La hét và giận dữ khi đảng của Tổng thống Hàn Quốc rời quốc hội, cuộc luận tội bị hoãn lại
(CLO) Hôm 7/12, các thành viên Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đã rời khỏi hội trường quốc hội trước cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol về vụ áp đặt thiết quân luật.
Chỉ có một thành viên duy nhất của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông Yoon vẫn còn ngồi lại phòng quốc hội, khiến khả năng đạt đủ ngưỡng 2/3 cần thiết để thông qua biện pháp luận tội là không khả thi.
Bởi vậy, các lãnh đạo đối lập cho biết họ sẽ hoãn lại cuộc bỏ phiếu luận tội đến ngày 17/12.
Để luận tội ông Yoon, cần có ít nhất 200 phiếu từ 300 nghị sĩ trong Quốc hội Hàn Quốc, trong đó phe đối lập kiểm soát 192 ghế, nghĩa là cần ít nhất 8 thành viên từ đảng cầm quyền tham gia.

Chỉ có một thành viên duy nhất của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông Yoon vẫn còn ngồi lại phòng quốc hội trong cuộc luận tội. Ảnh: Reuters
Trước đó, người ta đã chứng kiến những tiếng la hét và những lời phẫn nộ từ các nghị sĩ trong quốc hội diễn ra trước cuộc bỏ phiếu.
Hàng nghìn người dân Hàn Quốc cũng đã biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội vào tối 6/12, yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon, và nhiều cuộc biểu tình khác diễn ra vào ngày 7/12.
Trước đó trong ngày, Tổng thống Yoon đã xin lỗi về nỗ lực áp đặt thiết quân luật nhưng khẳng định không từ chức, mặc dù áp lực yêu cầu ông từ chức đã gia tăng, kể cả từ một số người trong đảng cầm quyền.
Ông Yoon cho biết ông sẽ không tránh né trách nhiệm pháp lý và chính trị đối với quyết định ban bố thiết quân luật, lần đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ năm 1980. Ông lý giải rằng quyết định này xuất phát từ sự tuyệt vọng.
"Tôi rất tiếc và xin lỗi chân thành tới những người dân bị sốc", ông Yoon phát biểu trong trên truyền hình quốc gia, đồng thời cam kết sẽ không có nỗ lực áp đặt thiết quân luật thứ hai. "Tôi để đảng của tôi tự quyết định các bước đi để ổn định tình hình chính trị, bao gồm cả vấn đề nhiệm kỳ của tôi", ông nói thêm.
Đây là lần đầu tiên ông Yoon phát biểu công khai kể từ khi ban hành thiết quân luật vào nửa đêm 3/12, nhưng đã phải hủy bỏ nó sau khi Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu phản đối lệnh này sau đó 6 giờ đồng hồ. Quyết định này đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.

Đám đông người biểu tình trước Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc, yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức vào ngày 7/12. Ảnh: Reuters
Phản ứng sau bài phát biểu của ông Yoon, lãnh đạo đảng cầm quyền Han Dong-hoon cho rằng Tổng thống không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ công và việc từ chức của ông là không thể tránh khỏi. Ngày 6/12, ông Han đã chỉ trích ông Yoon là mối nguy hiểm cho đất nước và cần phải bị loại khỏi quyền lực, mặc dù các thành viên PPP đã tái khẳng định sự phản đối đối với việc luận tội ông.
Nếu ông Yoon từ chức hoặc bị luận tội, Thủ tướng Han Duck-soo, người được ông Yoon bổ nhiệm, sẽ trở thành quyền tổng thống theo hiến pháp. Nếu ông Yoon rời nhiệm sở trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2027, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Trước đó vào ngày 3/12, ông Yoon đã gây chấn động khi ban bố thiết quân luật, trao quyền khẩn cấp cho quân đội để đối phó với các mối "đe dọa không xác định từ Triều Tiên". Tuy nhiên, không có bất cứ cơ sở nào liên quan đến cáo buộc này được đưa ra, đồng thời quân đội Hàn Quốc đã đến bao vây Tòa nhà Quốc hội nước này.
Quyết định này đã gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế, trong đó có cả đồng minh Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hủy chuyến công du Hàn Quốc sau khi thiết quân luật được ban hành. Một số thành viên PPP đã thúc giục ông Yoon từ chức trước cuộc bỏ phiếu luận tội vào ngày 7/12, lo ngại rằng việc luận tội sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị tương tự như vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2016.
Nếu ông Yoon bị luận tội, Tòa án Hiến pháp sẽ xét xử vụ án. Tòa án có thể xác nhận luận tội nếu có ít nhất 6/9 thẩm phán đồng ý. Tòa án đã mất ba tháng để phế truất Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.
Các cơ quan điều tra, bao gồm công tố viên và cảnh sát, đã mở các cuộc điều tra về sắc lệnh thiết quân luật và những quan chức cấp cao liên quan, tìm cách truy tố các tội danh như nổi loạn và lạm dụng quyền lực. Những người bị cáo buộc có thể đối mặt với án tử hình hoặc tù chung thân nếu bị kết án về tội lãnh đạo nổi loạn.
Ngọc Ánh (theo Reuters)