Kỳ vọng từ cam kết của người đứng đầu Chính phủ

Thứ hai, 06/05/2019 08:45 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với cam kết của người đứng đầu Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện về nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển, các doanh nhân tư nhân có quyền kỳ vọng rằng họ sẽ được đối xử bình đẳng, để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019. Ảnh VGP

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019. Ảnh VGP

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 doanh nghiệp vào cuối quý I/2019. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP (trong khi tỉ lệ này của khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%), đóng góp tới 30% cho ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Bên cạnh đó, có tới 97% số doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỉ đồng. Cùng với vốn ít là các vấn đề: công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất… vẫn là những khó khăn lớn, khiến cho khu vực kinh tế tư nhân chưa đạt được “sức bật” đúng với tiềm năng vốn có.

Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, mặc dù kinh tế tư nhân đang dần trở thành một trụ cột của nền kinh tế, tuy nhiên môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, còn nhiều rào cản, đặc biệt là sự phân biệt đối xử… đã khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng, hạn chế sự đóng góp nhiều hơn của khu vực này cho nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Ông Kiên cho rằng, “từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt dựa trên hình thức sở hữu".

Sự “bất bình đẳng” đó có thể thấy rõ trong thực tế, khi hàng ngày, doanh nghiệp tư nhân đối diện với các cuộc thanh kiểm tra, rồi chi phí không chính thức, khó khăn khi tiếp cận vốn vay... Chỉ nói riêng về việc vay vốn, chính sách vẫn nói là tạo điều kiện nhưng thực tế là hầu như chỉ doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được vốn, còn doanh nghiệp càng nhỏ thì rất khó vay vì đòi hỏi tài sản thế chấp; kể cả có thế chấp, thời gian vay cũng chỉ được 1 năm, lãi suất ít được ưu đãi.

Vì vậy, nhiều ý kiến nhận xét, doanh nghiệp tư nhân đang bị đối xử như "con nuôi", còn doanh nghiệp nhà nước thì được coi là “con đẻ”. Nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước được ưu tiên bầu sữa ngân sách, ưu tiên vốn vay, nhưng lại làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Bình đẳng - điều doanh nghiệp tư nhân đang cần

Là người theo sát và rất hiểu giới doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hơn một lần khẳng định, doanh nghiệp tư nhân cần một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và bình đẳng.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ “người trong cuộc”, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân cũng có chung nhận định rằng, họ chưa được đối xử như vậy.

Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế khi triển khai công việc, nhà đầu tư vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, rào cản lớn nhất hiện nay là từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi trong quá trình làm việc, họ chưa đối xử bình đẳng các doanh nghiệp tư nhân với các thành phần kinh tế khác.

"Các văn bản hành chính Nhà nước ban hành thiếu tính thực tiễn, trong đó chính sách lãi vay trong vòng hơn 1 năm nhưng Thông tư Bộ Tài chính ban hành tới 4 lần. Dự thảo cuối cùng của Thông tư mới lại quay về Thông tư đã được quy định trước đó", ông Thế nói.

Doanh nghiệp tư nhân cần một sân chơi bình đẳng. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp tư nhân cần một sân chơi bình đẳng. Ảnh minh họa

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng rất tâm huyết khi nhấn mạnh rằng doanh nghiệp tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, tích cực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng về sự phân biệt đối xử này. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, môi trường kinh doanh hiện còn có nhiều rủi ro về mặt thể chế đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp Việt không chỉ phải đối mặt với các rủi ro thông thường như rủi ro về thị trường mà còn phải đối mặt với những rủi ro pháp lý, tức luôn trong trạng thái không an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch. Với sự áp dụng tùy ý, tùy tiện chính sách của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp không thể tính toán được kế hoạch lâu dài. Do đó, cách tốt nhất là doanh nghiệp làm nhỏ và “không lớn”, thậm chí là hoạt động không chính thức, vì càng hoạt động chính thức thì rủi ro càng lớn”, ông Cung nhận định.

Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét: "Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI".

Theo ông Vũ Đình Ánh, doanh nghiệp cần được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 là được phép hoạt động trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân phải dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động.

Cam kết của người đứng đầu Chính phủ

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa được tổ chức, trước câu hỏi trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyết sách gì để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, đặc biệt là được bình đẳng trong phát triển, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội.

Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân - một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: VGP

Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân - một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: VGP

Về nội hàm “bình đẳng”, Thủ tướng nêu rõ, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh và được “trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh những cam kết này trước đông đảo các doanh nhân tham dự Diễn đàn.

Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam.

“Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác.

Được bình đẳng đối xử bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI, vẫn luôn là điều mà các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân khao khát hay nói cách khác, họ cần được quan tâm và tạo cơ hội để phát triển. Với cam kết của người đứng đầu Chính phủ, doanh nhân Việt Nam nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng có quyền tin tưởng rằng, sẽ có những đổi mới trong đường lối cũng như trong cách thức thực hiện; họ sẽ được “bảo vệ” và được “trao cơ hội”, để từ đó kinh tế tư nhân được rộng đường phát triển.

T. Toàn

Tin khác

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

(CLO) UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện"; cùng với đó, có các giải pháp từng khâu trong việc bảo đảm cung ứng điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện; yêu cầu dứt khoát hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6.

Tin tức
Bộ Công Thương đề xuất 2 phương thức nhà máy điện gió, điện mặt trời bán trực tiếp cho khách hàng

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương thức nhà máy điện gió, điện mặt trời bán trực tiếp cho khách hàng

(CLO) Bộ Công Thương đề xuất đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời (Đơn vị phát điện) sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn (các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ) thông qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Tin tức
Huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đạt 27/31 tiêu chí thành lập quận

Huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đạt 27/31 tiêu chí thành lập quận

(CLO) Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, về kết quả thực hiện các tiêu chí thành lập quận, đến nay, huyện đã đạt 27/31 tiêu chí.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Chủ tịch Quốc hội Venezuela

(CLO) Tiếp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Jorge Rodriguez khẳng định Venezuela luôn coi Việt Nam là nước bạn bè thân thiết, mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển, cũng như học tập kinh nghiệm Việt Nam mở cửa nền kinh tế, đa dạng hoá quan hệ với các đối tác quốc tế.

Tin tức