Làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn để đề xuất chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa
(CLO) Ngày 19/10, tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ tư. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, kịp thời trong hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Mặc dù khối lượng công việc lớn, các lĩnh vực phụ trách rộng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn đầu năm, nhưng Ủy ban đã tiếp tục có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo.
Thường trực Ủy ban tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức, điều hành các công việc; giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan; phát huy được trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tham gia vào công tác chuyên môn của Ủy ban.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, từ nay tới cuối năm, Ủy ban tiếp tục nỗ lực, tập trung hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022, nhất là chủ trì, phối hợp tổ chức thành công Hội thảo văn hóa 2022. Đây là Hội thảo lớn, nội dung quan trọng, nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Qua đó, tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đặt yêu cầu cao đối với chất lượng xây dựng các dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thường xuyên yêu cầu và chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội. Vì thế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục quán triệt tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về công tác chuẩn bị xây dựng Luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật lớn, đặc biệt quan trọng, nội dung phức tạp, nhạy cảm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch riêng để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại ba kỳ họp; trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao thẩm tra về các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, thể thao, du lịch; đất sử dụng đa mục đích. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, các thành viên Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, sử dụng đất ở địa phương, cơ quan, đơn vị của mình, nhất là các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.