'Lạm phát chữ S', nỗi ám ảnh đang trở lại với nước Mỹ

Thứ ba, 31/05/2022 18:11 PM - 0 Trả lời

(CLO) Lạm phát chữ S, lạm phát đình trệ hay đình lạm theo thuật ngữ kinh tế là điều có thể nói tồi tệ nhất đối với một nền kinh tế. Và viễn cảnh đáng sợ này đang trở lại với nước Mỹ sau 50 năm.

Lạm phát chữ S là gì?

Đối với nhiều người Mỹ ở một độ tuổi nhất định, lạm phát “chữ S” thường gợi lại những ký ức về những hàng dài xếp hàng tại các trạm xăng, các nhà máy, công xưởng… Lạm phát đình trệ là điều cay đắng nhất đối với một nền kinh tế. Nó xảy ra khi lạm phát cao kết hợp với thị trường việc làm yếu kém tạo ra một sự kết hợp độc hại, gây khốn khổ với người tiêu dùng và khiến các nhà kinh tế hoang mang.

lam phat chu s noi am anh dang tro lai voi nuoc my hinh 1

Nền kinh tế Mỹ từng rơi vào tình trạng đình lạm vào những năm 1970. Ảnh: AP

Thực ra, trong nhiều thập kỷ, hầu hết các nhà kinh tế học từng không nghĩ rằng lại có một kiểu lạm phát như vậy. Từ lâu, họ từng cho rằng lạm phát sẽ chỉ tăng cao khi nền kinh tế mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng kiểu lạm phát như vậy đã từng xuất hiện và hiện đang tái hiện một cách kỳ quái với nền kinh tế Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Giới kinh tế gọi vấn đề này bằng thuật ngữ Đình lạm (Stagflation).

Theo biểu đồ đường cong Phillips của kinh tế học Keynes, có sự trái chiều giữa tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp. Điều này hàm ý rằng nếu kinh tế đình trệ thì cũng không thể có lạm phát cao. Tuy nhiên, kinh tế Anh thập niên 1960 và 1970, kinh tế Mỹ đầu thập niên 1970 cho thấy mặc dù kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, song lạm phát lại vẫn không hề hạ xuống.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhắc nhở về khái niệm đình lạm trong một cuộc họp báo: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đang đầy thách thức và không chắc chắn, giá lương thực và năng lượng cao hơn đang gây ra tác động đình lạm, cụ thể là làm giảm sản lượng, trong khi chi tiêu và lạm phát gia tăng trên toàn thế giới”.

Hay vào hồi giữa tháng này, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke nói với The New York Times rằng: “Lạm phát vẫn còn quá cao dù nó sẽ giảm xuống. Vì vậy, cần có một khoảng thời gian trong một hoặc hai năm tới mà tăng trưởng vẫn thấp, tỷ lệ thất nghiệp ít nhất là tăng lên một chút và lạm phát vẫn ở mức cao. Bạn có thể gọi đó là đình lạm”.

Thực ra, không có định nghĩa chính thức hoặc ngưỡng cụ thể để xác định một nền kinh tế đã rơi vào tình trạng đình lạm hay chưa. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, đưa ra một tiêu chuẩn của riêng mình: Đình lạm đến với Mỹ khi tỷ lệ thất nghiệp đạt ít nhất 5% và giá tiêu dùng tăng 5% hoặc hơn so với một năm trước đó.

Tuy nhiên đối với Liên minh châu Âu, nơi tỷ lệ thất nghiệp thường cao, thì ngưỡng của Zandi lại khác: Tỷ lệ thất nghiệp 9% và lạm phát 4% so với cùng kỳ năm trước. Theo quan điểm của ông, sẽ kết hợp này sẽ gây ra lạm phát đình trệ đối với các quốc gia tại lục địa già.

Thông thường, khi nền kinh tế suy yếu và nhiều người không có việc làm, các doanh nghiệp khó tăng giá. Vì vậy lạm phát nên duy trì ở mức thấp. Tương tự như vậy, khi nền kinh tế đủ nóng để các doanh nghiệp thực hiện các đợt tăng giá lớn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức khá thấp.

Song bằng cách nào đó, thực tế lại không chỉ đơn giản như vậy. Và thường thì yếu tố phá vỡ quy luật trên là một cú sốc về nguồn cung - chẳng hạn như chi phí nguyên liệu thô tăng cao, vừa gây ra lạm phát và vừa khiến người tiêu dùng có ít tiền để thúc đẩy nền kinh tế. Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào những năm 1970 và đang diễn ra vào thời điểm này!

Cách đây 50 năm, Ả Rập Xê Út và các nước sản xuất dầu khác đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ và các nước khác ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Giá dầu tăng và ở mức cao. Nhiều người không thể chi trả được chi phí sinh hoạt. Nền kinh tế rơi vào cảnh đình trệ.

Từ năm 1974 đến 1982, lạm phát và thất nghiệp ở Mỹ đều đạt mức từ 5% trở lên. Sự kết hợp của hai số liệu, được gọi là "chỉ số khốn khổ", đạt đỉnh cao nhất là 20,6% vào năm 1980.

Lạm phát đình trệ đã trở thành một đặc điểm nổi bật của những năm 1970. Các nhà chính trị đã chiến đấu trong vô vọng để giải quyết vấn đề. Cụ thể, Tổng thống Richard Nixon đã sử dụng đến các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả. Sau đó, chính quyền Tổng thống Gerald Ford đã đưa ra các thông điệp: "Hiện nay lạm phát bằng roi".

Đình lạm đã tái hiện hay chưa?

Hiện tại, các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ có đủ sức mạnh để tránh suy thoái. Nhưng các vấn đề đang chồng chất. Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và sự gián đoạn từ cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã khiến giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,3% trong tháng 4 so với một năm trước đó, vốn theo sau mức cao kỷ lục trong 41 năm được thiết lập vào tháng 3 trước đó.

lam phat chu s noi am anh dang tro lai voi nuoc my hinh 2

Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga từ phương Tây đã gây ra những cú sốc về nguồn cùng, đẩy lạm phát lên cao. Ảnh: Reuters

Các nhà phê bình cũng đổ lỗi cho kế hoạch kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden vào tháng 3 năm 2021 vì đã làm nóng nền kinh tế vốn đã quá nóng. Để rồi, khi cuộc chiến bất ngờ xảy ra ở Ukraine mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn. Hai yếu tố này vừa đẩy giá cả lên cao, vừa khiến người Mỹ “không có nhiều việc để làm” bởi các doanh nghiệp thiếu nguồn cung.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “sự trì trệ” vẫn chưa thực sự đến. Song rủi ro đang tích tụ. Lo ngại về lạm phát đình trệ tiềm ẩn cũng vậy. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã thừa nhận trong tháng này rằng ngân hàng trung ương có thể không thể tránh được suy thoái. Ông nói với “Marketplace” của American Public Media rằng ông lo lắng về “những yếu tố mà chúng ta không kiểm soát được. Đó là xung đột Nga - Ukraine, suy thoái ở Trung Quốc, tình hình đại dịch kéo dài”.

Đồng thời, lạm phát đã làm xói mòn sức mua của người Mỹ: Giá cả đã tăng nhanh hơn mức tăng tiền lương trong 13 tháng liên tiếp. Tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch. Châu Âu thậm chí còn dễ bị đình lạm hơn. Giá năng lượng ở đó đã tăng chóng mặt kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở 27 quốc gia EU đang là 6,2%.

Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ gần như đã ngăn chặn được lạm phát. Vào đầu những năm 1980, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã tăng lãi suất lên cao để chống lạm phát - đỉnh điểm là 19% vào năm 1981. Dù gây ra một số vấn đề, song ông Volcker đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất, khi đã giúp nước Mỹ thoát khỏi tình trạng đình lạm của nền kinh tế.

Và giờ sau hàng chục năm, một lần nữa nước Mỹ, cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới như Liên minh châu Âu, lại đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh đình lạm. Thậm chí, mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn, khi mà cú sốc nguồn cung lần này còn đến từ nhiều phía: từ cuộc chiến ở Ukraine, chiến lược zero-Covid tại Trung Quốc cho đến các cơn mưa trừng phạt không ngớt mà phương Tây đang trút vào nền kinh tế Nga.

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

(CLO) Con tàu container làm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) không chỉ gây tắc nghẽn một cảng sầm uất mà còn nhắc nhở về sự mong manh, dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

(CLO) Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã sập vào sáng sớm ngày 26/3 do bị một tàu chở hàng container đâm vào trụ cầu, khiến 6 người rơi xuống làn nước lạnh giá bên dưới và mất tích.

Tiêu điểm Quốc tế
Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Tiêu điểm Quốc tế
Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

(CLO) Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.

Tiêu điểm Quốc tế
ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

(CLO) Chi nhánh IS ở Afghanistan - hay còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Moscow hôm 22/3. Vậy nhóm khủng bố này có gì đặc biệt và vì sao chúng lại ra tay?

Tiêu điểm Quốc tế