Kỳ cuối: Đưa Thủ đô trở lại nhịp sống thường ngày

10/10/2024 07:00

(NB&CL) Tiếp quản Thủ đô thành công trọn vẹn, không có nổ súng và không có bất cứ thương vong nào do giao tranh… đã là chiến công lớn của quân dân Hà Nội những ngày đầu Thủ đô giải phóng cách đây 70 năm. Sau chiến công ấy, quân dân Hà Nội còn sứ mệnh lớn lao nhưng cũng không ít thách thức, đó là tiếp thu và quản lý Hà Nội như thế nào để sớm đưa Thủ đô trở lại nhịp sống thường ngày.

Khó khăn, thách thức bủa vây

Thủ đô Hà Nội sau ngày tiếp quản muôn vàn khó khăn, kinh tế thành phố nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá; dịch vụ, thương nghiệp là chủ yếu, phụ thuộc, phần lớn là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ phục vụ sinh hoạt công cộng. Nông nghiệp sa sút, ruộng đất bỏ hoang nhiều, sức kéo trâu bò bị hủy hoại, thủy lợi kém phát triển. Giao thông vận tải đều bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng.

Hà Nội lúc đó mặc dù là trung tâm hàng đầu của cả nước về trình độ văn hoá nhưng vẫn còn hàng chục vạn người chưa biết chữ. Bên cạnh đó, hơn 7 vạn người không có việc làm, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, nạn đói đã hoành hành… Hàng nghìn người tàn tật, cơ nhỡ và trẻ em mồ côi, tệ nạn xã hội phổ biến...

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 1

Bộ đội dạy thiếu nhi Thủ đô những bài ca kháng chiến sau ngày Hà Nội giải phóng (tháng 10-1954). Nguồn: Tư liệu TTXVN

Bài liên quan

Kỳ 1: Ra đi hẹn ngày về

Kỳ 2: 80 ngày tranh đấu để tiếp quản Thủ đô

Chưa kể vào thời điểm ấy, các thế lực thù địch, các đảng phái chính trị phản động ra sức xuyên tạc việc ký Hiệp định Geneva, chống phá chính quyền cách mạng khi vào tiếp quản, gây hoang mang trong nhân dân. Chúng âm mưu thành lập trung đoàn Thủ đô, tự vệ thành đội, an ninh và địa phương quân, gồm những phần tử lưu manh, trộm cướp... Chúng dùng truyền đơn, khẩu hiệu với nội dung: Ký hiệp định là chia sẻ đất nước; thuế má nặng nề; dụ dỗ quần chúng di cư vào Nam; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Chính phủ; cho đảng viên quấy rối trong nhân dân...

Trong bối cảnh đó, chính quyền cách mạng vừa mới được lập lại, còn khó khăn thiếu thốn nhiều mặt. Các tổ chức quần chúng đang trong quá trình củng cố. Đối với lực lượng vũ trang Hà Nội, sau khi tiếp quản, lực lượng của Mặt trận Hà Nội từ ngoài trở về thành phố còn mỏng, tổng quân số chưa tới 100 người; lực lượng tự vệ trong thành phố thì mới được khôi phục, nhưng số lượng và chất lượng đều rất hạn chế, tập trung chủ yếu trong một số xí nghiệp quan trọng. 

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 2

Rạp chiếu phim lại đông đúc người xem. Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. Hà Nội bước sang một trang sử mới. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Giữ gìn trật tự an ninh, xây dựng, củng cố chính quyền là ưu tiên hàng đầu

Trước vô vàn khó khăn của ngày đầu tiếp quản Thủ đô, trước khối lượng công việc khổng lồ cần phải làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài viết trên Báo Nhân dân ngày 9/10/1954, đã nhấn mạnh: “Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp. Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”.

Người kêu gọi: “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”.

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 3

Mậu dịch Quốc doanh mở cửa để giải quyết nhu cầu cho đồng bào. Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. Hà Nội bước sang một trang sử mới. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Báo Nhân Dân, trong bài Xã luận đăng trên số báo 11-12/10/1954 một ngày sau giải phóng Thủ đô bàn về việc tiếp thu và quản lý Hà Nội đã chỉ rõ: “Mục đích của chính sách tiếp thu và quản lý là: - Duy trì, khôi phục trật tự và an ninh của thành phố/Duy trì, khôi phục đời sống của nhân dân/Duy trì, khôi phục mọi mặt hoạt động của thành phố”.

Bài báo nhấn mạnh: “Duy trì nghĩa là giữ nguyên những cái gì sẵn có. Khôi phục nghĩa là gây dựng lại như trước những cái gì đã có mà bị đình trệ, đảo lộn hoặc hư hỏng. Chính sách tiếp thu và quản lý nhằm duy trì, khôi phục trật tự và an ninh của thành phố, làm cho toàn thể nhân dân trong thành phố và toàn thể ngoại kiều (kể cả kiều dân Pháp) trong thành phố, đều được bảo đảm tính mệnh và tài sản, đều được yên ổn làm ăn sinh sống, không bị ngăn trở, uy hiếp. Để thực hiện mục đích đó, làm yên lòng nhân dân, ổn định tình hình, chính sách tiếp thu và quản lý thành thị đã quy định rõ: phải đề phòng, chống lại và nghiêm trị mọi sự phá rối trật tự, mọi sự phá hoại của công, cướp bóc, trộm cắp, xâm phạm đến tính mệnh, tài sản của nhân dân. Đồng thời, cũng phải đề phòng và chống những hành động vô ý thức, làm hại đến trật tự và an ninh của thành phố”.

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 4

Trường đại học mở cửa trở lại. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Từ yêu cầu đó, ngày 19/10/1954, Ủy ban Quân chính ra thông cáo về bảo đảm trị an nêu rõ 3 nội dung: Đề phòng hành động xâm phạm phá hoại tài sản, tính mệnh của nhân dân như ám hại, cướp của, phá hoại...; những hành động phá hoại tài sản chung của thành phố đều bị nghiêm trị… Ngay sau đó, Tiểu ban tổ chức dân quân, tự vệ và Tiểu ban huấn luyện đã được thành lập. Lực lượng tự vệ được củng cố và mở rộng, tham gia cùng công an giải quyết tệ nạn xã hội ở địa phương. Trên các đường phố thường xuyên có các tổ tuần tra kiểm soát quân sự hoạt động liên tục để vừa giữ gìn trật tự trị an đường phố, vừa chấn chỉnh tư thế, tác phong cho các quân nhân qua lại Thủ đô. Các cơ quan, xí nghiệp, công trình công cộng, nhất là các mục tiêu quan trọng, đều được quân đội, công an phối hợp cùng với lực lượng tự vệ và công nhân tổ chức canh gác.

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 5

Chợ Đồng Xuân tấp nập người mua bán. Nguồn: Tư liệu TTXVN.

Việc xây dựng, củng cố, ổn định các cấp chính quyền cũng quan trọng không kém. Ngày 4/11/1954, Ủy ban hành chính TP. Hà Nội được thành lập, hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở cũng được thiết lập, kiện toàn. Cả Hà Nội chia ra 36 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành gồm 46 xã.

Bên cạnh đó, việc tối quan trọng nữa là “khôi phục đời sống của nhân dân và các mặt hoạt động của thành phố”. Như nhấn mạnh của Báo Nhân Dân: “Chính sách tiếp thu và quản lý nhằm duy trì, khôi phục đời sống bình thường về mọi mặt của nhân dân: ăn, ở vệ sinh, đi lại, làm việc, giải trí... Công việc mà chúng ta phải lo lắng trước tiên là làm sao cho nhân dân được tiếp tế về gạo, củi, thức ăn, có nước dùng, có xe cộ để đi lại, tối đến có đèn, đường xá có người quét dọn sạch sẽ, khi cần gửi thư có nhà bưu điện, sau khi làm việc có chỗ giải trí... Phải làm cho các công sở hoạt động ngay để giải quyết công việc cho nhân dân. Phải làm cho các xí nghiệp công, tư chạy đều, các cửa hàng mở cửa, chợ búa họp đều, mọi hoạt động công thương nghiệp của thành phố tiếp tục như thường. Phải làm cho các trường học công và tư, các nhà thương, nhà hộ sinh, cơ quan văn hóa, giáo dục đều tiếp tục hoạt động”.

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 6

Các nữ sinh trường Trưng Vương tựu trường. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Để khôi phục nền kinh tế, thương nghiệp, dịch vụ, ngay sau khi được kiện toàn, chính quyền thành phố thi hành một số biện pháp quan trọng như: bãi bỏ các thứ thuế như đảm phụ quốc phòng, thuế đánh vào sản xuất nhỏ và bán hàng rong, bước đầu phục hồi công, thương nghiệp, khuyến khích sản xuất, mở thêm các xí nghiệp, cơ sở sản xuất, các hợp tác xã mua bán, tổ mua bán lưu động, kinh tiêu đại lý được thành lập góp phần bình ổn giá lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trên thị trường. Nông nghiệp, chăn nuôi được đẩy mạnh. Hàng chục nghìn mẫu ruộng, hàng nghìn con trâu bò và nông cụ được chia cho nông dân sản xuất….

ky cuoi dua thu do tro lai nhip song thuong ngay hinh 7

Ngay sau ngày giải phóng, mọi hoạt động của Thủ đô đã trở lại bình thường. Trong ảnh: Người dân đến xem triển lãm ảnh về bộ đội những năm kháng chiến chống Pháp. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Các lớp bình dân học vụ được mở rộng rãi, thu hút đông đảo người học. Thành phố vừa động viên, khuyến khích, vừa áp dụng các biện pháp có tính ràng buộc để người chưa biết chữ đến các lớp học, cũng như bố trí, điều động đội ngũ giáo viên và cả người tình nguyện tham gia việc dạy học. Đến cuối năm 1958, Hà Nội đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ cao, đạt 97,29%....

Với nỗ lực lớn, quân dân Hà Nội đã không chỉ thành công trong công cuộc Tiếp quản Thủ đô mà còn thành công trong việc duy trì và khôi phục trật tự, an ninh, khôi phục đời sống của nhân dân và các mặt hoạt động của Thành phố.

Hà Anh

TRANSLATE with x

English

ArabicHebrewPolish
BulgarianHindiPortuguese
CatalanHmong DawRomanian
Chinese SimplifiedHungarianRussian
Chinese TraditionalIndonesianSlovak
CzechItalianSlovenian
DanishJapaneseSpanish
DutchKlingonSwedish
EnglishKoreanThai
EstonianLatvianTurkish
FinnishLithuanianUkrainian
FrenchMalayUrdu
GermanMalteseVietnamese
GreekNorwegianWelsh
Haitian CreolePersian

TRANSLATE with

COPY THE URL BELOW

Back

EMBED THE SNIPPET BELOW IN YOUR SITE

Enable collaborative features and customize widget: Bing Webmaster Portal

Back

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỳ cuối: Đưa Thủ đô trở lại nhịp sống thường ngày
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO