Làm rõ vấn đề bảo vệ cá nhân, “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng”

02/02/2023 15:24

(CLO) Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 9 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó có 2 vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tới đây.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng 5/2023).

Đề cập về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Ban soạn thảo của Bộ Công Thương, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế để làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Sau khi thống nhất với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 9 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; trong đó, có 2 vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp diễn ra vào tháng 2/2023.

Cụ thể, vấn đề thứ nhất là, về khái niệm người tiêu dùng, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành sự cần thiết quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

lam ro van de bao ve ca nhan to chuc trong khai niem nguoi tieu dung hinh 1

Ảnh minh họa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm trường hợp đối tượng là “tổ chức” mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Việc quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức (pháp nhân) sẽ khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân vì không phải lúc nào pháp nhân cũng là chủ thể đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh và hậu quả là nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội. Hơn nữa, quy định này đã có từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa "tổ chức" vào khái niệm "người tiêu dùng" vì tổ chức có pháp nhân, khi mua bán thường với số lượng lớn, nên khi có vấn đề xảy ra thường có nhiều cách giải quyết để bảo vệ quyền lợi của tổ chức mình. Theo báo cáo tổng kết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm áp dụng số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước cũng rất là ít, hơn nữa so với người tiêu dùng cá nhân thì người tiêu dùng là tổ chức, là chủ thể có tương quan cân bằng với bên bán trong việc thực hiện giao dịch mua, bán. Chính vì vậy, dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội tập trung nhiều vào vấn đề bảo vệ cá nhân người tiêu dùng.

lam ro van de bao ve ca nhan to chuc trong khai niem nguoi tieu dung hinh 2

Các quyền của người tiêu dùng (theo Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng năm 2010). Ảnh minh họa.

Vấn đề thứ hai là, về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, qua thảo luận, còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu vẫn chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Công Thương và kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì trong hơn 10 năm thực thi Luật hầu như không có vụ việc tranh chấp người tiêu dùng được giải quyết thông qua Tòa án. Do đó, dự thảo Luật cần có các quy định đặc thù để bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời cần sửa lại để đảm bảo thống nhất với các quy định giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, điều kiện giải quyết vụ việc dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật không thống nhất với quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hơn nữa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung. Trong khi đó, quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Khi giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì phải tuân theo quy định về thủ tục rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm rõ vấn đề bảo vệ cá nhân, “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO