Lạm phát của Đức tăng cao nhất trong 28 năm do giá năng lượng tăng
(CLO) Lạm phát ở Đức tiếp tục tăng trong tháng 9, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 4% kể từ năm 1993. Điều này xuất phát từ những biến động của thị trường năng lượng châu Âu và thế giới trong thời gian qua.
Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho biết lạm phát của Đức tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9. Đây là mức tăng lạm phát nhanh nhất trong gần 28 năm.

Lạm phát tại Đức ở mức cao nhất kể từ năm 1993 - Ảnh: DW
Khi lạm phát tăng, sức mua của người tiêu dùng bị suy yếu và tiền tiết kiệm giảm giá trị.
Dữ liệu chính thức cho thấy giá năng lượng cao hơn và tắc nghẽn nguồn cung đã kết hợp với việc nâng giá tiêu dùng một cách đều đặn, đẩy lạm phát lên cao. Nhưng việc rút thuế Giá trị gia tăng tạm thời liên quan đến đại dịch vào tháng Giêng cũng có tác động, khiến hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt hơn kể từ đó.
Theo ước tính đầu tiên từ Destatis, lạm phát ở Đức đã tăng mạnh trong tháng thứ ba liên tiếp. Dữ liệu cho thấy giá năng lượng và thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát.
Vòng xoáy lạm phát không được mong đợi
Các nhà kinh tế kỳ vọng giá tiêu dùng ở Đức sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, với một số dự đoán tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 5%.
Ngân hàng Bundesbank tuần này cho biết lạm phát của Đức có khả năng sẽ duy trì trên 2% cho đến giữa năm 2022, vượt mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu đối với khu vực đồng euro.
Nhưng điều này không tự động có nghĩa là một vòng xoáy lạm phát kéo dài đang nằm trong lá bài của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các nhà phân tích coi sự gia tăng lạm phát là một hiện tượng tạm thời, khi nền kinh tế toàn cầu từ từ trở lại bình thường, sau đại dịch COVID-19.
Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng cho biết xu hướng lạm phát gia tăng hiện nay, vượt mục tiêu 2% của ngân hàng là do các yếu tố tạm thời và cảnh báo không "phản ứng quá mức" với lạm phát cao do thiếu hụt nguồn cung.
Việc lạm phát lên cao gây áp lực cho chính phủ mới sẽ được thành lập sau cuộc bầu cử Đức diễn ra ngày 26/9 vừa qua. Liên minh đảng nào đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ sẽ phải giải quyết những vấn đề về kinh tế cũng như tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19.
Nguyễn Hoàng (Theo DW)