Kỷ niệm đất nước qua ký ức gia đình Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
(CLO) Lịch sử không chỉ hiện diện trên những con đường mang tên anh hùng hay trong những thời khắc trọng đại của dân tộc. Lịch sử còn sống động trong ký ức của mỗi gia đình, mỗi con người, lan tỏa qua từng thế hệ bằng tình yêu đất nước chân thành.
Với gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, lịch sử ấy không chỉ được ghi nhớ, mà còn được viết nên - từ những trang viết trong thời điểm đất nước đang chiến đấu giành độc lập của ba ông, đến những dòng ký sự thời bình do chính ông chắt lọc từ nhịp đập cuộc sống.
Ký ức gia đình Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Ngọn lửa yêu nước vẫn luôn cháy rực trong gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nó được thắp lên từ ba ông - một nhà báo yêu nước gắn trọn cuộc đời mình với dân tộc. Gốc gác từ vùng đất Giồng Trôm, Bến Tre, nhà báo Huỳnh Hùng Lý (tên thật là Huỳnh Văn Nhâm) - ba của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1927 trong một gia đình tá điền nghèo, sớm bén duyên với nghề viết từ khi còn rất trẻ. Ở làng báo, làng văn, người ta biết đến ông qua nhiều bút danh: Hùng Lý, Huỳnh Vạn Lý, Việt Hùng.

Mỗi cột mốc trong cuộc đời ông đều gắn với một sự kiện quan trọng của đất nước, có thể nói, cố nhà báo đã dành trọn cuộc đời mình trở thành một cây bút ghi lại từng hơi thở của đất nước và nhân dân. Nhà báo Huỳnh Hùng Lý từng ở tổ Thư ký Báo chí của Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, ông đồng thời là thành viên trong phái đoàn tham dự Hội nghị Genève năm 1954 - nơi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh Đông Dương.
Gần hai thập niên sau, ông tiếp tục có mặt trong phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngôn luận vì hòa bình, thống nhất đất nước. Và trong mùa Xuân lịch sử 1975, nhà báo Huỳnh Hùng Lý lại trở thành một nhân chứng giữa thời khắc dân tộc bước vào thời kỳ mới - hòa bình, độc lập, thống nhất.
Trong những ngày tháng lịch sử của năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã không chỉ là một người chứng kiến, mà còn là một nhân chứng sống của sự kiện trọng đại này. Ông có mặt trong đoàn báo chí tháp tùng phái đoàn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, sát cánh cùng các đồng nghiệp từ cả hai miền Nam Bắc để đưa tin về một trong những khoảnh khắc ngoại giao quyết định nhất trong lịch sử dân tộc.
Giữa không khí trang nghiêm và im lặng trong các phòng họp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Kléber, ông là một trong những nhà báo miền Nam hiếm hoi được chứng kiến những bút ký vào văn kiện Hiệp định Paris - văn kiện định mệnh đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Đông Dương. Đặc biệt, khoảnh khắc Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất ngồi giữa bàn đàm phán, ký vào bản hiệp định 5 thứ tiếng đã trở thành một hình ảnh sống động trong tâm trí của những người tham gia và những ai quan tâm đến lịch sử dân tộc.

Từng là Thư ký Tòa soạn báo Nhân Dân miền Nam khi mới ngoài 20 tuổi, rồi trưởng Ban Thống nhất của báo Nhân Dân - nơi ông viết không ngơi nghỉ những bài xã luận, bình luận chính trị kịp thời và quyết liệt. Trong thời điểm đấu tranh sục sôi ấy, những bài viết của ông đã gây tiếng vang lớn, châm ngòi cho nhiều phong trào đấu tranh tại miền Nam. Nhà báo Hoàng Tùng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân khi ấy, từng hiếm hoi dành lời khen: “Hùng Lý nhạy bén về chính trị, thành thạo nghề nghiệp, anh chọn tin có giá, bình luận sắc về sự kiện. Những bài viết của anh có hồn, hấp dẫn và có định hướng dư luận”.
Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục góp phần định hình những tờ báo lớn như Đại Đoàn Kết - chính ông là người mang tên gọi này ra Hà Nội xin ý kiến phê duyệt từ lãnh đạo Mặt trận. Tới khi về hưu, ông vẫn miệt mài với ngòi bút, tập hợp lại hàng trăm bài báo trong tập sách gần 1.000 trang mang tên Ngòi bút rượt đuổi thời gian - một cái tên như chính ông, người luôn coi thời gian là thước đo giá trị của báo chí và trách nhiệm người viết.
Tiếp nối ngòi bút cha - Huỳnh Dũng Nhân ký họa thời cuộc bằng thơ, tranh và phóng sự
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống báo chí, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không chỉ kế thừa dòng máu nghề từ ba mình - cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý mà còn tự khẳng định dấu ấn cá nhân trên hành trình làm báo suốt hơn 40 năm. Nếu cha ông từng là một nhân chứng và người ghi chép không mỏi trong những thời khắc lịch sử khốc liệt của dân tộc như Hội nghị Genève 1954, Hội nghị Paris 1973 hay mùa Xuân đại thắng 1975, thì Huỳnh Dũng Nhân, trong thời bình, lại chọn một cách tiếp cận rất riêng: bằng phóng sự, bằng những vần thơ thấm đẫm cảm xúc, bằng cả những bức ký họa đầy ấn tượng và tiếp tục lan tỏa ký ức ấy đến thế hệ thanh niên mà ông gặp gỡ.

Hòa trong không khí rộn ràng của đất nước, hướng đến 50 năm lịch sử, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Người ta kỉ niệm bằng những lời ca tụng hào hùng, bằng những con chữ sắc bén và đanh thép nhất, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lại lựa chọn cho mình một cách kỷ niệm riêng, thầm lặng nhưng sâu sắc và ý nghĩa. Ông sưu tầm và trao tặng những kỷ vật quý giá của gia đình cho các bảo tàng, nơi ký ức lịch sử được tiếp nối bằng hình hài cụ thể và sống động.
Trong năm 2025, ông đã thực hiện hai chuyến đi đặc biệt mang đậm tính chất "trả nghĩa lịch sử". Tại Quảng Trị - mảnh đất từng nhuộm lửa đỏ trong mùa hè khốc liệt năm xưa, ông đã trao tặng một bức ảnh quý - hình ảnh hai người lính thuộc hai chiến tuyến cùng gác cầu Hiền Lương, được chính tay cha ông nhà báo Huỳnh Hùng Lý ghi lại năm 1957. Tấm ảnh không chỉ là một khoảnh khắc lịch sử được "đóng băng" trong thời gian mà còn là biểu tượng của một thời kỳ đất nước bị chia cắt và khát vọng hòa bình bền bỉ đến vô cùng.
Cũng trong hành trình gìn giữ ký ức ấy, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã trao tặng lại cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cuốn sách "Chiến đấu viên họ Trần" viết về nhà cách mạng lão thành Trần Xuân Độ. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ, ông có thói quen lưu giữ và sưu tầm các kỷ vật báo chí, không phải vì giá trị vật chất, mà bởi ông tin rằng Mỗi hiện vật là một lát cắt thời gian giúp người sau không chỉ đọc lịch sử, mà còn được nhìn thấy, chạm vào lịch sử. Từ quan niệm ấy, ông chọn cách thể hiện ký ức bằng nhiều hình thức: viết, vẽ, sưu tầm, trao tặng như một cách trả ơn quá khứ và tiếp lửa cho hiện tại.


Là một nhà báo kỳ cựu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. HCM, từng công tác tại báo Lao Động, báo Tuổi Trẻ và giảng dạy tại các trường đại học chuyên ngành báo chí, ông không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm phóng sự sâu sắc, gần gũi mà còn gây ấn tượng bởi lối viết đậm chất đời, giàu tính nhân văn. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn miệt mài làm thơ, vẽ tranh chân dung và mỗi dịp tháng Tư về, ông lại viết – không phải bằng lời tuyên ngôn hùng tráng, mà bằng cảm xúc lặng thầm.
Đó là những vần thơ dành cho cha mình, cho đồng đội, cho những người đã đi qua chiến tranh và để lại bóng dáng trong lòng lịch sử. Đó là những bức ký họa chân dung các nhân vật có công với đất nước như Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, các nhạc sĩ như Hoàng Hà (Đất nước trọn niềm vui), Phạm Tuyên (Như có Bác trong ngày vui đại thắng), những người đồng điệu với ông qua ký ức về một thời kỳ hân hoan nhất của dân tộc. Có lẽ chính nhờ cách sống và làm nghề như thế mà ông đã trở thành một trong những "nhân chứng thời bình" - người lặng lẽ ghi lại đời sống hậu chiến bằng nghệ thuật, bằng ngôn từ, bằng lòng yêu nước bền bỉ không phô trương.
Không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ hiện vật hay viết nên những trang ký ức bằng thơ và hội họa, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân còn âm thầm chọn một con đường khác để cống hiến cho đất nước - đó là gieo mầm lịch sử trong lòng thế hệ trẻ. Trong các buổi trò chuyện với sinh viên báo chí, ông không giảng dạy như một nhà sử học hay giáo viên, mà kể chuyện như một người cha kể lại những gì mình đã thấy, đã sống qua, đã lặng lẽ ghi chép từ cha mình người đã từng sống giữa tim lịch sử.
Làm báo là phải hiểu lịch sử, biết mình đang đứng ở đâu, đến từ đâu và cần viết vì ai. Những bài học giản dị như thế, xuất phát từ chính trải nghiệm cá nhân giúp sinh viên nhận ra nghề báo không chỉ là công cụ phản ánh hiện tại, mà còn là cây cầu nối quá khứ và tương lai. Trong các buổi sinh trò chuyện cùng sinh viên, ông kể chuyện về Hội nghị Paris, về cây cầu Hiền Lương, về những bài báo cha ông từng viết giữa thời chiến, về lý tưởng làm báo vì đất nước, vì nhân dân. Đó không chỉ là những tư liệu quý hiếm, mà còn là cách để lịch sử trở nên sống động, gần gũi, và mang hơi thở nhân văn. Cách ông kể đôi khi như đang truyền một món quà quý cho thế hệ kế tiếp.

Câu chuyện của gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, từ người cha nhà báo Huỳnh Hùng Lý từng bám sát các sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc với cây bút, máy ảnh và tinh thần yêu nước cháy bỏng, đến người con nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tiếp nối con đường ấy bằng thơ, bằng ký ức, bằng những chuyến đi lặng thầm trao lại lịch sử cho thế hệ sau. Cả hai đã cùng nhau viết nên một hành trình báo chí xuyên suốt chiều dài đất nước. Một người làm báo giữa khói lửa chiến tranh, một người làm báo giữa những khoảng lặng thời bình nhưng cả hai đều chọn gắn bó cuộc đời mình với vận mệnh dân tộc, bằng cách riêng nhưng chung một tình yêu lớn lao: đất nước này, nhân dân này.
Và trong dịp 30/4 năm nay – khi cả nước tưng bừng kỷ niệm nửa thế kỷ thống nhất – thì những đóng góp lặng lẽ nhưng thấm đẫm tình cảm của gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chính là minh chứng cho một chân lý giản dị: Ký ức không chỉ để nhớ – ký ức còn để trao truyền. Đó cũng là cách mà gia đình ông bằng ngòi bút, trái tim và trách nhiệm đã và đang gìn giữ lịch sử theo cách sâu sắc nhất: viết tiếp những trang báo vì nhân dân, và truyền lại ánh sáng ký ức cho thế hệ mai sau.