Kỳ thi lớp 10: Gác lại cuộc đua điểm số, mở đường phân luồng sớm
(CLO) Thay vì chỉ tập trung vào "đầu vào" Trung học phổ thông (THPT), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang dần chuyển mình và được coi là nền tảng quan trọng để phân luồng học sinh. Đây là bước đi chiến lược nhằm phù hợp hơn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực và định hướng nghề nghiệp sớm.
Nhìn chung, điểm chuẩn của kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 có sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực và các trường. Trong khi các trường chuyên và một số trường top đầu ở các thành phố lớn vẫn giữ mức điểm cao, thì nhiều trường ở khu vực nông thôn hoặc các trường có sức hút thấp hơn đang chứng kiến điểm chuẩn giảm mạnh.
Hiện tượng điểm chuẩn “lao dốc”
Đơn cử, tại Lai Châu, nhiều trường THPT lấy điểm chuẩn dưới 10 điểm, tức thí sinh chỉ cần đạt khoảng 1,6 đến 3,3 điểm mỗi môn đã có thể trúng tuyển. Đặc biệt gây sốc là trường hợp Trường THPT Nam Đàn 2 (Nghệ An), khi điểm chuẩn đợt bổ sung chỉ còn 2,5 điểm cho 3 môn, nghĩa là chưa đầy 1 điểm/môn. Mặc dù Sở GD&ĐT Nghệ An đã giải thích đây là điểm của một thí sinh duy nhất và nhằm đủ chỉ tiêu, con số này vẫn khiến dư luận không khỏi lo ngại, đặc biệt ở một tỉnh vốn nổi tiếng "đất học". Ngay cả tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, có tới 14 trường THPT cùng lấy mức điểm chuẩn thấp nhất là 10,5 điểm (tương đương 3,5 điểm/môn).

Hiện tượng điểm chuẩn “lao dốc” này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thay đổi trong cấu trúc đề thi và cách tính điểm, đơn cử như Hà Nội đã bỏ nhân hệ số, điều này có thể làm thay đổi phổ điểm tổng. Số lượng thí sinh và chỉ tiêu cũng mất cân đối giữa số lượng học sinh đăng ký và chỉ tiêu được giao có thể dẫn đến việc hạ điểm chuẩn để đủ lớp.
Ngoài ra, việc chuyển đổi sang chương trình mới với định hướng phân luồng, học sinh có thể có xu hướng lựa chọn các con đường khác (giáo dục nghề nghiệp) ngay sau THCS, làm giảm áp lực vào THPT công lập. Cuối cùng là phổ điểm chung của học sinh thấp hơn so với các năm trước, điểm chuẩn cũng sẽ có xu hướng giảm theo.
Định hướng mới: Phổ cập THPT và liên thông đồng bộ
Trái ngược hoàn toàn với không khí căng thẳng của kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội và TP.HCM, nơi áp lực cạnh tranh vào các trường công lập vẫn rất lớn, câu chuyện "vượt vũ môn" ở nhiều địa phương khác lại diễn ra khá "nhẹ nhàng". Thậm chí, một số tỉnh còn đang xem xét những giải pháp mang tính đột phá để giảm tải gánh nặng cho học sinh và phụ huynh.
Điển hình là tại Đắk Lắk, ngành giáo dục địa phương đang cân nhắc đề xuất bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong tương lai. Lý do được đưa ra là nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân, đồng thời hạn chế sự phân hóa về trình độ học sinh giữa các khu vực. Đây là một động thái đáng chú ý, phản ánh xu hướng chung là giảm áp lực thi cử và hướng tới một môi trường giáo dục linh hoạt, công bằng hơn.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2023-2024, khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học THPT, trong khi 25,5% còn lại vào các trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tỷ lệ này cơ bản ổn định so với năm học 2022-2023.
Trong khi đó, Đề án 552 ngày 14/5/2018 của Chính phủ về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN.
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn Quốc hội Khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thừa nhận rằng việc phân luồng theo tỷ lệ 40% học sinh sau THCS vào trường nghề là một cách phân chia "cứng nhắc, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn".
Nhiều địa phương cũng cho rằng mục tiêu này khó đạt được và có thể dẫn đến những biến tướng, tiêu cực. Đại biểu Nguyễn Công Long (Ủy ban Pháp luật và Tư pháp) đã kiến nghị ngành giáo dục cần xem xét lại chính sách này, bày tỏ lo ngại về việc không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao nếu chỉ dựa trên mặt bằng học vấn THCS.
Trước những thực tiễn và ý kiến từ Quốc hội, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu và xây dựng đề xuất một nghị định mới thay thế Đề án 552 khi giai đoạn 2018-2025 kết thúc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các quốc gia trên thế giới đều đang định hướng phổ cập đối với cấp THPT, không còn lấy THCS làm chuẩn. Theo đó, Bộ GD&ĐT đang đề xuất sửa đổi ba luật quan trọng gồm: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống giáo dục có sự liên thông đồng bộ, nhịp nhàng giữa giáo dục phổ thông, dạy nghề và đại học.
Điều này nhằm thúc đẩy phân luồng từ bên trong theo hướng tự nguyện, dựa trên năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mọi học sinh có nguyện vọng đều được học bậc THPT, đồng thời định hướng nghề nghiệp một cách thực chất, phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới.
Việc điều chỉnh chính sách phân luồng, lấy nền tảng THPT làm cơ sở định hướng, được kỳ vọng sẽ giải quyết được áp lực thi cử "kinh hoàng" hàng năm cho phụ huynh và học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục phổ thông và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.