Kỳ vọng về loạt dự án trọng điểm đường sắt

20/02/2025 14:00

(NB&CL) Các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia được đầu tư trong thời gian tới đem đến nhiều kỳ vọng, không chỉ thay đổi mạnh mẽ hạ tầng đường sắt mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Đường sắt là loại hình vận tải có ưu điểm vượt trội về năng lực và tốc độ vận chuyển trên cự ly trung bình và dài, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), tăng cường kết nối giữa các vùng miền.

Tuy nhiên do xây dựng từ lâu, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ và không được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua nên kết cấu hạ tầng đường sắt chắp vá, chưa đồng bộ. Tốc độ chạy tàu hạn chế, năng lực thông qua thấp, chưa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

Với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 194.000 tỉ đồng (khoảng 7,94 tỉ USD), dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là dự án đường sắt có quy mô lớn chỉ sau tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (67,3 tỉ USD).

Những bước chuẩn bị cho dự án đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ để kịp mốc khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

ky vong ve loat du an trong diem duong sat hinh 1

Vận tải hàng hóa đường sắt cho thấy nhiều ưu thế về vận tải đường dài, khối lượng lớn. Ảnh: TL.

Theo ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, hành lang Đông - Tây (Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai) là hành lang vận tải đi qua 9 địa phương chiếm đến 21% GDP, 25% khu công nghiệp trên cả nước. Đây là hành lang kinh tế vận tải quan trọng thứ hai sau hành lang Bắc - Nam.

Việc đầu tư tuyến đường sắt này sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị hơn 4,5 tỷ USD và khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng, khoảng 2.500 việc làm lâu dài.

Cùng với đó, tuyến kết nối với đường sắt Trung Quốc, thông qua đường sắt đi Vân Nam, Tây Tạng và kết nối đến châu Âu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ đi bằng đường sắt qua cửa khẩu Lào Cai và được vận chuyển trên tuyến đường sắt này.

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng năng lực vận chuyển sẽ lớn hơn và thời gian vận chuyển cũng như chi phí logistics sẽ được giảm đi.

Bên cạnh đó, khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác cũng sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí carbon trên các phương tiện vận tải ô tô đang sử dụng phổ biến, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các thị trường khó tính trên thế giới.

Đặc biệt việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.

ky vong ve loat du an trong diem duong sat hinh 2

Hạ tầng đường sắt lạc hậu, hư hỏng do ảnh hưởng bởi mưa lũ và không được đầu tư lớn trong suốt thời gian dài. Ảnh: TL.

Dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải hành khách của đường sắt khoảng 120 triệu lượt/năm, vận tải hàng hóa khoảng 18 triệu tấn/năm, điều này cho thấy dư địa đầu tư cho đường sắt tốc độ cao rất lớn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lã Ngọc Khuê cho rằng, dù vận tải đường thủy nội địa, đường biển có ưu thế về chi phí, nhưng thời gian kéo dài, bốc dỡ nhiều lần. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn để ngành đường sắt tăng thị phần vận tải hàng hóa đường dài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh khẳng định, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước.

Đường sắt tốc độ cao sẽ có ưu thế về chi phí, vận chuyển khối lượng lớn, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, vừa phục vụ hành khách, phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ có nhiều mức vé, giá thấp nhất bằng 60% giá vé máy bay bình quân của hàng không truyền thống và hàng không chi phí thấp. Mức giá này được đánh giá có sức cạnh tranh và phù hợp khả năng chi trả của người dân khi công trình đưa vào khai thác.

Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải hành khách sẽ giải phóng tuyến đường sắt hiện hữu Bắc - Nam khỏi chức năng vận tải hành khách để tập trung vận tải hàng hoá đáp ứng được yêu cầu vận tải khối lượng hàng hoá rất lớn.

Thế Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỳ vọng về loạt dự án trọng điểm đường sắt
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO