Ngôi trường mầm non tại Phường 4 TP. Đà Lạt trị giá khoảng 18 tỉ cho 300 trẻ sắp đi vào hoạt đồng thì chủ đầu tư phải ra tòa án hình sự vì vay tiền lãi suất cao.
Nhọc nhằn ước mơ xã hội hóa giáo dục và xuất khẩu nông sản từ trong nước ra thế giới nhưng hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non của tỉnh cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng cơ sở vật chất nhiều năm liền. Năm 2012, huyện vùng sâu Cát Tiên - tỉnh Lâm Đồng- có 12 xã, thị trấn nhưng đến 4 xã: Quảng Ngãi, Nam Ninh, Tư Nghĩa, Mỹ Lâm nhưng “trắng” trường mầm non. Trẻ bậc MN ở những địa phương này phải đến học chung trường với học sinh tiểu học.
Hàng năm, Lâm Đồng có khoảng 600 trẻ từ 5-6 tuổi người dân tộc thiểu số phải theo học các lớp mẫu giáo 36 buổi trong hè để chuẩn bị vào lớp 1 trường tiểu học. Thế nhưng số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chiếm tỉ lệ rất thấp, dưới 10%.
Năm 2014, tỉnh Lâm Đồng đang tăng cường thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, trong đó tỉnh sẽ bổ sung vốn đầu tư xây dựng cho các trường mầm non đang xây dựng để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ trong năm nay. Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng có 132/147 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, đạt tỷ lệ 89,8%; đồng thời ở cấp huyện có 8/12 đơn vị đạt chuẩn, gồm TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đạ Huoai.
Theo Sở GD&ĐT Lâm Đồng, ngoài việc còn một số xã chưa đạt chuẩn, công tác phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số trường mầm non còn hạn chế; vẫn còn tình trạng phòng học mượn, phòng học tạm, phòng học xây không đúng quy chuẩn, công trình vệ sinh chưa đảm bảo, nhiều trường chưa có các phòng học chức năng. Đội ngũ giáo viên mầm non của tỉnh cũng chưa đủ để đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày.
Trước những khó khăn của địa phương và mong muốn có một ngôi trường khang trang cho trẻ mầm non, bà Dương Thị Thùy Trâm, 35 tuổi, TP. Đà Lạt, đã quyết tâm bằng mọi giá thực hiện ước mơ này. Đầu năm 2010, Bà Trâm – giám đốc Công ty TNHH Thùy Trâm, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt hồ sơ số 42121000618 đầu tư và giao đất xây trường mần non tại phường 4 TP. Đà Lạt trong 50 năm. Vì nôn nóng để hoàn thành kịp tiến độ xây dựng ngôi trường mầm non, bà Trâm đã vay mượn từ nhiều nguồn. Thế nhưng, dự án chưa đi vào hoạt động thì bà Trâm phải ra tòa hình sự với tội danh lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người cho vay tiền xây trường với lãi suất 3%/tháng.
Đứt đoạn ước mơ trường mới khang trang cho trẻ mầm non Ngày 27/6/2014, TAND tỉnh Lâm Đồng hoãn phiên tòa xét xử vụ án Dương Thị Thùy Trâm, 35 tuổi, TP Đà Lạt, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và sẽ mở lại phiên toàn vào ngày 30/6/2014. Nguyên do cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi người tiến hành tố tụng quá gấp trong sáng 27-6 nên luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) công an tỉnh Lâm Đồng, bà Trâm có hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Đậu Thị Hoa. Trong thời gian tháng 3/2011, bà Trâm vay 160 triệu đồng của bà Hoa. Tiếp đó, do cần tiền xây dựng trường mầm non, Trâm tiếp tục vay tiền bà Hoa với hình thức thế chấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của bà Xuân Thị Đến (Giấy CNQSDĐ này do con bà Đến thế chấp cho Trâm).
Vì nôn nóng cần tiền xây trường cho kịp tiến độ đưa vào sử dụng hoạt động trong tháng 9/2014 và để tạo lòng tin cho bà Hoa, bà Trâm đã nhờ hai người đóng giả bà Đến (mẹ chồng Trâm) và một người là chồng Trâm tên Nguyễn Thế Trường đến nhà bà Hoa vay 600 triệu đồng. Tại nhà bà Hoa, Trâm viết giấy mượn tiền và cho hai người đóng giả trên cùng ký vào giấy mượn tiền. Do tin tưởng nên bà Hoa cho Trâm mượn tiền.
Cũng theo cơ quan CSĐT do tin tưởng đã có thế chấp giấy CNQSDĐ, nên bà Hoa tiếp tục cho bà Trâm vay tổng cộng là 2,65 tỉ đồng (không kể 160 triệu đồng vay tháng 5-2011) với lãi suất 3%/tháng. Lãi suất 3% cao hơn gấp đôi lãi suất theo quy định của Bộ Luật dân sự tại thời điểm bà Trâm vay. Tổng cộng tiền gốc và lãi bà Trâm mượn của Hoa trên 3,9 tỉ đồng nhưng do khó khăn trong triển khai dự án trường mầm non nên bà Trâm kéo dài thời gian trả nợ và chỉ trả được 78 triệu đồng tiền lãi. Ngày 13/8/2013, bà Hoa làm đơn tố cáo với công an tỉnh Lâm Đồng về việc bà Trâm vay mượn tiền mà không trả, trốn tránh.
Từ 2,65 tỉ đồng tiền gốc mượn xây ngôi trường này, với lãi suất 3% mỗi tháng, đến nay số nợ đã lên đến 3,9 tỉ đồng. Mặc dù không trốn tránh món nợ này nhưng bà Trâm đã được CQCSĐT tống đạt ra tòa án hình sự với tội danh lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ vào đơn tố cáo của bà Hoa và qua điều tra, Cơ quan CSĐT tỉnh Lâm Đồng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố Trâm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan CSĐT xác định số tiền Trâm chiếm đoạt của bà Hoa trên 2,65 tỉ đồng, còn 160 triệu đồng Trâm vay mượn của bà Hoa chỉ là tranh chấp dân sự giữa hai người nên không đề cập tới.
Mỏng manh ranh giới mượn tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản Bà Trâm xác nhận có vay mượn của bà Hoa như Cơ quan CSĐT kết luận. Tuy nhiên, bà Trâm cho rằng bà không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Do muốn tạo tin tưởng cho chị Hoa nên tôi có nhờ hai người đóng giả là mẹ chồng và chồng để vay mượn tiền” - bà Trâm nói. Theo lời kể của bà Trâm sáng ngày 17/6/2011, khi làm giấy mượn tiền có chữ ký bảo lãnh của hai người đóng giả nhưng bà Hoa không tin tưởng nên không giao tiền. Giấy mượn tiền buổi chiều 17/6/2011 chỉ xác định bà Trâm vay tiền chứ không cần bảo lãnh và xác định giấy mượn tiền buổi sáng không còn giá trị. “Tôi mượn tiền với mục đích kinh doanh, đã hoàn thành dự án nhưng do cơ sở chưa đưa vào hoạt động nên chưa trả tiền bà Hoa đúng thời hạn, chứ tôi không hề lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - bà Trâm nói.
Đối với trường hợp bà Trâm, Luật sư Nguyễn Huỳnh Minh Trang, cho biết theo quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải thỏa mãn 2 dấu hiệu cùng lúc là “hành vi dùng thủ đoạn gian dối” và “ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác”. Nếu chỉ dùng thủ đoạn gian dối hoặc chỉ chiếm đoạt tài sản của người khác với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì không cấu thành tội phạm về tội này. Sáng 17/6/2011, bà Trâm có nhờ người không phải mẹ chồng và chồng để bà Hoa tin tưởng nhưng bà Hoa cũng không tin tưởng và không cho bà Trâm vay. Đến buổi chiều cùng ngày, khi bà Hoa cho bà Trâm vay cũng đã xác nhận chỉ cho bà Trâm vay chứ hoàn toàn không liên quan đến bà Đến và ông Trường. Chứng tỏ bà Hoa không xem mình bị lừa đảo mà hoàn toàn là quan hệ vay mượn tài sản.
Theo đơn tố cáo, bà Hoa cũng xác nhận cho bà Trâm vay để trả nợ và làm ăn. Trên thực tế bà Trâm cũng đã dùng khoản tiền này trả nợ và đầu tư xây dựng cơ sở mầm non như giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp. Việc bà Trâm chưa trả được nợ cũng không phải là dấu hiệu hình sự vì việc sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trường mầm non chưa đưa vào hoạt động nên chưa có nguồn thu trả lại cho bà Hoa (thực tế bà Trâm có trả 78 triệu đồng tiền lãi), đây cũng là quan hệ dân sự.
Trong vụ án này, cơ quan CSĐT kết luận: “do tin tưởng vậy nên bà Hoa cho Trâm vay số tiền 600 triệu, tính lãi suất 3%/tháng và giữ giấy CNQSDĐ… Sau đó, Trâm tiếp tục hỏi vay mượn tiền của bà Hoa”. Từ góc độ pháp lý, luật sư Trang khẳng định: "Như vậy, bà Trâm không có hành vi chiếm đoạt tài sản mà chỉ là quan hệ vay mượn tiền thì việc khởi tố và truy tố bà Trâm là chưa đúng quy định của pháp luật". Do vậy với vụ án trên bà Hoa có quyền khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án để yêu cầu bà Trâm trả nợ.
Thiết nghĩ, với mục đích xây trường cho trẻ em mầm non, việc vay mượn tiền của bà Trâm - chủ đầu tư dự án - nằm trong khả năng có thể chi trả nếu dự án tiếp tục được triển khai và đưa vào sử dụng cho năm học 2014-2015. Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nên tạo điều kiện để người dân tham gia xã hội hóa giáo dục được yên tâm và tin tưởng vào chính sách của địa phương, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao
Theo quan điểm của ông Đinh Văn Quế nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với thỏa thuận với người cho vay (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không coi là chiếm đoạt. Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt; nếu bỏ trốn thì mới coi là chiếm đoạt.
•
Nhất Phiến