Nghề báo

Kỷ niệm tác nghiệp đáng nhớ của nhà báo Nguyễn Khắc Xuể tại Trường Sa sau ngày 30/4/1975

Lê Tâm 02/05/2025 17:34

(CLO) Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể - nhân chứng tham gia chụp ảnh, viết bài về sự kiện giải phóng Trường Sa. Với ông được tham gia sự kiện này là điều may mắn trong đời, suốt 50 năm qua là ký ức đáng quý, mang lại kinh nghiệm vô giá trong cuộc đời làm nghề sau này.

Chuyến tác nghiệp đầy bão tố

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, luôn là những ký ức hào hùng không bao giờ phai mờ của rất nhiều cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, đó là ngày toàn thắng dân tộc, non sông thu về một mối. Thời điểm đó đã có rất nhiều nhà báo cùng các binh đoàn tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công tuyến phòng thủ vùng ven, phá vỡ các mắt xích phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn... tiến vào Dinh Độc Lập. Cùng với chiến thắng đó, có những nhà báo từ Bắc vào Nam, vượt qua bao khó khăn thử thách để thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc chiến đấu, làm chủ đảo Trường Sa Lớn và giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa.

Sáng 2/5/1975, tại tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, nhà báo Nguyễn Khắc Xuể vừa đặt chân lên cơ quan, thì một đồng nghiệp giục ông lên ngay phòng Tổng biên tập, lúc đó ông cũng chưa hiểu việc gì, tại sao lại gấp vậy. Lên đến nơi lãnh đạo báo đưa ông một giấy giới thiệu có chữ ký của Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và giao nhiệm vụ cho đồng chí trung úy Nguyễn Khắc Xuể. Giấy giới thiệu ghi rõ, “Gửi tất cả các quân binh chủng quân đội Nhân dân Việt Nam tạo mọi điều kiện cho đồng chí Xuể hoàn thành nhiệm vụ”.

e53(1).jpg
Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận.

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể nhớ lại: Lúc đó, tôi có phần lạ và kinh ngạc chưa bao giờ bộ Tổng tham mưu lại giao nhiệm vụ trực tiếp như vậy. Ngay sáng sớm hôm sau, tôi được đồng nghiệp chở bằng xe cơ quan sang sân bay Gia Lâm để vào Nam. Nhờ giấy giới thiệu tôi đi qua được nhiều cửa, 9h sáng tôi đã lên được máy bay, trên đó đã đầy ắp cán bộ chiến sỹ của các đơn vị.

Trưa 3/5/1975, sân bay Tân Sơn Nhất hừng hực nắng. Phóng viên Khắc Xuể xuống máy bay, không biết đường, mãi sau ông mới đi nhờ để về tới Đài phát thanh Sài Gòn, may mắn thay người đầu tiên ông gặp là nhà báo Phạm Phú Bằng - Báo Quân đội Nhân dân.

Nhà báo Phạm Phú Bằng xem giấy giới thiệu liền đưa ông sang trạm tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân. Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết đã bố trí xe ô tô để ông đi Nha Trang. Nhưng sáng hôm sau ông đến thì được biết không có người lái xe.

"Tôi đành phải liều, tính phải tìm cho được một chiếc xe máy. Ông Bằng đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất, vì nghe nói người ta di tản đông, thế nào cũng có xe cộ bỏ lại. Tôi đi đến cuối sân bay, may thay còn một chiếc Kawasaki 250 phân khối, màu đỏ chót, biển số vàng, chìa khóa vẫn cắm ở chỗ ổ khóa", nhà báo Khắc Xuể nhớ lại.

Ông Xuể mừng như bắt được vàng. Ông leo lên chiếc xe thì ngã vật xuống vì xe cao quá và ông cũng chưa biết đi xe máy bao giờ. Để điều khiển chiếc xe, ông đành phải liều. Xoay xoay, vặn vặn, chả biết đâu là côn, đâu là số, phải đến gần tiếng đồng hồ ông Xuể mới loạng choạng lái được chiếc xe ra khỏi sân bay.

Tối hôm đó trở về đơn vị, ông biết thêm thông tin sẽ đi cùng đồng nghiệp là phóng viên Nguyễn Thắng. Sáng hôm sau ông và đồng nghiệp băng băng trên đường, phóng gấp ra Quân cảng Cam Ranh dài 400km dù không biết đường, cứ vừa đi vừa hỏi.

Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể nhớ lại: "Bây giờ tôi nghĩ, nếu có làm lại tôi sẽ không thể làm được, không thể giữ được tốc độ đó, đi với quãng đường đó và đi với kiểu liều mạng như thế. Đến Cam Ranh, chúng tôi xuống tàu ra Quân cảng Nha Trang cùng đoàn đặc công 126 Hải quân. Ở đây, đoàn phái viên Bộ Quốc phòng do Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho từng người và phân công thành từng tổ đi theo các tàu. Tôi đi tàu kỳ hạm cùng với Phó Đô đốc Hoàng Hữu Thái".

Tàu đi từ sáng, đến quá nửa đêm thì một cơn dông ập đến. Sóng, gió ngày càng dữ dội, ba con tàu mất liên lạc với nhau. Chiếc tàu chết máy, phải thả trôi trên biển. May mắn có tàu của Liên Xô xuất hiện, buộc dây, lai dắt vào bờ. Đêm hôm ấy, họ ngủ ngon và mờ sáng hôm sau, lại tiếp tục lên đường. Tiếp tục nhiều đêm cưỡi sóng dữ, tàu đã tới quần đảo Trường Sa.

Sự kiện hay, nhân vật hấp dẫn sẽ góp phần quyết định chất lượng tác phẩm

Là phóng viên ảnh, dù chưa kinh qua trận mạc nhiều nhưng ông Xuể luôn hiểu mình phải làm gì. Năm ấy ông mới 26 tuổi nhưng ý thức chính trị rất cao. Ông chấp hành nghiêm quy định của chỉ huy đoàn.

Trong những bức ảnh, ông luôn đề cao tinh thần tập thể, chiến công tập thể, mỗi bức ảnh phải thể hiện được sự đoàn kết, nhất trí, sức mạnh quân đội và đặc biệt ảnh chụp phải thể hiện được rõ là ở đảo nào, không được trùng lặp nhau. Vì thế, sau 50 năm, không cần chú thích, nhìn vào mỗi bức ảnh, ông biết ngay đó là đảo nào.

xue.jpg
Những bức ảnh do nhà báo Khắc Xuể chụp tại Trường Sa.

Ông Xuể cho biết: Thật ra khi giải phóng Trường Sa, điều kiện không cho phép chụp ảnh, cũng không có nhà báo đi cùng như các chiến dịch khác nên không có ảnh. Lúc ông và nhà báo Nguyễn Thắng ra Trường Sa, thực hiện nhiệm vụ với tư cách phái viên Bộ Tổng tham mưu, lại dưới sự chỉ đạo của một người chỉ huy quân sự nên cũng không ai giao nhiệm vụ chụp để đăng báo, chụp để tuyên truyền.

“Tôi chụp hoàn toàn chân thực những bức ảnh về hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo và sinh hoạt của bộ đội. Vì bộ đội Trung đoàn 38 là những anh em được huấn luyện bài bản, kỹ năng, chiến thuật rất tốt nên trước khi chụp tôi chỉ cần nói ý định là anh em thực hiện rất nhanh, không cần phải “diễn”, ông Xuể khẳng định.

Đến với Trường Sa điều ông ấn tượng đầu tiên là cây cối ít, chủ yếu là chim ó biển, bay đen cả bầu trời, mỗi một bước chân là một tổ chim. “Điều tôi còn nhớ mãi tới bây giờ là hình ảnh lá cờ đỏ, ngôi sao vàng giữa biển trời trong cái ánh nắng sớm mai, tuy nhỏ bé nhưng bay lên đầy kiêu hãnh, đó là hồn của Tổ quốc”, ông cho biết.

Chuyến công tác kéo dài hơn 20 ngày, cũng là dịp để đoàn công tác khảo sát, hoạch định những vấn đề phòng thủ, giữ vững quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Chia sẻ kinh nghiệm về nghề báo, nhà báo Nguyễn Khắc Xuể cho rằng: "Làm báo quan trọng nhất là sự kiện, sự kiện hay, nhân vật hấp dẫn sẽ góp phần quyết định chất lượng tác phẩm báo chí đó và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Người làm báo có thể lăn lộn khắp nơi, thậm chí cả một đời người mà không để lại một tác phẩm nào thì sẽ không có gì để nhớ. Một sự kiện lớn diễn ra không bao giờ lặp lại, phóng viên thích ứng được, làm nổi bật sự kiện thì đó sẽ mãi mãi là dấu mốc của lịch sử nghề và cao hơn đó còn là lịch sử của đất nước".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỷ niệm tác nghiệp đáng nhớ của nhà báo Nguyễn Khắc Xuể tại Trường Sa sau ngày 30/4/1975
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO