Đời sống

‘Lá chắn sống’ bảo vệ người Campuchia ở Gia Lai

Bài và ảnh: Trần Hiền 13/05/2025 06:11

(CLO) Đa phần người dân ở làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đều gốc Campuchia. Trong cuộc chạy trốn chế độ diệt chủng Pol Pot vào năm 1976, họ được bộ đội, người dân Việt Nam cưu mang nên đã chọn Gia Lai làm quê hương thứ hai của mình.

Ký ức một thời chạy loạn

Làng Trêl hay còn được gọi là “làng Cam” nằm cách trung tâm TP Pleiku (Gia Lai) chừng 80km. Trước đó, vào những năm 1976, chế độ diệt chủng Pol Pot thực hiện việc bức hại dân lành, tàn sát tất cả những ngôi làng của người Campuchia dẫn đến việc dòng người chạy loạn khắp nơi.

Hàng trăm người dân Campuchia cõng con cái hoảng loạn chạy về hướng biên giới Đức Cơ (Gia Lai). Được bộ đội và người dân Việt Nam cưu mang, họ đã chọn vùng đất này làm nơi trú ngụ và lập nghiệp. Trải qua những mất mát, đau thương của chiến tranh, ngày nay họ đã có cuộc sống ổn định, ấm êm.

z6579325502616_8418cfabd731df99ab311390a6ec4db5.jpg
Làng Triêl (xã Ia Pnôn) hay còn gọi là "làng Cam"

Mặc dù đã gần 50 năm trôi qua, thế nhưng ông Rơh Mah Blơi (SN 1966, người gốc Campuchia ở làng Triêl) vẫn nhớ như in ngày cả nhà chạy xuyên rừng đi lánh nạn.

Nhấp chén trà đặc, già Blơi kể lại: “Ngày đó già chỉ mới tròn 10 tuổi, chỉ nghe bố mẹ bàn bạc nhau cách trốn chạy vì sợ Pol Pot giết hại, sợ bị đưa đi nơi khác làm nô lệ. Hôm đó, cả gia đình rời khỏi nhà từ sáng lên rẫy, rồi từ rẫy bí mật chạy trốn khỏi làng. Bố cõng em gái trên lưng, còn mẹ nắm chặt tay mình cứ thế băng rừng, lội suối gần cả 1 ngày trời mới được làng Triêl bây giờ.

Cả nhà chỉ biết chạy thật nhanh để thoát khỏi tiếng súng, bom đạn và thoát khỏi sự đuổi giết của Pol Pot. Ngoài gia đình mình còn có anh em họ hàng và một số bà con trong làng cũng chạy đến làng này để lánh nạn. Khi đặt chân đến làng, chúng tôi như tìm được ánh sáng, được người dân nơi đây dang rộng vòng tay cưu mang, sẻ chia từng chén cơm, tấm áo”.

Ông Rơh Mah Blơi kể về những ngày tháng chạy loạn
Ông Rơh Mah Blơi kể về những ngày tháng chạy loạn

Tuy nhiên, dù đã qua đến Việt Nam nhưng cuộc truy sát của Pol Pot vẫn chưa chấm dứt. Năm 1976 - 1978, liên tiếp các đợt lùng sục của lính Pol Pot tìm tin tức về dân hai làng đã trốn chạy qua Việt Nam. Nhưng đến đất Việt, họ đã bị bộ đội Việt Nam chặn lại.

Trước tình hình trên, bộ đội Việt Nam đã họp dân lại, thống nhất di chuyển người dân Campuchia tiến sâu vào trong đất Việt, phía bên ngoài biên giới là các ngôi làng của người Việt Nam được dựng lên làm lá chắn. Từ những năm 1980 trở đi khi bên kia biên giới đã yên ổn, người Campuchia thấy sống ở Việt Nam được dân thương, bộ đội cưu mang quá nên chẳng ai muốn về lại nơi đã ra đi nữa.

Cuộc sống ấm no trên vùng đất mới

Chính nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và người dân, hàng trăm người gốc Campuchia đã có nơi ở mới, bản làng mới và cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Phần lớn hộ dân đều có thu nhập ổn định từ cây điều, cà phê, cao su.

Nhiều gia đình xây được nhà ở kiên cố trị giá tiền tỷ, điển hình là ngôi nhà của già làng Blơi. Ngoài nhà ở kiên cố, ông còn sở hữu 5ha cà phê, cao su và điều tươi tốt dọc vùng biên giới Đức Cơ.

z6579325505451_ab62ab30e3fa12a99b4e79d34fbc4ee8.jpg
Trải qua những đau thương, mất mát của chiến tranh, người dân gốc Campuchia đã có cuộc sống ấm no ở làng Triêl

Dù mang quá khứ đau thương, nhưng những người Việt gốc Campuchia đang đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất để xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp, no ấm hơn. Làng Triêl ngày nay không chỉ là nơi sinh sống của hàng trăm người Việt gốc Campuchia mà còn là biểu tượng của khát vọng hồi sinh, của tình người.

Dọc những nương rẫy cà phê, cao su xanh tốt là những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Những hình ảnh này đã minh chứng cho hành trình vươn lên kỳ diệu của những con người từng không có gì ngoài đôi bàn tay trắng và niềm tin, hy vọng sống trong tiếng súng, bom đạn của chiến tranh.

z6579325496801_e25199344dd7e0f88acb206b8a58dfd7.jpg
Được bộ đội, người dân Việt Nam cưu mang, hàng trăm người dân gốc Campuchia đã chọn Gia Lai làm quê hương thứ hai của mình

Ông Rơ Lan Khuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn thông tin: “Làng Triêl hiện có 95 hộ, đa số là người gốc Campuchia nhưng đều đã nhập quốc tịch Việt Nam. Trong quá trình sống cùng người Việt, họ đã học hỏi lẫn nhau, phấn đấu phát triển kinh tế. Người dân trong làng chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều và làm công nhân cao su nên thu nhập rất ổn định (tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 7%).

Đặc biệt một số hộ dân sớm chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên kinh tế rất khá. Hiện làng Triêl cũng đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới, đang làm hồ sơ để hoàn thiện”.

z6589196240606_e1cbb7c6a82c3f1b40414ece9736274e.jpg
Lực lượng cán bộ đồn biên phòng Ia Pnôn luôn quan tâm, hướng dẫn bà con làng Triêl phát triển kinh tế

Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Thành Nhơn - Chính trị viên đồn Biên phòng Ia Pnôn cho hay: “Đơn vị thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng các khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Có thể nói, làng Triêl là một trong những làng chấp hành rất nghiêm các quy định pháp luật, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất ổn định.

Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là khi thực hiện các chương trình nông thôn mới có nhiều sự đầu tư của Chính phủ, của địa phương, đời sống kinh tế của bà con tăng lên rất là nhiều. Nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang hơn, bà con có cuộc sống ổn định hơn”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ‘Lá chắn sống’ bảo vệ người Campuchia ở Gia Lai
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO