Kỳ I: Bội thực với các kỳ thi Toán học gắn mác quốc tế

31/10/2023 08:50

(CLO) Hiện nay nhiều nhà trường vì thành tích ảo, hư danh đã lôi kéo học sinh tham gia vào các cuộc thi gắn mác quốc tế. Riêng Toán học cũng đã có gần 60 kỳ thi như vậy được tổ chức hàng năm khiến tình trạng dạy thêm học thêm ngày càng tràn lan, mục tiêu giảm tải học tập gần như vỡ trận.

Ở nước ta hiện nay đang có hàng trăm kỳ thi được tổ chức mỗi năm dành cho học sinh phổ thông. Bên cạnh các kỳ thi bắt buộc, kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh thành tổ chức thì có rất nhiều các kỳ thi do các tổ chức tư nhân đứng đằng sau thâu tóm, lôi kéo phụ huynh học sinh tham gia. Trong đó rất nhiều kỳ thi gắn mác quốc tế.

Điều đáng bàn, số lượng kỳ thi chất lượng chỉ chiếm số ít, còn lại là những kỳ thi nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng trôi nổi lại chiếm số lượng áp đảo. Các kỳ thi này được tổ chức rầm rộ, công khai, vươn vòi đến tận các trường học với đủ chiêu trò lôi kéo học sinh tham gia để thu tiền.

Đứng đằng sau các kỳ thi như vậy là cả một hệ thống dạy thêm, học thêm thách thức chủ trương giảm tải chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính hình thức tổ chức học và thi như vậy đang tạo ra một ma trận thi cử hết sức khó lường, ngày càng lấy đi tiền bạc, thời gian, sức khỏe, nguồn lực của phụ huynh và học sinh.

Báo Nhà báo & Công luận đăng tải loạt bài "Ma trận các kỳ thi gắn mác quốc tế bủa vây học sinh phổ thông" để cảnh tỉnh phụ huynh, học sinh và các nhà trường trong việc đầu tư có chọn lọc cho con em học tập, tránh 'tiền mất tật mang' vì tin vào những lời quảng cáo của các cơ sở kinh doanh giáo dục hiện nay.

ky i boi thuc voi cac ky thi toan hoc gan mac quoc te hinh 1

Một kỳ thi Toán quốc tế có học sinh Việt Nam tham gia. Ảnh Internet

Các kỳ thi Toán như 'nấm mọc sau mưa'

Các năm gần đây, nhiều công ty đã nhập khẩu các kỳ thi Toán gắn mác quốc tế có xuất xứ từ nước ngoài về Việt Nam. Càng ngày, xu hướng này càng nhiều, thậm chí có công ty sở hữu hàng chục kỳ thi kiểu như vậy. Mục đích của các kỳ thi kiểu như thế này không gì khác là lôi kéo học sinh tham dự, thu tiền, còn chất lượng thực sự của các kỳ thi như thế nào đang chờ câu trả lời từ phía cơ quan quản lý.

Không khó để tiếp cận thông tin về các kỳ thi bởi các kỳ thi được quảng cáo rầm rộ, đưa tin lên các hệ thống website và các nền tảng mạng xã hội kèm theo đó là các mỹ từ đánh bóng giá trị của kỳ thì mà rất khó để thẩm định đúng sai. Riêng về lĩnh vực Toán học cũng đã có một ma trận các kỳ thi mà ngay cả giáo viên dạy Toán cũng không thể nắm hết được.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một giáo viên dạy Toán cũng phải thốt lên: “Nếu có kỷ lục cho quốc gia có nhiều kỳ thi Toán nhất được tổ chức hàng năm thì giải đó chắc thuộc về Việt Nam”.

Được biết, đa số các kỳ thi do các đơn vị tư nhận tổ chức không giới hạn đối tượng tham gia miễn là học sinh mầm non, phổ thông và đóng phí đầy đủ. Số tiền chi phí bỏ ra để thi tầm 300 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng tùy theo kỳ thi, vòng thi sơ loại, toàn quốc hay đi quốc tế. Nếu thí sinh đi ra nước ngoài thi phải đóng phí tới 2000USD/người, thậm chí có kỳ thi mỗi em đóng tới 5000USD/người.

Ước tính hiện nay, ngoài các kỳ thi học sinh giỏi Toán trong nước với nhiều cấp độ quận, huyện, tỉnh/ thành Phố, Violympic, Olympic Toán 30/4, HOMC, Olympic Duyên Hải Bắc Bộ, VTMO (Titan), VMTC (Viện Toán) và Olympic Toán Quốc Tế danh giá nhất IMO… có thể điểm danh sự xuất hiện gần 60 cuộc thi Toán quốc tế mang tính chất xã hội hóa được tổ chức hàng năm.

Điều đáng bàn, nhiều cuộc thi Toán học được nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia có trình độ toán học còn kém hơn Việt Nam. Việc bùng nổ gần 60 cuộc thi Toán online, offline mang đậm chất kinh doanh trở thành một ma trận khiến phụ huynh học sinh không biết đâu mà lần về chất lượng thực.

Một kỳ thi hiện đang quảng cáo đã tự phong cho rằng đây là một trong các hệ thống thi trực tuyến lớn nhất châu Á… thu hút hàng trăm nghìn thí sinh đến từ 3000 trường học của hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nigeria, Zimbabwe, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Anh, Mỹ, Ai Cập, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Bahrain, Oman, Kuwait, Maldives, Hong Kong, Macau, Philippines, Indonesia, Singapore, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Mauritius, Nam Phi, Kenya, Ả Rập Saudi, Úc, Liên bang Nga, Armenia, Kazakhstan, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Canada, …

Một kỳ thi khác thì quảng cáo rằng, kỳ thi được tổ chức thường niên và đã thu hút được hàng nghìn thí sinh từ nhiều nơi trên thế giới. Năm 2023 đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự kỳ thi bao gồm: Anh, Mỹ, Canada, Afghanistan, Romania, Ukraine, Turkey, Nigeria, Iraq, Bulgaria, Tajikistan, Kyrgyzstan, Moldova, Tanzania, Tunisia, Mozambique, Kazakhstan, Turkmenistan, Albania, Azerbaijan, Egypt, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Philippines, Thailand và Việt Nam.

Nhìn chung, nếu đọc các lời giới thiệu có thể thấy các kỳ thi đều rất “vi diệu”, không kỳ thi nào nào chịu thua kém kỳ thi nào. Xu hướng nhập khẩu các kỳ thi kiểu như thế này chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng nhiều hơn chẳng khác nào “nấm mọc sau mưa”.

Thi Toán quốc tế như thi “hoa hậu làng”

Với việc nhập khẩu hàng chục kỳ thi Toán về để lôi kéo phụ huynh học sinh tham gia thi nên hàng tháng có rất nhiều kỳ thi được tổ chức. Thậm chí, kỳ thi này chưa kết thúc thì kỳ thi khác đã khai mạc. Cứ thế, các kỳ thi Toán học gắn mác quốc tế kéo dài bất tận từ tuần này qua tuần khác, từ năm này qua năm khác.

Đi theo với các kỳ thi là các giải thưởng kèm theo đầy hoa mỹ. Một kỳ thi giới thiệu, học sinh Việt Nam đã từng có những em đạt giải Diamond cùng với các giá trị giải thưởng tiền mặt hấp dẫn. Tuy nhiên, giá trị tiền thưởng bao nhiêu thì không nêu rõ.

Một kỳ thi khác lại quảng cáo, Top 3 thí sinh xuất sắc nhất trên toàn thế giới được nhận Cúp, Giấy chứng nhận và phiếu quà tặng. Top 4% thí sinh có thành tích cao nhất và top 10 thí sinh xuất sắc nhất khu vực được nhận Huy chương Vàng; Top 3% thí sinh tiếp theo được nhận Huy chương Bạc; Top 3% thí sinh tiếp theo được nhận Huy chương Đồng.

Theo chia sẻ một giáo viên Toán thì nếu thống kê các giải thưởng mà học sinh Việt Nam khi tham gia các kỳ thi do các công ty tư nhân tổ chức kiểu như thế này là nhiều vô kể, không đếm xuể. Các giải thưởng trên chỉ mang tính chất khích lệ các em học tập, còn lại không một trường đại học nào ưu tiên cộng điểm đối với học sinh nhận được giải thưởng trên.

Nếu phụ huynh bỏ tiền, học sinh bỏ thời gian theo học để tham gia các kỳ thi nhưng kết quả được các trường đại học danh tiếng thừa nhận và tuyển sinh thì điều không có gì để bàn. Tuy nhiên với những giải kim cương, giải vàng mà các kỳ thi kiểu như này cấp cho đều không có giá trị trong việc xin học bổng du học hay tuyển sinh đại học. Do đó, chẳng khác nào các danh xưng hoa hậu của các kỳ thi hoa hậu ao làng ” - một thầy giáo dạy Toán tâm sự.

Như vậy có thể thấy, việc bùng nổ các kỳ thi Toán học gắn mác quốc tế hiện nay đang thực sự khiến phụ huynh và học sinh bội thực với vòng quay học tập thi cử bất tận. Lợi ích của các kỳ thi như vậy cần được phân tích mổ xẻ để tránh việc phụ huynh, học sinh rơi vào cảnh tiền mất, tật mang khi tin vào những lời quảng cáo đường mật đến từ các công ty sở hữu các kỳ thi trên.

Kỳ II: Lợi bất cập hại từ phong trào nhập khẩu ồ ạt các kỳ thi Toán về Việt Nam

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỳ I: Bội thực với các kỳ thi Toán học gắn mác quốc tế
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO