Hành trình về Thủ đô gió ngàn của Bác Hồ 75 năm trước:

Kỳ I: Vạn Phúc, Xóm Đồi và 8 người được Bác đặt tên

Thứ tư, 18/05/2022 14:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Dời Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 3/12/1946, Bác Hồ vừa đi vừa làm việc và phải mất gần 170 ngày sau Bác mới về đến Phủ Chủ tịch tại Thủ đô gió ngàn… ở Đồi Khau Tý,  xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

Trước tiên, xin phép độc giả tôi giải thích về việc dùng từ Thủ đô gió ngàn mà không đưa vào ngoặc kép. Đó là vào năm 2000, tôi khi đó là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên về dự Hội nghị văn nghệ tổ chức tại Hội trường Nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương, gặp nhà thơ Tố Hữu tôi có hỏi về câu  thơ “Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn”. Ông giải thích: Văn nghệ sỹ đi theo kháng chiến thương nhớ Thủ đô Hà Nội vô cùng. Nay Thủ đô bị chiếm đóng, trên chiến khu Định Hoá có người đứng đầu đất nước đang ở thì đó là Thủ đô của gió ngàn, thật thi vị và cũng giúp nguôi ngoai nỗi nhớ… Thành ra danh từ chỉ địa danh này đã mặc định…

17 ngày Bác ở Vạn Phúc         

ky i van phuc xom doi va 8 nguoi duoc bac dat ten hinh 1

Nhà ông Nguyễn Văn Dương tại Vạn Phúc (Hà Đông) - nơi Bác Hồ Viết Lời kêu gọi Toàn Quốc Kháng chiến, nay là Di tích lịch sử.

Nhật ký Bộ trưởng Bộ tài chính của Chính phủ kháng chiến Lê Văn Hiến có nói đến việc cùng với chuẩn bị lâu dài cho cuộc kháng chiến Chống thực dân Pháp, Bác Hồ có nhắc và chúng ta đã chuyển lên Việt Bắc để tích trữ muối, không phải vài tấn mà tới 4 vạn tấn. Tôi thấy đây là chi tiết hay mà ít được nhắc tới và rồi cũng muốn lúc nào đó tìm hiểu sâu. Bác dời Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 3/12/1946, vừa đi vừa làm việc và phải mất gần 170 ngày sau Bác mới về đến Phủ Chủ tịch tại Thủ đô gió ngàn… ở Đồi Khau Tý,  xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Nhân 75 năm ngày Bác về đến Khau Tý(20/5/2022), tôi nghĩ cũng nên một lần đi lại để nhắc nhớ hành trình rất vĩ đại của Bác và những cán bộ đi kháng chiến.…

Một ngày đầu tháng 5/2022, tôi trở về làng dệt lụa Vạn Phúc. Cách nay 75 năm, nơi này xa xôi lắm, dân cư thưa thớt, vắng vẻ lắm. Còn nay thì Vạn Phúc nằm ngay giữa quận Hà Đông nhộn nhịp. Công tác bảo tồn bây giờ đã tốt nên Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 là địa chỉ gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam được quan tâm tu bổ. Ngôi nhà Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh ở từ ngày 3 - 19/12/1956 nguyên là ngôi nhà mà ông Nguyễn Văn Dương đã dành toàn bộ gác 2 để Bác cùng các đồng chí trong đoàn công tác ở và làm việc. Tại đây, ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do chính Bác soạn thảo.

Năm 1975, nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia và bản gốc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 01/10/2012. Vạn Phúc Hà Đông được coi là “phên dậu” cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội; Là địa bàn chiến lược quan trọng nối liền giao thông giữa vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, nhân dân giàu truyền thống yêu nước và sớm có phong trào cách mạng…

ky i van phuc xom doi va 8 nguoi duoc bac dat ten hinh 2

Bản thảo gốc được Trưng bày và bảo quản tại Di tích.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, đất nước ta lúc bấy giờ đứng trước hoàn cảnh "thù trong, giặc ngoài". Đứng trước dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với toàn Đảng và cả dân tộc sát cánh bên nhau, đưa ra nhiều kế sách nhằm hòa hoãn với quân Tưởng Giới Thạch và sau đó là Pháp để xây dựng và củng cố lực lượng như: Ký với thực dân Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Nhưng với dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng.

Tại Hà Nội, ngày 17/12/1946, chúng phá các công sự của quân dân Thủ đô ở phố Hàng Bún - Yên Ninh, gây đổ máu ở khu vực cầu Long Biên, Cửa Đông. Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, giải tán lực lượng tự vệ, bàn giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội. Quân Pháp đe dọa, nếu các yêu cầu trên không được thực hiện, chậm nhất sáng 20/12/1946, quân Pháp sẽ hành động.

Để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp và để có đường lối chung chỉ đạo thực tiễn, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Trung ương Đảng, thay mặt Chính phủ viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"… Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, tiếng đại bác từ Pháo đài Láng hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến được phát ra, cuộc kháng chiến chống xâm lược bùng nổ trên phạm vi cả nước. Đêm 19/12/1946, Bác dời Vạn Phúc sau 17 ngày xử lý công việc, chặng đầu của hành trình đi kháng chiến là đây.

Sáng sớm ngày 20/12/1946, qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước với quyết tâm cao độ là đánh thắng giặc Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ,...

"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại, là lời hịch động viên cả nước đứng lên chiến đấu bằng thái độ kiên định và dứt khoát. Lời kêu gọi còn là bản cương lĩnh kháng chiến có tính khái quát cao, chứa đựng những quan điểm về đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc và khẳng định niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Ngày 3/12/1946, Bác và đoàn cán bộ đi qua mấy dãy phố Quốc Tử Giám, Hàng Bột, đường Tầu Bay… rồi nhập ngay vào vùng quê ngoại thành thưa vắng. Vạn Phúc - làng dệt nổi tiếng, cũng là cơ sở cách mạng kiên trung. Nhiều lãnh đạo cao cấp như đồng chí Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt đã từng hoạt động ở đây…

76 mùa xuân đã đi qua, bây giờ Vạn Phúc nằm giữa trung tâm quận Hà Đông - vẫn giữ nghề dệt lụa nhưng đã ở một quy mô lớn, hiện đại. Sản xuất gắn với thương mại, lụa Vạn Phúc đã đi rất xa, tới gần 100 quốc gia. Phường Vạn Phúc nổi tiếng là nơi có nhiều di tích cách mạng, kháng chiến, văn hoá và tín ngưỡng. Người dân Vạn Phúc vẫn giữ được những tập quán đẹp của một mảnh đất tầm tang canh cửi xưa: Dung dị trong nền văn hoá bản sắc, mềm mại như dải lụa dệt từ những sợi tơ mà con tằm đã rút ruột trả công cho người.

Trong câu chuyện với các lãnh đạo phường còn rất trẻ: Chủ tịch Nguyễn Văn Dự, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hoá - xã hội Đặng Quang Hải và cả những người dân nữa, họ đều toát lên niềm tự hào về những đóng góp của quê hương cho đất nước… Anh Dự, anh Hải chia sẻ: “Trên cơ sở quy hoạch đã có, Đảng bộ và nhân dân Vạn Phục đã, đang và sẽ tiếp tục bảo tồn các giá trị đã có, xây dựng Vạn Phúc giàu mạnh…”.

Xóm Đồi và 8 người được bác đặt tên                                    

Nhật ký Bộ trưởng Tài chính Chính phủ kháng chiến ghi: “Một ngày giữa tháng 11/1946, tình hình giữa ta và Pháp vô cùng căng thẳng. Bác Hồ cho gọi gấp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và tôi lên, hỏi: Các chú xem nếu chiến tranh xảy ra thì vấn đề tài chính, hậu cần có thể chịu đựng được bao lâu? Tôi trả lời, cố gắng trì hoãn độ 1 tháng để chuyển máy móc, vật tư lên Việt Bắc…”. Trên thực tế, cho đến ngày 19/12, chúng ta đã thực hiện được khá nhiều việc, trong đó có việc chuẩn bị ATK (An toàn khu) nơi núi rừng Việt Bắc.

Từ ngày 20/12 để bảo đảm an ninh, Bác di chuyển nhiều địa điểm thuộc hữu ngạn sông Hồng. Những ngày ấy, công việc vô cùng bộn bề. Hà Nội đang ngày đêm lửa cháy ngút trời. Quân dân Thủ đô đang “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nhật ký Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: “Ngày 24/12/1946 - Hà Đông, họp Hội đồng Chính phủ, sau khi nghe báo cáo của Hồ Chủ tịch, Bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, ai nấy đều tán thành kháng chiến đến cùng để giành lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Trong một gian phòng kín, bốn bề im ắng, dưới ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu, sau lời tuyên bố quyết chiến của Bác Hồ, tất cả nắm tay giơ lên, biểu dương tất cả ý chí của một dân tộc. Có mặt tại phiên họp: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Phan Anh, Bùi Bằng Đoàn, Trần Đăng Khoa, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Tạo, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Minh Giám, Lê Văn Hiến… Cuộc họp đến 1h sáng, lúc này lửa cháy rực trời phía Hà Nội…”.

Ba phần tư thế kỷ đã qua, hôm nay chúng tôi đi lại những con đường xưa ấy để tìm cảm xúc cho những bài báo. Chùa Thầy đây, Chùa Bối Khê đây, Chùa Tây Phương đây! Xứ Đoài mây vẫn trắng thế… Thị xã Sơn Tây với Thành cũ, dấu xưa bên cạnh những đại lộ với cao ốc hiện đại; những cái tên địa danh xã thơ mộng: Trung Sơn Trầm, Trạch Mỹ Lộc… Những nơi ấy đều là địa chỉ của những nẻo đường kháng chiến.

Đây nữa vẫn thấy những Đôi mắt Người Sơn Tây nhưng không u uẩn như dạo ấy mà ánh lên niềm tự hào,hạnh phúc… Tôi bồi hồi bên bờ sông Hồng, nơi có cây cầu Trung Hà, thời ấy là bến đò Trung Hà. Đêm mùng 4/3/1947, Bác cùng Chính phủ đã vượt sông, sang tả ngạn Hồng Hà để lên Căn cứ địa Việt Bắc. Cảm xúc dâng trào, tôi nhìn dòng sông đỏ nặng phù sa, cuồn cuộn chảy về xuôi, chợt nhớ những câu thơ nao lòng: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Và “Chuyện bao đời sông biết cả/Đời sông cứ trẻ mãi không già…”. Thành phố Việt Trì bây giờ hiện đại, sang giàu… Núi Nghĩa Linh đất Tổ vua Hùng… Một chặng dừng chân của Bác và Chính phủ trên đường lên Chiến khu…. 

Cách đây 75 năm, từ ngày 4/3 đến ngày 18/3/1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã dừng chân, ở và làm việc 15 ngày tại xóm Đồi, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Xác định đây là niềm vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ nói chung, nhân dân Tam Nông nói riêng là được đón tiếp, bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Trải qua thời gian, nơi đây đã trở thành di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong toàn huyện thường tổ chức dâng hương, báo công trong mỗi sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương. 

Tài liệu được lưu giữ tại Khu lưu niệm Xóm Đồi còn ghi rõ thế này: Sáng sớm ngày 4/3/1947, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu, xóm Ghềnh ở tại nhà cụ Nguyễn Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ, là bố đẻ của đồng chí Nguyễn Trung - Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Để giữ bí mật, gia đình cụ Liên đã đến ở nhờ nhà khác, nhường toàn bộ ngôi nhà cho khách. Bác ăn, nghỉ và làm việc ở gian trái nhà kho, kề bên nhà chính, còn các đồng chí cùng đi thì ăn, nghỉ và làm việc ở nhà trên. Tuy đi đường mệt nhưng Bác chỉ nghỉ một lúc rồi bắt tay vào làm việc ngay. Tối ngày đó, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi cách xóm Ghềnh khoảng 2km. Xóm Đồi rất thưa nhà, vườn cây rậm, khuất nẻo. Chủ nhà là ông Hoàng Văn Nguyện, là bố vợ của đồng chí Đỗ Văn Mô - Bí thư Huyện ủy kiêm Phó Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Ngôi nhà lợp lá cọ 5 gian rộng rãi, nền cao, vườn rộng, có nhiều cây cổ thụ và lối vào kín đáo.

Trong thời gian ở đây, với bí danh là “Xuân”, Bác Hồ đã làm việc rất nhiều. Người cũng đã cho công bố một số tài liệu như: Mười vấn đề cần thiết trong kháng chiến; Thư gửi đồng bào hậu phương, nhắc đồng bào giúp đỡ người tản cư; Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ; Thư gửi đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công vào Hà Nội; ký sắc lệnh số 298 ngày 16/3/1947 về việc thành lập Ngoại thương cục; thư gửi Bộ Nội vụ nhắc nhở việc củng cố các Ủy ban Hành chính… Do phải giữ bí mật, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ và nhân dân địa phương, tại đây, Người đã đặt tên cho các đồng chí giúp việc là “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”. Điều đó thể hiện rõ ý nguyện và quyết tâm của Người cũng như của nhân dân Việt Nam.

Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác và các cơ quan Trung ương, Ban bảo vệ đã bố trí một Trung đội bộ đội chủ lực do Anh hùng Nguyễn Quốc Trị làm Trung đội trưởng. Trung đội này vừa làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài vừa phối hợp với dân quân địa phương phòng gian bảo mật. Tối ngày 18/3/1947, sau khi họp Hội đồng Chính phủ xong, Bác và một số cán bộ cùng đoàn di chuyển tiếp sau 15 ngày ở và làm việc tại đây… Nơi Bác Hồ về ở và làm việc tại xóm Đồi, xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông luôn được đầu tư, tôn tạo, gìn giữ cho muôn đời sau.

Kỳ II: Từ Làng Sảo, Hợp Thành đến Khau Tý - Phủ Chủ tịch nơi Thủ đô gió ngàn  

                                                                        Ghi chép của Hữu Minh

Bình Luận

Tin khác

Tổng Thư ký ASEAN: Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức

Tổng Thư ký ASEAN: Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức

(CLO) Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá Diễn đàn Tương lai ASEAN lần này diễn ra rất kịp thời và cấp thiết trước vô số thách thức mà khu vực và Chính phủ các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt.

Tin tức
Quảng Nam có tân Phó chủ tịch UBND tỉnh

Quảng Nam có tân Phó chủ tịch UBND tỉnh

(CLO) Sáng 23/4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 10, đã bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin tức
Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

(CLO) Sáng 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN – sự kiện quan trọng được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

(CLO) Chính phủ sẽ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tin tức