Lạm thu đầu năm: Nỗi ám ảnh khôn nguôi!

Thứ sáu, 11/09/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bao nhiêu năm nay, năm nào chuẩn bị năm học mới, dư luận cũng ồn ào việc lạm thu tiền trường, tiền đồng phục, sách vở... Năm nào ngành GD-ĐT cũng có công văn chấn chỉnh, nhưng rồi “chuyện cũ vẫn tái diễn”.

Mấy ngày nay mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt danh sách SGK lớp 1 của Trường Tiểu học An Phong, Q.8, TP.HCM với tổng chi phí cho một bộ sách lên tới hơn 800.000 đồng. Sự việc này chẳng khác nào giọt nước tràn ly, sự tháo van xả cho bao tâm sự bức xúc của các phụ huynh đang chuẩn bị “sát nút” cho con tựu trường trong một năm dịch giã đầy khó khăn. Thực ra, tiền sách chỉ là một trong nhiều khoản tiền phải đóng đầu năm, vì ngoài tiền sách còn có tiền xây dựng, tiền đồng phục, thậm chí cả tiền “ghế ngồi”… như nhiều báo đã đưa tin. Lạm thu là câu chuyện cũ đã nói hàng chục năm. Bao nhiêu năm nay, năm nào chuẩn bị năm học mới, dư luận cũng ồn ào việc lạm thu tiền trường, tiền đồng phục, sách vở... Năm nào ngành GD-ĐT cũng có công văn chấn chỉnh, nhưng rồi “chuyện cũ vẫn tái diễn”.

Gần 1,2 triệu đồng mua sách

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Cùng với đó, sách giáo khoa (SGK) cho chương trình mới này được xã hội hóa, mức giá tăng so với SGK lớp 1 của năm học trước. Tuy nhiên, theo niêm yết giá của các Nhà xuất bản (NXB), một bộ SGK theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT không quá 200.000 đồng. Ví dụ các bộ SGK lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam có giá từ 179.000 - 194.000 đồng/bộ. Nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 phải chi số tiền gấp nhiều lần như thế do phải “mua kèm” sách bổ trợ, sách tham khảo, tài liệu và đồ dùng học tập.

Báo Công luận

Còn các lớp 2 đến lớp 12 hiện vẫn học theo SGK tương ứng với chương trình cũ do NXB Giáo dục phát hành. Giá một bộ sách trong danh mục bắt buộc của lớp 8 là 135.000 đồng. Nhưng một phụ huynh có con học lớp 8 cho biết đã nhận từ cô giáo chủ nhiệm của con danh mục sách phải mua “khiến nhiều người phát hoảng”. Cụ thể, danh sách liệt kê 39 đầu SGK và sách bổ trợ “bắt buộc mua”, còn 17 đầu sách khác thuộc nhóm “tự chọn”. Tổng số tiền của sách bắt buộc phải mua trên 755.000 đồng, còn số tiền sách “tự chọn” là 434.000 đồng. Tính cả hai loại trong danh mục trên gần 1,2 triệu đồng. Đây mới chỉ là “tiền sách”, chưa kể các loại tiền đầu năm mà một học sinh trung học phải mua như đồng phục, tiền nước sạch, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền hỗ trợ bán trú, học phí...

Ở các lớp bậc trung học, nhất là lớp cuối cấp, hàng chục đầu sách tham khảo được giáo viên hướng dẫn phụ huynh mua, thậm chí nhận “mua giúp”, đồng thời giáo viên sử dụng bài tập, ngữ liệu trong sách tham khảo để dạy, giao bài tập. Việc này khiến phụ huynh buộc phải mua thì con mới có sách học.

Khác với tiểu học không có “vở bài tập in” nhưng môn học nào trong danh mục sách trên cũng có kèm theo các loại sách bài tập, bài tập nâng cao, luyện giải toán qua Internet, thực hành toán theo phương pháp dạy học tích cực, thực hành kiểm tra đánh giá năng lực, giới thiệu bộ đề thi...

Chuyện buộc học sinh (HS) mua sách tham khảo cùng với SGK theo kiểu “bia kèm lạc” tồn tại tới cả chục năm qua, nhưng dường như chưa có cách nào chấm dứt hay người trong cuộc chưa muốn... dứt?

Báo Công luận

Việc phát hành sách tham khảo lâu nay vốn được coi là “mảnh đất màu mỡ” của các nhà xuất bản (NXB) sách giáo dục. NXB SGK vẫn liên tục kêu lỗ mỗi năm hàng chục tỷ đồng, nhưng “vì nhiệm vụ họ phải làm”. Nghe thật ái ngại nhưng ai làm trong ngành cũng hiểu, NXB ấy vẫn sống khỏe, sống tốt nhờ hệ thống sách tham khảo bán kèm với SGK.

Việc trường tiểu học ở TP.HCM đưa ra một danh sách lê thê các cuốn sách mà HS lớp 1 cần mua cho năm học tới, trong đó SGK thì ít mà sách tham khảo, vở bài tập... thì nhiều, chính là một trong những “chiêu trò” để bán sách. Phụ huynh chỉ chóng mặt khi thấy số tiền là hơn 800.000 đồng chứ không phải ai cũng biết trong số 23 cuốn sách ấy, cuốn nào là bắt buộc phải có, cuốn nào không. Với họ, tất cả là bắt buộc. Họ chỉ thắc mắc sao lớp 1 mà nhiều sách thế, tốn tiền thế?

Không ai phủ nhận việc cần thiết của những cuốn sách ngoài SGK. Thế nhưng, đó phải là những cuốn sách đủ tốt, đủ hữu ích để người dạy, người học phải tự tìm mua, tìm đọc.

Việc phát hành SGK và sách tham khảo thông qua kênh nhà trường luôn luôn có “hoa hồng”. Với SGK thì các năm trước chỉ khoảng 5 - 10% nhưng sách tham khảo thì việc chi hoa hồng cho nhà trường 20 - 30% là chuyện bình thường vì SGK là mặt hàng được quản lý về giá, còn sách tham khảo thì không. Đội giá lên rồi chi mạnh tay cho hoa hồng phát hành, các NXB được lợi, nhà trường bán càng nhiều càng “lãi”. Chỉ phụ huynh và HS là... lỗ nặng.

Ồn ào trên mạng xã hội, báo chí vào cuộc, Bộ GD&ĐT, như thường lệ, lại có văn bản chấn chỉnh. Văn bản nói HS lớp 1 chỉ cần đâu đó 8 - 9 cuốn sách bắt buộc chứ không phải là 23 như trường nọ yêu cầu. Còn phụ huynh chỉ còn biết thở dài ngao ngán: giá mà trước khi HS nhập học, trước khi phụ huynh phải mua sách vở cho con, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục sách vở bắt buộc cho HS từng khối lớp, công khai để ai cũng biết thì đâu đến nỗi!

Tự nguyện phải trên tinh thần… tự nguyện

Việc vận động xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn của các địa phương và ngành giáo dục. Bởi, thực tế ngân sách dành cho giáo dục vẫn còn nhiều thiếu thốn mà trường học lại cần đầu tư nhiều hạng mục, cần giúp đỡ học sinh nghèo.

Nhưng, tự nguyện phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh chứ không thể là tự nguyện bắt buộc, chia đều trên đầu học sinh.

Đó là, những cá nhân, tổ chức có điều kiện thì họ đóng góp cho các nhà trường và không ràng buộc bởi lý do nào.

Tự nguyện của phụ huynh cũng vậy, cái phụ huynh cần là những đồng tiền mà họ đóng góp sẽ được chi vào mục đích gì và có được công khai, minh bạch hay không.

Báo Công luận

Tự nguyện có nghĩa là phụ huynh có thể tự đóng góp, chung tay với nhà trường trong khả năng có thể để lo cho con em mình được học tập, vui chơi tốt hơn. Và, số tiền tự nguyện thì phụ huynh có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

Tự nguyện là Ban Giám hiệu không khoán chỉ tiêu, không chia đều cho các lớp rồi mượn tay của Hội cha mẹ học sinh hay giáo viên chủ nhiệm đứng ra đảm nhận công việc vận động đóng góp và thu tiền.

Nếu êm đẹp thì không sao, nếu có chuyện xảy ra lại đẩy trách nhiệm cho Hội cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Còn mình là giả đò không biết, lại cho là người này, ban kia đứng ra vận động chứ nhà trường…không có chủ trương.

Đừng để năm nào Bộ, Sở cũng phải ra công văn cấm nhưng lạm thu vẫn hoàn lạm thu. Lạm thu từ tờ giấy kiểm tra của học trò đến hàng chục thứ dịch vụ, các khoản vận động đóng góp ở trong các nhà trường.

Việc vận động xã hội hóa giáo dục là cần thiết nhưng nhà trường phải có kế hoạch cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường phải ký tên, đóng dấu và nội dung các kế hoạch này đã được thảo luận kỹ càng với Hội cha mẹ học sinh, Hội đồng sư phạm nhà trường và sự cho phép của địa phương và lãnh đạo ngành.

Đừng để những khoản tiền trường trở thành nỗi ám ảnh phụ huynh, đừng để phụ huynh phải né tránh những buổi họp phụ huynh của lớp - đó là điều mà phụ huynh học sinh mong muốn nhất.

Đề nghị thanh tra cơ sở vi phạm quy định SGK

Ngày 7/9, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - ký văn bản gửi các sở GD&ĐT đề nghị thực hiện một số nội dung liên quan tới trang bị SGK, tài liệu tham khảo.

Theo đó, lãnh đạo Bộ đề nghị các Sở kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK, tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và báo cáo về Bộ trước 20/9.

Văn bản cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các nhà trường. Tuyệt đối cấm ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh học sinh tự mua sắm đồ dùng học tập theo nhu cầu thực tế, không bắt buộc.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn