Xã hội

Lần đầu tiên, cấp xã được bổ sung 2 nhiệm vụ mới trong quản lý giáo dục

Hồng Phúc 05/07/2025 14:38

(CLO) Lần đầu tiên, chính quyền cấp xã được giao thêm 2 nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục, đây là điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến để thay thế Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT, với nhiều điểm mới đáng chú ý về phân định thẩm quyền và nhiệm vụ trong quản lý giáo dục giữa các cấp chính quyền. Dự thảo được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi từ xã hội.

1.jpg
Dự thảo Thông tư mới làm rõ phân quyền, phân cấp, tạo thuận lợi cho địa phương chủ động trong quản lý nhân sự ngành giáo dục.

Dự thảo này nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP và Nghị định số 143/2025/NĐ-CP, mở rộng phạm vi phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, với tinh thần trao quyền nhiều hơn cho địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh và cấp xã.

Điểm mới khác đáng chú ý là việc bổ sung nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND cấp xã, điều chưa từng có trong các quy định trước đây.

Theo dự thảo, bộ phận chuyên môn về giáo dục thuộc phòng Văn hóa – Xã hội cấp xã sẽ tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã trong hai nội dung quan trọng:

  • Một là, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, kéo dài thời gian công tác… đối với người đứng đầu và cấp phó các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
  • Hai là, quyết định thành lập, công nhận hoặc miễn nhiệm hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục công lập và tư thục.

Việc giao nhiệm vụ mới cho cấp xã thể hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, sát thực tiễn, linh hoạt theo địa bàn, đồng thời tăng cường trách nhiệm và quyền chủ động cho chính quyền cơ sở trong quản lý nhà nước về giáo dục.

2.jpg
Theo dự thảo Thông tư, Sở GDĐT sẽ đảm nhiệm toàn diện việc quản lý đội ngũ giáo viên và nhân sự ngành giáo dục ở tất cả các cấp học.

Một trong những thay đổi nổi bật của dự thảo Thông tư là việc trao thêm thẩm quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo, cụ thể được giao tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện 7 nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bao gồm:

  1. Công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ;
  2. Cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông do tổ chức quốc tế hoặc cơ quan ngoại giao thành lập;
  3. Chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục nêu trên sang hoạt động không vì lợi nhuận;
  4. Phê duyệt liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế;
  5. Cấp phép hoạt động cho văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam;
  6. Giải quyết toàn bộ thủ tục liên quan đến văn phòng đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài;
  7. Đánh giá điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT sẽ trực tiếp đảm nhận toàn bộ công tác nhân sự trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, bao gồm tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, điều động, đào tạo – bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động. Đây là bước chuyển quan trọng, thay đổi cơ bản cách thức phân cấp hiện nay, khi nhiều nhiệm vụ từng thuộc thẩm quyền cấp huyện và phòng GD&ĐT.

Việc Bộ GD&ĐT đề xuất mở rộng phạm vi phân quyền trong dự thảo Thông tư lần này là một bước đi cụ thể hóa định hướng cải cách thể chế và đổi mới quản trị giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ.

Không chỉ giải tỏa áp lực công việc ở cấp Trung ương, dự thảo còn tạo điều kiện để chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, chủ động và linh hoạt hơn trong triển khai chính sách, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục – đào tạo phù hợp với đặc thù địa bàn.

3.jpg
Lần đầu tiên, Chủ tịch UBND cấp xã được giao thêm nhiệm vụ quan trọng trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ sở giáo dục công lập.

Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân và chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Thông tư, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay. Khi chính thức có hiệu lực, văn bản này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho một nền quản lý giáo dục hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi trong ngành giáo dục.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lần đầu tiên, cấp xã được bổ sung 2 nhiệm vụ mới trong quản lý giáo dục
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO