Kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV: Sôi nổi, thẳng thắn, nhiệt huyết, trách nhiệm

Thứ tư, 06/06/2018 21:34 PM - 0 Trả lời

(CLO) Từ ngày 4 đến 6/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, được cử tri và nhân dân rất quan tâm, mong chờ. Có thể nói, trong 3 ngày này, các đại biểu Quốc hội cũng như các thành viên Chính phủ đã phản ánh được phần lớn những tâm tư, trăn trở mà cử tri gửi gắm.

Báo Công luận
 Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nhiều vấn đề nóng về KT - XH được đưa ra “mổ xẻ”

Không phải ngẫu nhiên mà 1.993/2099 kiến nghị (chiếm 95%) của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 được 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Bởi đó là những vấn đề hiện diện hàng ngày trong xã hội, liên quan trực tiếp đến cuộc sống mỗi người dân. Chẳng hạn như việc lạm thu tại các trường học; tình trạng bạo hành tại một số cơ sở mầm non, vi phạm tại một số cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng; việc trả phí giao thông BOT… 

Hay là những vấn đề bức xúc, nổi cộm lâu nay như tình trạng lãng phí, sử dụng đất công không hiệu quả; việc khai thác cát tràn lan… Cử tri và nhân dân mong chờ những người đại diện cho mình - những đại biểu Quốc hội - đưa được tiếng nói của họ đến với cơ quan chức năng, được những người có trách nhiệm ghi nhận, tiếp thu và xử lý rốt ráo… Việc chốt lại 4 nhóm vấn đề được Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này, tuy chưa phản ánh hết mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng đều là những nội dung “nóng”, không chỉ được các đại biểu Quốc hội quan tâm mà còn được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.

Đúng như những gì mà cử tri và nhân dân cả nước mong đợi, trong nội dung đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, câu chuyện thời sự “thu phí” - “thu giá” lập tức được đề cập. Cảm ơn dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ trình Chính phủ xem xét sửa tên “trạm thu giá BOT” bằng một tên gọi khác. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến: “Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GTVT cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất”.

Báo Công luận
 Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: TTXVN

Những vấn đề liên quan đến các dự án BOT cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Cử tri cho rằng, việc đầu tư các dự án BOT đường bộ thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận và xã hội. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới tiếp tục rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT, sẽ chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không đầu tư BOT trên các tuyến đường độc đạo; đồng thời, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong ngành nếu phát hiện các sai phạm liên quan đến BOT.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã trả lời khá rõ nhiều nội dung các đại biểu chất vấn về tình trạng các công trình xây dựng được chỉ định thầu cho một số doanh nghiệp, gây lãng phí, thất thoát và kéo dài thời gian thi công...

Nguy cơ thảm họa môi trường tại 2 dự án alumin ở Tây Nguyên, lo ngại về sự cố lại xảy ra tại Formosa Hà Tĩnh, nguy cơ ô nhiễm phóng xạ khi Trung Quốc xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới với Việt Nam là những câu hỏi “khó” mà đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã rất tự tin, trả lời thẳng thắn vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.

Với 2 dự án alumin, Bộ trưởng cho biết, hồ bùn đỏ có 3 lớp, thiết kế và độ bền của hồ đã được các cơ quan liên quan thẩm định. Sự cố xảy ra chỉ ở khâu rất cục bộ, không gây ra khủng hoảng lớn về môi trường và đã được chấn chỉnh, được giám sát thường xuyên. Với các giải pháp đó, Bộ trưởng khẳng định “có thể yên tâm được”.

Báo Công luận
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nhắc lại sự cố ở Formosa Hà Tĩnh năm 2016, đại biểu Quốc hội thẳng thắn chất vấn: “Bộ trưởng có tin tưởng sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua một lần nữa không?”.

Cũng thẳng thắn như vậy, Bộ trưởng trả lời: “Chúng tôi đã cho hoạt động thì đến nay đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công suất lớn hơn rất nhiều”. Đó là công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến, có 3 nấc đề phòng sự cố. Nước ở hồ sinh học cũng hoàn toàn có thể tái sử dụng, đạt loại A khi đổ ra môi trường. “Với Formosa tôi xin báo cáo như vậy để đại biểu yên tâm”, Bộ trưởng khẳng định.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới là một vấn đề rất mới nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thể hiện mình “nắm rất rõ”. Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ giao Bộ KHCN xây dựng các trạm quan sát hoạt động thường xuyên; làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để có các đoàn thanh tra kiểm soát an toàn tại khu vực này.

“Tôi cho rằng với những công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát, cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân trong vấn đề thường xuyên theo dõi, giám sát, thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH Đào Ngọc Dung, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về trách nhiệm cũng như những giải pháp căn cơ của Bộ trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ bị xâm hại. Bởi theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có đến 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo hành, trong đó 84% trẻ bị xâm hại tình dục. 

Đại biểu Quốc hội nêu lên tình trạng đáng buồn là mặc dù chúng ta có tới 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng khi gặp nạn, gia đình các em đi đấu tranh thì họ lại rất đơn độc. Dẫn ra thực tế là một số vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước chúng ta mới tiến hành điều tra, xử lý, đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi: Vậy những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao?

Báo Công luận
 Bộ trưởng Lao Động TBXH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi về những bất cập trong xuất khẩu lao động hiện nay. Mặc dù mỗi năm, lực lượng đi xuất khẩu lao động đem về khoảng 3 tỷ USD, thế nhưng còn tình trạng loạn thu phí, cò mồi, trốn trách nhiệm từ phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động; tình trạng người lao động trốn tránh, ở lại lao động bất hợp pháp. Từ đây, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp xử lý quyết liệt để ngăn chặn những bất cập trong hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay.

Rất nhiều vấn đề tồn tại của ngành giáo dục trong thời gian qua đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Từ những sự việc hàng ngày như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo không giảng bài suốt nhiều tháng, tình trạng bạo hành, đánh đập trẻ mầm non đến những vấn đề ở tầm vĩ mô như giáo dục của chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới, chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường thất nghiệp…

Báo Công luận
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Thừa nhận phần lớn những vấn đề trên đang là những tồn tại của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm “với trách nhiệm quản lý ngành, chúng tôi thực sự thấy đây là thiếu sót rất lớn”.

Đối với vấn đề vi phạm đạo đức liên quan tới giáo viên, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, gia đình, bản thân nhưng trong đó có trách nhiệm từ trong ngành là khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm soát, tuyển chọn trong một số trường hợp chưa đến nơi đến chốn, chưa thường xuyên dẫn đến một số thầy cô không đủ năng lực, kém về phẩm chất. Giải pháp mà “Tư lệnh” ngành GD&ĐT đưa ra trong vấn đề này là chú trọng giáo dục đào tạo về đạo đức làm người và có chế độ đãi ngộ để thầy cô giáo yên tâm hơn trong công tác giảng dạy.

Chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, những sự việc vừa qua khiến dư luận rất bức xúc nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không phải là phổ biến. Và trách nhiệm ở đây cả hệ thống, cộng đồng chứ không riêng Bộ GD&ĐT.

Hiệu quả từ đổi mới hoạt động nghị trường

Có thể nói, thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 có phần đóng góp từ những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút đã khiến số lượng các đại biểu được hỏi tăng lên nhiều. 

Thời gian dành cho người trả lời chất vấn mỗi câu hỏi là 3 phút và trả lời ngay sau khi nhận được 3 chất vấn cũng tạo điều kiện cho người trả lời chất vấn đi thẳng vào nội dung chính, từ đó cả người hỏi và người trả lời không còn tình trạng dài dòng nhưng lại không đi vào nội dung trọng tâm. Thực tế diễn ra cho thấy, phiên trả lời chất vấn các Bộ trưởng trả lời rất tốt, mang tính đối thoại cao, không khí chất vấn, tranh luận sôi động.

Báo Công luận
 Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) chất vấn

Một điểm nhấn mà cử tri và nhân dân ghi nhận là cách điều hành phiên chất vấn linh hoạt, hợp lý của Chủ tịch Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cách điều hành như vậy đã giúp giữ nhịp của phiên chất vấn, tránh đi quá sâu vào một số vấn đề cụ thể. Có những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn nhưng Bộ trưởng còn để sót, chưa trả lời đã được Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhắc nhở. 

Có những vấn đề phức tạp, liên quan nhiều đến kỹ thuật, phải tính toán con số nhiều, Chủ tịch Quốc hội đã cho phép Bộ trưởng trả lời đại biểu sau đó bằng văn bản sau khi đã tính toán, chuẩn bị nội dung kỹ… Mặt khác, với sự nhạy cảm, nhiều nhận xét ngắn gọn nhưng trúng trọng tâm vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đưa ra đã làm rõ hơn nhiều nội dung mà các đại biểu còn đang tranh luận. Có lúc, ngay sau khi đại biểu tranh luận lại, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng trả lời ngay lập tức, nhằm làm rõ hơn, tạo điều kiện đi đến cùng vấn đề chứ không máy móc thực hiện theo kịch bản ban đầu.

Những kết quả tích cực

Chiều 6/6, ngay sau phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn “hỏi ngắn, đáp gọn” tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

Tại các phiên chất vấn, đã có hơn 250 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn hầu hết các câu hỏi đặt ra. Mặc dù Quốc hội đã dành ba ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà các thành viên Chính phủ không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại hội trường.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, tích cực tranh luận để làm rõ thêm về nội dung chất vấn, nhưng cũng còn một số đại biểu đặt nhiều câu hỏi, hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi.

Báo Công luận
 Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 6/6. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Các thành viên của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã nắm chắc tình hình, thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình, cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn; trong chỉ đạo, điều hành khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát, nhưng chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu như mong đợi; do vậy, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra các tồn tại, hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển KT- XH, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Trong những vấn đề Quốc hội, cử tri yêu cầu có nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay, nhưng còn có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần phải xem xét sửa đổi chính sách, pháp luật để triển khai một cách đồng bộ thì mới phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

 

T.Toàn

Tin khác

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức
Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm phát triển toán học Việt Nam nói riêng, tạo ra đột phá đối với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.

Tin tức
Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

(CLO) Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác và đầu tư song phương, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp, viễn thông và xây dựng.

Tin tức