Kỳ 3: Sự quyết liệt của hệ thống chính trị - Biến chủ trương thành hiện thực

22/03/2025 10:45

(CLO) Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chủ trương lớn này đã từng bước được hiện thực hóa, giúp hàng nghìn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có được mái ấm an toàn, ổn định cuộc sống.

Chỉ thị số 50-CT/TU – Bước ngoặt trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 12/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TU, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đây là hành động cụ thể hóa phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bài liên quan

Kỳ 1: Câu chuyện về những số phận kém may mắn nương thân trong chốn tạm bợ

Kỳ 2: Huy động sức mạnh cộng đồng – Đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ xây nhà

ky 3 su quyet liet cua he thong chinh tri  bien chu truong thanh hien thuc hinh 1

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Baochinhphu.vn.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã huy động gần 800 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa, qua đó xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng cùng hơn 8.000 ngôi nhà kiên cố dành cho các hộ gia đình có công, hộ nghèo và cận nghèo. Những con số này không chỉ phản ánh nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà còn cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Tuy nhiên, theo thống kê, toàn tỉnh vẫn còn hơn 2.000 hộ gia đình đang phải sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ, dột nát. Đây là thách thức lớn đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu không còn nhà ở dưới chuẩn vào năm 2025.

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TU, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã xác định rõ ba nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; triển khai hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu quốc gia; và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các nhóm đối tượng khác. Để đảm bảo tính khả thi, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, trong đó bí thư cấp ủy giữ vai trò trưởng ban, chủ tịch UBND và chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp làm phó trưởng ban. Các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ rà soát, thống kê chính xác số lượng nhà tạm, nhà dột nát, từ đó xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm tránh tái phát sinh tình trạng nhà ở không đạt chuẩn.

Chương trình đặt trọng tâm vào việc huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nguyên tắc thực hiện được xác định rõ ràng: “Ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”. Quá trình triển khai sẽ đảm bảo tính minh bạch, đúng đối tượng, tránh thất thoát và lãng phí nguồn lực.

Để phong trào đạt hiệu quả cao, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh được giao nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh kịp thời kết quả thực hiện, đồng thời lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên được yêu cầu tiên phong, gương mẫu trong việc vận động, hỗ trợ người dân. Sự tham gia tích cực của các lực lượng này không chỉ tạo động lực mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.

ky 3 su quyet liet cua he thong chinh tri  bien chu truong thanh hien thuc hinh 2

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 50-CT/TU, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 1056 cấp tỉnh về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, cùng ba Phó Trưởng ban gồm Chủ tịch UBND tỉnh (Phó Trưởng ban Thường trực), Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội. Ban này quy tụ 21 thành viên là lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

UBND tỉnh được giao vai trò cơ quan thường trực, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng làm cơ quan giúp việc. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động, đồng thời vận động, huy động nguồn lực từ cả xã hội và Nhà nước để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở kiên cố. Mục tiêu cụ thể là hoàn thành ba nhiệm vụ chính trong năm 2025, góp phần đảm bảo mọi hộ dân trên địa bàn tỉnh đều có nơi ở ổn định, an toàn.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo 1056 và triển khai Chỉ thị số 50-CT/TU không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Hà Tĩnh mà còn khẳng định tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, Hà Tĩnh đang hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên quê hương miền Trung kiên cường.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: “Không để ai bị bỏ lại, quyết tâm xóa nhà tạm trước 19/5/2025”

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, tính đến tháng 3/2025, Hà Tĩnh đã khởi công xây dựng 408/1.374 nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo, trong đó 51 căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một số địa phương ghi nhận kết quả nổi bật như Hương Sơn (172/192 nhà, đạt 89,6%), Nghi Xuân (40/44 nhà, đạt 90,9%) và Hương Khê (103/201 nhà, đạt 51,2%). Những con số này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân trong việc hiện thực hóa mục tiêu lớn.

ky 3 su quyet liet cua he thong chinh tri  bien chu truong thanh hien thuc hinh 3

Chung tay góp sức, sớm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Hà Tĩnh

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Trao đổi với lãnh đạo các địa phương cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ chưa đạt như kỳ vọng do ảnh hưởng của phong tục tập quán, khiến một số gia đình chậm khởi công. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đối ứng từ các hộ gia đình gặp hạn chế, thời tiết không thuận lợi và công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ người dân cũng chưa được phát huy tối đa. Ngoài ra, việc Bộ Xây dựng chậm ban hành tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát đã ảnh hưởng đến tiến độ rà soát và xác định đối tượng thụ hưởng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh, mức hỗ trợ từ Trung ương hiện quy định 60 triệu đồng cho xây mới và 30 triệu đồng cho sửa chữa. Một số đơn vị như Viettel hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà, Agribank hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế, Ban Chỉ đạo 1056 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 31/12/2024, nâng mức hỗ trợ xây mới lên 70 triệu đồng/nhà, giữ nguyên 30 triệu đồng/nhà cho sửa chữa.

Tổng cộng, Hà Tĩnh cần xây mới 1.064 nhà (492 hộ nghèo, 572 hộ cận nghèo) và sửa chữa 310 nhà (157 hộ nghèo, 153 hộ cận nghèo), với kinh phí dự kiến 83,78 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 đạt 57,136 tỷ đồng, còn lại 10,64 tỷ đồng sẽ được huy động bổ sung từ các nguồn lực khác để bù đắp chênh lệch. Đây là bài toán tài chính đòi hỏi sự linh hoạt và quyết tâm cao từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất BCĐ 1056 tỉnh thay đổi cơ quan giúp việc từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Nông nghiệp và Môi trường nhằm đảm bảo tính chủ động trong tham mưu và triển khai. Đồng thời, kiến nghị chỉ đạo các huyện kiện toàn BCĐ cấp cơ sở, xây dựng kế hoạch chi tiết với lộ trình, số lượng và tiến độ cụ thể cho từng trường hợp, đảm bảo hoàn thành đúng hạn theo chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ tỉnh.

ky 3 su quyet liet cua he thong chinh tri  bien chu truong thanh hien thuc hinh 4

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát Hà Tĩnh chủ trì cuộc họp.

Với trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quán triệt trong quá trình phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, việc thực hiện chương trình không chỉ là yêu cầu từ Trung ương mà còn là lời hứa với người dân Hà Tĩnh – những người đang kỳ vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với mục tiêu phải hoàn thành trước ngày 19/5/2025, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, hình thành phong trào rộng khắp. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiện toàn Ban Chỉ đạo, sửa đổi quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được khen thưởng, trong khi những nơi chậm trễ sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm. Để đảm bảo chương trình đi đúng hướng, Bí thư Tỉnh ủy phân công các sở, ban, ngành vào cuộc có trách nhiệm.

Cụ thể, Sở Xây dựng phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, hướng dẫn thiết kế nhà ở phù hợp từng vùng, đảm bảo đối tượng ưu tiên là người có công và thân nhân liệt sĩ. MTTQ tỉnh tiếp tục vỪdn động nguồn lực, giám sát phân bổ kinh phí và trực tiếp hỗ trợ các hộ dân.

Tại cấp cơ sở, Ban Chỉ đạo huyện và xã phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức, tăng cường kiểm tra, đảm bảo giải ngân đúng mục đích và giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về quyền sử dụng đất, tránh gây chậm trễ tiến độ.

Nhắc lại vai trò của truyền thông, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, biến chương trình trở thành phong trào sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống người dân Hà Tĩnh.

Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Hà Tĩnh không chỉ dừng lại ở việc dựng xây những mái ấm mới, mà còn là câu chuyện về ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên của một vùng đất giàu truyền thống. Với sự dẫn dắt quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đoàn kết từ cộng đồng, Hà Tĩnh đang viết nên một chương mới đầy tự hào. Trước ngày 19/5/2025, khi từng ngôi nhà kiên cố mọc lên thay thế những căn nhà tạm bợ, đó không chỉ là thành quả của một chương trình an sinh, mà còn là biểu tượng của niềm tin, hy vọng và tương lai bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỳ 3: Sự quyết liệt của hệ thống chính trị - Biến chủ trương thành hiện thực
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO