Ký ức ngời sáng của báo Dân & báo Tiếng Dân!
(NB&CL) Lịch sử báo chí Việt Nam vào giai đoạn cận - hiện đại của dân tộc sau khi nước ta có sự tiếp xúc với người châu Âu vào thế kỷ XVI. Đáng kể, từ khi chữ quốc ngữ ra đời mà công lớn thuộc về giáo chủ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660); kể đó như lời của GS Dương Quảng Hàm chữ quốc ngữ thành văn tự phổ thông ở nước ta (sách Việt Nam văn học sử yếu - xuất bản năm 1941, tái bản năm 1993, tr.207).
Từ thập kỷ 20 đến giữa thập kỷ 30 của thế kỷ XX, bên cạnh tờ Thanh Niên, tờ báo cách mạng do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo xuất bản số đầu vào ngày 21/6/1925 cả nước có khoảng 150 tờ báo, tạp chí, tập san (định kỳ) phần lớn xuất bản ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đáng chú ý là miền Trung, kể cả cố đô Huế, do còn không ít khó khăn nên báo chí tiếng Việt xuất hiện tương đối muộn, người miền Trung chỉ có thể đọc báo trong Nam hay ngoài Bắc chuyển vào. Chậm nhưng chắc rồi để lại những dấu ấn khó lòng quên được bởi sự ra đời của hai tờ báo. Tờ Tiếng Dân chào bạn đọc vào ngày 10/8/1927 do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Khoảng 10 năm sau, ngày 6/7/1938 tại Huế lại xuất hiện tờ báo Dân do nhà cách mạng Phan Đăng Lưu chủ xướng.
Báo Tiếng Dân khi vừa ra đời đã được sự cộng tác tận tâm, tận tình của nhiều cây bút danh tiếng, trí tuệ, lừng lẫy thời đó như Sào Nam hay Việt Điểu (Phan Bội Châu), Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh… Báo Tiếng Dân được không ít người đọc thuộc nhiều tầng lớp nhân dân tìm đọc trong vòng vây của kẻ thù. Đó là một trong những nhân tố quan trọng của tờ báo.
Tuy nhiên, như lời đồng chí Trường Chinh do những hạn chế về mặt quan điểm chính trị và lập trường tư tưởng, nên tờ Tiếng Dân không theo kịp bước tiến của phong trào giải phóng dân tộc…Sau đó, nhờ có Cách mạng Tháng Tám mà Bác Hồ đã đưa cụ Huỳnh vào đúng quỹ đạo yêu nước và cách mạng. Cuối cùng, cụ Huỳnh đã nhanh chóng đứng vững trong đội ngũ cách mạng và kháng chiến. Khi Bác Hồ đi công tác dài ngày, cụ Huỳnh đảm đương chức vụ Quyền Chủ tịch nước.
Nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đi về cõi vĩnh hằng vào ngày 21/4/1947, cả nước treo cờ rủ, làm Lễ truy điệu vị nhân sĩ tài ba, yêu nước trong sự thương tiếc vô hạn. Dịp đó, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào cả nước, nêu rõ: “Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân tộc được tự do, nước nhà được độc lập”.Sau tờ Tiếng Dân kiên trinh vừa dẫn là tờ báo Dân, tờ tuần báo công khai của Xứ ủy Trung Kỳ xuất bản tại cố đô Huế do nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo và viết các bài “đinh”. Ngày 6/7/2018 vừa qua, Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế đã long trọng kỷ niệm 80 năm báo Dân ra đời, để lại những ký ức đẹp đến lung linh trong lòng bạn đọc mà ít nơi nào có được trong thời điểm ấy.
Đến với báo Dân, cùng lo cho báo Dân hoàn thành sứ mệnh lịch sử, một số nhà cách mạng như Bùi San, Nguyễn Chí Điểu, Hải Triều, Tố Hữu, Hải Thanh, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Xuân An… tích cực cộng tác, viết bài có lúc là cả phát hành báo. Vì thế, hơi thở của báo Dân là hơi thở thời đại buổi bình minh, mang đậm màu cờ sắc áo của hàng triệu người dân yêu nước, hăng hái và tự nguyện theo con đường cách mạng chân chính là độc lập, giải phóng dân tộc, cơm no áo ấm…Báo Dân số đầu đăng tải 3 điểm nổi bật: 1- Dân như tên gọi của nó là tờ báo của dân. Những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ đều được bày tỏ trên báo này; 2- Dân yêu cầu anh chị em gắng thế nào cho mỗi làng, mỗi sở công, sở tư, mỗi trường học, mỗi nhà máy, ít nhất cũng được một bạn đọc; 3- Dân yêu cầu anh chị em đối với nó thấy có khuyết điểm gì cứ thành thật chỉ trích, để sửa đổi dần cho thành một cơ quan ngôn luận hoàn toàn”.
Báo Dân là tờ báo đầu tiên ở Trung Bộ thực hiện đường lối mặt trận dân chủ trong toàn miền; đoàn kết các lực lượng quần chúng trong mặt trận thống nhất; thường xuyên phản ánh nguyện vọng của nhân dân kiên định đòi: Cải cách thuế khóa; đòi tự do dân chủ; đòi lập hội ái hữu…Lời phi lộ của báo Dân, đúng hơn là thông điệp rất ngắn gọn nhưng toát lên khát vọng độc lập, giải phóng dân tộc, mưu sinh cho dân, vì dân của Xứ ủy Trung kỳ bình dân mà trí tuệ, sâu sắc cùng hồn cốt lung linh, ắp đầy lãng mạn cách mạng. Thời ấy trong vô vàn khó khăn mà mỗi số báo được phát hành tới 5.000 bản cho thấy dáng vóc, hình hài của báo Dân là đáng nể trọng. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau của thời nô lệ, nên báo Dân tồn tại không lâu so với tờ Thét Tiếng Dân chào đời trước đó một thập niên.
Tờ báo tồn tại nhiều năm hay ít năm chưa phải là quan trọng, cốt lõi là tuyên ngôn, là mục đích tôn chỉ của mỗi tờ báo khi ra đời, hoạt động trong bối cảnh đối lập với bọn thống trị từ kiểm duyệt, cắt bỏ rất dã man, có khi cả cột báo, trang báo đến việc tịch thu báo, đóng cửa tòa báo. Thậm chí khủng bố cả con người từ người ra báo, người viết và người đọc… Dẫu biết rằng so sánh là khập khiễng, nhưng xin nhắc lại câu nói của ai đó khi cho rằng, nghề báo là nghề gian khó chỉ đứng sau nghề thợ mỏ - chính là như thế.Chỉ phác qua điều đó thôi, đủ thấy báo Tiếng Dân, báo Dân (nở hoa kết trái ở Huế) cùng những tờ báo khác ra đời, phát triển cùng thời trong vô vàn khó khăn, khổ nhục của thời tăm tối nhưng đã làm nên những ký ức ngời sáng của thế giới báo chí, ngôn luận thời cận, hiện đại.
Nguyễn Xuân Lương