Án phạt 200 nghìn:

Làm gì để lấp đầy những khoảng trống pháp lý?

Thứ năm, 28/03/2019 08:54 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hai tuần sau khi án phạt 200 nghìn của Công an quận Thanh Xuân dành cho đối tượng sàm sỡ phụ nữ trong thang máy mà nhiều tờ báo trào phúng gọi là mức phạt vui vẻ. Vụ việc này đã bộc lộ một “khoảng trống” pháp luật chưa thể lấp đầy đối với việc nghiêm trị hành vi quấy rối tình dục.

Hai tuần sau khi án phạt 200 nghìn của Công an quận Thanh Xuân dành cho đối tượng sàm sỡ phụ nữ trong thang máy mà nhiều tờ báo trào phúng gọi là mức phạt vui vẻ, ngày 22/3/2019, Văn phòng Thủ tướng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra xử lý vụ việc này. Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bộ Công an báo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2019. Trước đó, với mức phạt 200 nghìn đồng đối với đối tượng có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn, gây thương tích nhẹ cho cô gái trong thang máy chung cư ở Hà Nội đã thực sự gây bức xúc dư luận và thậm chí đã lên cả báo chí nước ngoài. Qua vụ việc này đã bộc lộ một “khoảng trống” pháp luật đối với việc nghiêm trị hành vi quấy rối tình dục mà chúng ta chưa thể lấp đầy.

Tại sao lại có mức xử phạt 200 nghìn đồng?

Căn cứ của mức xử phạt này chính là Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, mức xử phạt tối đa đối với người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” là 300 ngàn đồng. Ở góc độ pháp luật hiện hành có thể nói việc xử phạt hành chính này là đúng quy định và việc xử phạt hành chính một công dân cũng không thể dựa trên cảm xúc, mà phải dựa trên chứng cứ và quy định của pháp luật.

Điều đáng nói là đây không phải vụ việc đầu tiên gây bức xúc dư luận về sự trừng phạt của pháp luật với người có hành vi sàm sỡ, dâm ô. Vụ việc thầy giáo sờ mông sờ đùi nhiều học sinh lớp 5 xảy ra ở Bắc Giang gây bức xúc xã hội và cha mẹ học sinh là thế, nhưng cơ quan chức năng đã kết luận rằng chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Cũng cần nói thêm rằng, pháp luật hiện nay thực tế chưa có văn bản nào định nghĩa thế nào là dâm ô, ngoài Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV đã hết hiệu lực. Nhưng kể cả nếu còn hiệu lực thì Thông tư liên tịch số 01 cũng chỉ quy định nêu dâm ô là hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó.

Trong khi đó, thầy giáo ở Bắc Giang mới chỉ có hành vi sờ mông, đùi, véo má, véo tai, véo mũi, chưa sờ vào bộ phận sinh dục nên khó để truy cứu trách nhiệm hình sự người này. Liên quan đến vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH đã đặt câu hỏi: “Thông tư liên tịch số 01 định nghĩa dâm ô là hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em. Vậy bộ phận kích thích tình dục không phải là vùng mông, vùng đùi thì là đâu?”.

Ảnh min họa (Nguồn: Internet)

Ảnh min họa (Nguồn: Internet)

Đề nghị sửa Bộ luật Hình sự

Ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự - TAND Tối cao cho biết, pháp luật hình sự hiện không đưa hành vi quấy rối tình dục vào các điều khoản để quy tội. Cơ quan chức năng xử lý người có hành vi này chỉ căn cứ vào Nghị định 167. Vì vậy, ông Quế đề xuất, cần nâng mức xử phạt hành chính hành vi quấy rối tình dục thông qua việc sửa nghị định hoặc nghiên cứu, xem xét dâm ô người lớn cũng là một loại tội phạm.

Liên quan vụ việc này, Csaga – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên cho biết, vừa có thư kiến nghị đề xuất Quốc hội Việt Nam xây dựng các quy định pháp lý, chính sách mới để ngăn ngừa bạo lực tình dục. Theo Csaga, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định pháp luật đầy đủ, hiệu quả về quấy rối tình dục. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh như: Không có định nghĩa, phân loại và các biện pháp chế tài để xử lý các hành vi quấy rối tình dục trong văn bản pháp luật mà chỉ có trong Bộ Quy tắc Ứng xử Phòng chống Quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Quy định cấm quấy rối tình dục chỉ xuất hiện trong Bộ Luật Lao động, trong khi hành vi này diễn ra ở mọi nơi, như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác. Bộ Luật Hình sự cũng không quy định xử lý các hành vi quấy rối tình dục xâm phạm nhân phẩm của cá nhân. Trong khi quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Dân sự, đối với các tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm - không tương xứng với mức độ tổn thất của nạn nhân quấy rối tình dục.

Từ những phân tích trên, Csaga kiến nghị Quốc hội nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh các điều luật phù hợp, để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực tình dục. Trong đó, có các quy định rõ ràng, chính xác về quấy rối tình dục. Có chế tài, biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của các hành vi quấy rối tình dục, để đảm bảo mọi hành vi bạo lực tình dục đối với nạn nhân, ở bất cứ độ tuổi, giới, xu hướng tính dục nào đều phải bị trừng phạt thích đáng. Sửa đổi Bộ luật Hình sự, thêm tội danh mới về quấy rối tình  dục.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

“Thực hiện đúng pháp luật nhưng quy định nào không hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ!”. Tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu như vậy sau khi nghe các bộ trưởng trả lời chất vấn về các vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu Quốc hội nêu ra, trong đó nổi lên 2 vấn đề “nóng” là chuyện đổi 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng và chuyện dự thảo quy định HS, SV bán dâm 4 lần mới bị đuổi học.

Yêu cầu đó của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - một lần nữa lại được các cơ quan truyền thông nhắc lại khi một người đàn ông dùng vũ lực cưỡng hôn một nữ SV trong thang máy chung cư Golden Palm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chỉ bị phạt 200 ngàn đồng. Một mức phạt rất “đúng quy định” nhưng đã lỗi thời, gây bức xúc trong dư luận. Sự chậm trễ trong việc điều chỉnh Nghị định 167/2013/NĐ-CP như đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đánh giá đã vô tình biến pháp luật thành trò đùa, sự nhạo báng đối với nhân phẩm và danh dự con người, còn Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thì yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa quy định cho phù hợp với thực tiễn, đủ sức răn đe các hành vi tương tự.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận nóng lên với những quy định “khó hiểu” như vậy. Nhiều vụ việc gần đây cho thấy một số chính sách, điều khoản pháp luật không còn phù hợp với đời sống thực tiễn, đã phải dừng hoặc bị hủy bỏ. Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều văn bản pháp luật ở nước ta có vòng đời ngắn, thiếu tính khả thi, mới ban hành chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế; Không ít văn bản không phù hợp với thực tiễn, xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành khiến người dân mất niềm tin vào pháp luật, dẫn đến việc nhờn luật. Nổi cộm lên trong số đó là do đội ngũ soạn thảo pháp luật thiếu chuyên nghiệp, xây dựng chính sách nhiều lúc chỉ nhìn trên lý thuyết, thiếu chất liệu cuộc sống, dẫn đến việc đưa ra các quy định xa rời thực tế. Đó là chưa nói đến việc một số bộ ngành cố lồng quyền lợi của bộ, ngành mình vào, đẩy cái khó về phía người dân.

Pháp luật bất hợp lý, lỗi thời thì phải sửa và phải sửa nhanh cho dân nhờ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lưu ý. Nhưng, sẽ hợp lý và đỡ vất vả hơn rất nhiều nếu như ngay từ đầu các văn bản pháp luật được xây dựng sát sườn với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan cuộc sống, tổ chức điều tra thăm dò dư luận một cách khoa học để cơ quan quản lý nắm được ý nguyện của người dân - đối tượng sẽ thực hiện chính sách và ý kiến của các nhà chuyên môn, nâng cao chất lượng của công tác đánh giá tác động của chính sách. “Tuổi thọ” của các văn bản pháp luật ở nước ta sẽ cao hơn, không phải sửa đổi, bổ sung, thay thế nếu như các cơ quan quản lý đẩy mạnh các hoạt động “tiếp thị” đưa cuộc sống vào chính sách. Chỉ khi nào chúng ta đưa được cuộc sống vào chính sách thì khi ấy chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.

Khánh An

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn