương.

em Trần Công Tân vẫn là tấm gương năng nổ, tích cực học tập, tu dưỡng rèn luyện tại giảng đường Đại học
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt, Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Chính vì vậy, xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên chất lượng chính là vấn đề cốt lõi để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Công tác phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng của các tổ chức cơ sở đảng, tăng cường cho Đảng lực lượng đảng viên trẻ, có trình độ, phẩm chất tốt. Lễ kết nạp đảng viên được tổ chức trang trọng là một dấu mốc ý nghĩa để mỗi đảng viên trẻ được tiếp thêm động lực, niềm tin vững bước trên chặng đường phía trước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Có thể nói, việc được kết nạp đảng trong trường THPT đã trở thành động lực cho thế hệ trẻ trong quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, là hành trang để các em trở thành công dân tốt cho xã hội.
Tạo môi trường ươm mầm lý tưởng
Đối với học sinh, chủ trương “ươm mầm”, phát triển đảng từ những đoàn viên ưu tú được chú trọng vào hai nhiệm vụ: học tập và rèn luyện đạo đức, nâng cao nhận thức chính trị. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên, mỗi học sinh phải không ngừng nỗ lực của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, vai trò của tổ chức Đảng, Đoàn trường rất quan trọng trong việc xây dựng, định hướng và tạo môi trường cho nhiều đoàn viên ưu tú học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Thầy Trần Xuân Thắng, Bí thư Đoàn trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, bằng nhiều phong trào hành động cách mạng vừa đa dạng về nội dung, vừa sinh động về hình thức như: mô hình “Nhật ký làm theo lời Bác”; “Mỗi tuần mỗi việc tốt, mỗi ngày một hành động đẹp”, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chương trình “Tiếp sức mùa thi” và chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ;… đã thu hút và phát huy được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên được dấn thân, thể hiện được bản lĩnh, kỹ năng. Từ đó, tạo động lực và môi trường để đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là đoàn viên ưu tú rèn luyện cống hiến và trưởng thành.
“Đảng bộ trường đã xây dựng và ban hành nghị quyết riêng về công tác phát triển Đảng trong học sinh. Để tạo điều kiện cho các đoàn viên bộc lộ phẩm chất, năng lực, giúp các tổ chức đoàn thể phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú từ khâu giới thiệu tạo nguồn đến công tác bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới, theo phương châm đảm bảo về chất lượng, không chạy theo số lượng”, Thầy Thắng cho biết.

Thiêng liêng phút giây giơ nắm tay thề dưới cờ Đảng của các em học sinh THPT Cẩm Bình, khi được kết nạp Đảng trong trường học
Để tạo nguồn và phát triển đảng viên trong học sinh, hằng năm, Đảng bộ các trường THPT giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên cho từng chi bộ. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu các chi bộ tập trung theo dõi, rà soát, tìm kiếm "hạt giống” để bồi dưỡng, rèn giũa từ những ngày đầu các em bước vào môi trường học tập mới.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, trên cơ sở tiêu chí của nhà trường đưa ra khi xét kết nạp đảng cho học sinh, ngay từ đầu năm học lớp 11, những học sinh là đoàn viên ưu tú đã được nhà trường đưa vào diện “ươm mầm”, cử đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Sau khi hoàn thành lớp học, sẽ là giai đoạn thử thách với sự quan tâm, theo dõi của từng thành viên trong chi bộ.
“Điều quan trọng nhất chính các em học sinh phải có khao khát được cống hiến và mong muốn được kết nạp Đảng. Trên cơ sở đó, nhà trường, tổ chức đoàn tiếp tục bồi dưỡng, phát huy năng lực thực sự của các em”, thầy Hòa chia sẻ.
Trước những rào cản mà thực tiễn đặt ra, nhất là khi nhận thức và hiểu biết về Đảng của nhiều học sinh còn mơ hồ, thì việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho các em được các trường THPT đặc biệt quan tâm. Cụ thể, từ việc đổi mới về nội dung và hình thức trong công tác tuyên truyền, giáo dục góp phần quan trọng vào việc định hướng lý tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ nhà trường thông qua các hoạt động đoàn thể, qua các trang thông tin điện tử như website của nhà trường, facebook, zalo... đến việc tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên để phòng ngừa, sàng lọc và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cuộc thi "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2020 được các Đoàn trường THPT ở Hà Tĩnh hướng dẫn ĐVTN làm bài thi trực tuyến
Việc tổ chức kết nạp đảng viên trong trường phổ thông còn hạn chế một phần là do tiêu chuẩn và độ tuổi kết nạp Đảng. Muốn vào Đảng, các em phải đủ 18 tuổi trở lên (tính theo tháng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp). Vì thế, có nhiều trường hợp học sinh trong trường đạt tiêu chí kết nạp rất cao, nhưng khi được giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng và triển khai làm hồ sơ kết nạp Đảng bị vướng tiêu chuẩn độ tuổi vào Đảng.
Vì vậy, theo kinh nghiệm của các đơn vị muốn làm tốt công tác phát triển Đảng trong trường học, ngay từ đầu năm học đầu tiên của lớp đầu cấp, nhà trường THPT phải đi sát, nắm chắc đối tượng học sinh có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đó tổ chức phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ nhằm tuyên truyền cho các em đó hiểu biết sâu hơn về Đảng, động viên, khích lệ các em nỗ lực phấn đấu, đầu tàu gương mẫu tốt về mọi mặt nhằm giúp các em vững vàng hơn cả nhận thức lẫn thực tiễn, để đưa vào bồi dưỡng, kết nạp Đảng trong những năm cuối của cấp học. Phải phấn đấu để các trường THPT là mảnh đất “ươm mầm”, mỗi đảng viên của trường là những người gieo những "hạt giống đỏ" để mỗi khi mỗi niên khóa học kết thúc lại có thêm nhiều đảng viên trẻ bổ sung vào đội ngũ của Đảng.
Trần Phong
Kỳ 2: Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong các trường học