Tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ là giảm số liệu, không phải là bản chất, giảm thật sự. Ảnh minh họa
Được đánh giá là một trong ba cục máu đông lớn nhất làm nghẽn mạch nền kinh tế, nợ xấu cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản và tình trạng hàng tồn kho tăng cao đã là nỗi lo lắng không chỉ của các nhà quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) mà của cả xã hội. Vì vậy thông tin tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong đó có các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm nhanh đã làm dư luận đặc biệt quan tâm. Nhưng mừng thì chưa kịp mà những lo lắng mới lại ào đến.
Nợ xấu giảm trong cuộc chiến số liệu
Bản chất của nợ xấu là các khoản cho vay của TCTD quá hạn, không đòi được. Lý do là các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả hoặc phá sản không trả nợ được ngân hàng. Chỉ trong hai tháng, tức 60 ngày, theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu đã giảm được hơn 2%. Nguyên nhân giảm cũng được chính NHNN xác nhận không phải đòi được nợ mà là cơ cấu lại nợ. Cũng phải thôi, trong hai tháng vừa qua kinh tế cả nước chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, số DN phá sản, ngừng hoạt động cũng lên đến con số trên 8.600, hầu hết các tập đoàn nhà nước, các DN lớn công bố tiếp tục thua lỗ, làm sao có thể trả tiền cho ngân hàng được.
Vậy tại sao tỷ lệ nợ xấu lại giảm. Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết lý do chính giúp nợ xấu có xu hướng giảm trong thời gian qua là ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro, theo chỉ đạo của cơ quan quản lý và cơ cấu lại nợ. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu giảm cũng còn có lý do các TCTD đã cẩn trọng hơn trong thẩm định cho vay để không xuất hiện nợ xấu trên các khoản cho vay mới.
Cụ thể, đến cuối 2012, các TCTD trong và ngoài nước đã trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu được khoảng 78.600 tỉ đồng, tăng 33% so cuối 2011. Đến hết 2012, các TCTD xử lý được 45.000 tỉ đồng. Như vậy, phần lớn nợ xấu được giải quyết rơi vào thời điểm 2 quý cuối 2012, còn trong khoảng tháng 1, 2 năm 2013 các TCTD xử lý được khoảng gần 10.000 tỉ đồng. Tất cả các khoản trích lập này được lấy từ lợi nhuận ngân hàng, thậm chí rút từ vốn ngân hàng.
Mặt khác, nhiều khoản nợ xấu đã được làm đẹp bằng những khoản vay mới để trả nợ cũ quá hạn. Các khoản nợ đã được trích lập dự phòng rủi ro, các khoản nợ được cơ cấu lại đã được cho ra khỏi vùng nợ xấu và như vậy tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh, theo tiêu chuẩn của NHNN là hợp lý. Như vậy tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ là giảm số liệu, không phải là bản chất, giảm thật sự. Theo ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, trích lập dự phòng rủi ro là một trong những biện pháp làm giảm nợ xấu phần nào trên bảng cân đối kế toán.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu nợ xấu thực sự giảm hơn 2% thì đây là một dấu hiệu rất tốt. Tuy nhiên, ông thẳng thắn nói: “Tôi vẫn chưa nhìn thấy rõ nguyên nhân nào khiến nợ xấu giảm, nếu chỉ vì trích lập dự phòng rủi ro thì chưa đủ”. Ông giải thích thêm, nợ xấu không thể rút xuống nhờ trích dự phòng rủi ro, động tác này chỉ tạo ra tính an toàn.
Tuy nhiên cần nhận rõ việc giảm tỷ lệ nợ xấu này không làm giảm khối lượng máu đông trong dòng chảy vốn, thậm chí còn làm tắc nghẽn thêm bởi không có đồng nào trả về cho các NHTM, để bổ sung nguồn vốn, mà vốn còn hư hao thêm bởi khoản trích lập dự phòng rủi ro, sự giảm bớt lãi suất do cơ cấu, làm đẹp các khoản nợ xấu. Đây là một trong những lý do để các NHTM không thể giảm lãi suất cho vay cũng như không nhiệt tình tìm kiếm thị trường cho vay, mặt khác chính DN cũng không dám vay vốn NHTM lãi suất cao để đầu tư sản xuất.
Nhưng nợ xấu thật sự là bao nhiêu?
Điều lưu ý là những con số công bố của các TCTD và giám sát của NHNN có sự khác biệt rất lớn. Thứ nhất, theo báo cáo của các TCTD vào cuối năm 2012, nợ xấu khoảng 135.000 tỉ đồng, tương đương 4,86% tổng dư nợ và tăng 67,25% so với 2011. Còn theo kết quả giám sát của NHNN, nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2012 là 8,6% tổng dư nợ. Trong khi nợ xấu bình quân toàn hệ thống khá cao, thì báo cáo tài chính của từng TCTD lại khá thấp. Cụ thể, hết 2012, BIDV có tỷ lệ nợ xấu 2,7% trên tổng dư nợ, tương tự Vietcombank là 2,26%, Vietinbank 1,46%, Sacombank 1,89%, Eximbank 1,2% và NH Quân đội (MB) 1,85%. Duy có 2 trường hợp, dù không nằm trong nhóm 9 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu nhưng nợ xấu cao là Agribank 5,8%, và SHB đang dẫn đầu 8,53%. SHB lý giải nợ xấu tăng mạnh chủ yếu do phải lo gánh khoản nợ nần lớn từ Habubank từ khi sáp nhập. Những thống kê khác biệt trên được NHNN khẳng định là do các nhà băng phân loại nợ không đúng.
Nhưng một chuyên gia nổi tiếng của nước ngoài, ông John Sheehan lại khẳng định: “Trong các cuộc khủng hoảng tài chính, ở những thị trường minh bạch thì con số thực của nợ xấu được công bố thường là gấp đôi so với số liệu công bố. Ở thị trường không minh bạch, con số này thường gấp 4 lần. Đơn cử, ở Thái Lan, năm 1996, người ta công bố tỷ lệ nợ xấu là 5%, đến khi khủng hoảng con số này là 50%. Ở Ireland, năm 2007 tỷ lệ nợ xấu được công bố là 8% nhưng đến năm 2010 khi khủng hoảng thì tăng vọt lên 30%. Nợ xấu được thực sự giải quyết khi thị trường có dấu hiệu được khôi phục. Vậy, con số nợ xấu được công bố không có ý nghĩa nhiều”. Một số chuyên gia kinh tế đánh giá số nợ xấu thật sự có thể còn cao hơn công bố, bởi sự sụt giá khủng khiếp của các tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản (BĐS).
NHNN khẳng định nợ xấu đang giảm, nhưng số liệu từ một cơ quan chuyên môn của NHNN cho biết trong tháng 1-2013, nợ đủ tiêu chuẩn của khối NHTM cổ phần giảm trong khi nợ không đủ tiêu chuẩn lại gia tăng. Bên cạnh đó, những khoản nợ được giãn, khoanh lại đang có nguy cơ trở lại, thậm chí ngày càng rủi ro khi trong gần 1 năm kể từ khi thực hiện việc này, không nhiều doanh nghiệp trả được nợ bởi sản xuất kinh doanh khó khăn triền miên. Cụ thể, theo báo cáo của NHNN, tính hết năm 2012, các TCTD đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng là 244.565 tỉ đồng. Theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, kể từ 1-6 tới đây, nợ xấu sẽ gia tăng khi TCTD phải phân loại theo quy định mới của NHNN. Đơn cử, nếu trước kia khách hàng của hai món vay tại hai NH, nợ ở đâu khoanh nhóm ở đó; thì với quy định mới chỉ cần khách hàng có một món nợ xấu nhóm 3 tại một NH nào đó, tất cả các khoản nợ nhóm thuộc 1, 2 ở các NH khác cũng tự khắc được xếp vào nhóm 3.
Những nguy cơ và hành động cần thiết
Chỉ có nhìn rõ được những khó khăn thực tế mới có thể vượt qua. Chỉ tự làm đẹp số liệu không thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn mang tên nợ xấu. Không những vậy, việc tự làm đẹp còn có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề. Trước hết khi tỷ lệ nợ xấu được giảm nhanh, những biện pháp quyết liệt như lập các công ty mua bán nợ có khả năng giải quyết sẽ chậm lại. Mặt khác, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro đã ngăn chặn khả năng giảm lãi suất cho vay, làm trì trệ thêm nền kinh tế. Đến nay, đề án xử lý nợ xấu và việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia vẫn chưa được thông qua.
Theo Vụ Tín dụng NHNN, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19-2 âm 0,16% so với cuối năm 2012. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12% rất khó thực hiện. Về tổng tài sản các TCTD, tháng 1 cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể của toàn hệ thống. Tổng tài sản của toàn hệ thống các TCTD đã “bốc hơi” hơn 102.000 tỷ đồng so với cuối năm 2012 và còn dưới 5 triệu tỷ đồng. Việc sụt giảm mạnh hơn 83.000 tỷ đồng tài sản đã khiến nhóm này có khối tài sản ít hơn các nhà băng cổ phần. Nguyên nhân chính là do phải trích lập dự phòng rủi ro quá nhiều. Chưa có thời điểm nào chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thực tế lớn như bây giờ và cũng chưa bao giờ các TCTD lại lãi ít và lỗ nhiều như hiện nay.
Tóm lại để thật sự giảm tỷ lệ nợ xấu cần sớm thực hiện các biện pháp khẩn cấp, đồng thời tập trung phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn có lãi để họ có khả năng trả nợ các TCTD. Tin mừng thật sự là Chính phủ đã thông qua đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản (AMC), triển khai đề án xử lý nợ xấu ngay trong qúy 1 năm nay. Mặt khác sẽ đưa các gói tín dụng lãi suất thấp hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường BĐS. Những biện pháp kỹ thuật để giải quyết nợ xấu trước mắt và lâu dài cũng sẽ được công bố.
Chúng tôi xin lưu ý một ý kiến của một chuyên gia đã từng tham gia giải quyết khủng hoảng tài chính ở nhiều nước trên thế giới phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 3-2013, ông John Sheehan: Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý để giải quyết nợ xấu. Vì vậy sẽ rất khó khăn để chuyển các khoản vay không hiệu quả thành tiền và lấy lại niềm tin để thị trường hồi phục sớm nhất.
Ông chỉ ra 7 “cây đũa thần” để xử lý nợ xấu. Một là cần quy định việc mua bán, đánh thuế và quản lý các khoản vay không hiệu quả. Hai là các ngân hàng phải bán các tài sản thấp hơn giá trị sổ sách. Ba là thực thi pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Bốn là ban hành luật phá sản. Năm là đảm bảo tính hiệu quả của các khoản vay khi được chuyển nhượng. Sáu là tiến hành cho đăng ký và cấp phép đối với các công ty quản lý tài sản tư nhân. Bảy là bảo vệ quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài đối với tài sản là nợ xấu.
“Nếu 7 yếu tố trên được cải thiện sẽ thúc đẩy quá trình thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào thị trường ngân hàng và thị trường vốn”, ông dự báo.
Theo ANTĐ