Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới “học thật, thi thật, kết quả thật”
(CLO) Chiều 15/7, tại Hội nghị công bố phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, thành công toàn diện, đạt được đầy đủ ba mục tiêu lớn do Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra: xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy và học phổ thông; cung cấp dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, điểm đột phá lớn nhất của kỳ thi năm nay chính là đổi mới theo hướng đánh giá năng lực, thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy.
“Chúng ta không chỉ đổi mới cách thi, mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy và cách học – từ học thuộc lòng sang phát triển phẩm chất, năng lực thật sự cho học sinh", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

Kỳ thi năm nay cũng lần đầu tiên tổ chức theo hướng định hướng nghề nghiệp. Học sinh được tự chọn môn thi theo sở trường và nguyện vọng, kể cả trong trường hợp tại một địa phương chỉ có một thí sinh đăng ký môn thi, ngành giáo dục vẫn tổ chức thi đầy đủ.
Một thay đổi đáng ghi nhận là kỳ thi năm nay được rút gọn từ 4 buổi xuống 3 buổi, góp phần giảm áp lực, tiết kiệm chi phí cho học sinh và phụ huynh, đồng thời thể hiện năng lực tổ chức vượt khó của toàn ngành giáo dục.
Buổi thi thứ ba được tổ chức đồng loạt với 16 môn (tổng cộng 18 môn nếu tính cả các ngoại ngữ) – một thử thách chưa từng có, nhưng đã được triển khai an toàn, chính xác, không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Lần đầu tiên, học sinh đăng ký thi các môn như Tin học, Công nghệ nông nghiệp, phản ánh xu hướng lựa chọn môn thi theo năng lực và định hướng nghề nghiệp thực chất.
Đặc biệt, một số tỉnh miền núi có học sinh chọn thi tiếng Anh và đạt điểm trung bình thuộc top 3 toàn quốc, cho thấy hiệu quả của chính sách đổi mới giáo dục toàn diện.
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt 99,21%, gần tương đương với năm trước (99,24%). Tuy nhiên, điểm mới đáng chú ý là điểm thi chỉ chiếm 50% trong xét tốt nghiệp, phần còn lại tính từ kết quả học tập lớp 12, bước điều chỉnh hợp lý, hướng tới công nhận đúng năng lực học sinh, tránh lệ thuộc tuyệt đối vào thi cử.

Phổ điểm cho thấy kỳ thi đảm bảo độ tin cậy cao, phân hóa rõ ràng, không gây “sốc” nhưng phản ánh đúng thực lực học sinh. Những địa phương như Nghệ An, Nam Định, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ, không còn chỉ là “sân chơi” riêng của Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT áp dụng phương pháp chuẩn hóa điểm thi theo T-score, một công cụ khoa học để phân tích khách quan kết quả, được đánh giá là bước tiến chuyên môn sâu sắc, mở ra hướng tiếp cận mới trong quản lý dữ liệu và điều hành kỳ thi.
“Học sinh của chúng ta đã chuyển trạng thái rất nhanh, không còn bị động như trước. Có lẽ các con đã thấm nhuần tinh thần đổi mới từ lâu, chỉ là chúng ta – những người lớn – đôi khi lo lắng thay,” Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: kết quả của kỳ thi năm nay không chỉ là thành tích của học sinh, mà còn là sự nỗ lực đồng bộ của toàn ngành giáo dục, từ xây dựng đề thi, tổ chức thi, chấm thi cho tới phân tích và công bố kết quả.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ học sinh, phụ huynh, chuyên gia với tinh thần cầu thị, nghiêm túc để hoàn thiện công tác tổ chức thi trong những năm tiếp theo. Đồng thời, vẫn kiên định với nguyên tắc chuyên môn để đảm bảo chất lượng giáo dục và công bằng trong thi cử.
“Kỳ thi năm nay chính là bước đi mạnh mẽ hiện thực hóa mục tiêu mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Học thật – Thi thật – Kết quả thật – Nhân tài thật", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.