Lần đầu tiên tại Việt Nam, xuất hiện ngành đại học tích hợp quản trị – y tế – công nghệ – tâm lý
(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chính thức triển khai ngành Quản trị dịch vụ khách hàng và chăm sóc sức khỏe – thuộc Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB).
Đây là chương trình đào tạo chính quy đầu tiên tại Việt Nam tích hợp đa lĩnh vực: quản trị, y tế, công nghệ và tâm lý.
Theo PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng HSB, chương trình được xây dựng nhằm đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới có khả năng điều phối dịch vụ, tư vấn trải nghiệm và quản trị vận hành trong các lĩnh vực như bệnh viện, viện dưỡng lão, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mô hình dạy và học này tiên phong hướng đến nghề nghiệp bền vững, nhân văn và không thể bị AI thay thế.

Từ thực tiễn giảng dạy, nhà trường nhận thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực liên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực như nghiên cứu, điều phối rủi ro sức khỏe, triển khai chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là với nhóm dân cư yếu thế như người già, công nhân, trẻ em...
Đáp ứng khoảng trống đó, HSB thiết kế chương trình như một “nền tảng học thuật mới” tích hợp kiến thức quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn với y tế, điều dưỡng, chăm sóc khách hàng, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Bên cạnh kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, sinh viên được đào tạo 6 nhóm kỹ năng nghề nghiệp đặc thù: Tiếng Anh chuyên ngành phục vụ môi trường quốc tế. Vận dụng luật pháp để soạn thảo, đàm phán hợp đồng dịch vụ. Xây dựng và quản trị dự án y tế, từ thiết kế đến vận hành.
Truyền thông – marketing chuyên sâu cho ngành chăm sóc sức khỏe. Quản trị nhân lực y tế tuyển dụng, đánh giá theo chuẩn trong nước và quốc tế. Dự báo – ứng phó rủi ro đe dọa an ninh sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn học các học phần như điều dưỡng cơ bản, dịch tễ học, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em… do các giảng viên từ trường đại học y khoa giảng dạy. Trường cũng khuyến khích sinh viên học thêm chứng chỉ điều dưỡng sơ cấp hoặc y tá sơ cấp để nâng cao năng lực thực hành.
Bên cạnh về đào tạo, nhà trường còn hợp tác với nhiều đối tác quốc tế tại Hàn Quốc, châu Âu… mở rộng cơ hội học bổng, việc làm sau tốt nghiệp.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng trợ lý y tế chuyên nghiệp, có hiểu biết quản lý – công nghệ – y tế đang tăng mạnh, điển hình như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hợp tác với Tập đoàn khách sạn Accor để học hỏi mô hình "quản trị bệnh viện như quản trị khách sạn 5 sao".
"Nghề này không cần đợi tốt nghiệp mới kiếm được việc. Ngay từ năm 3, sinh viên đã có thể thực tập hoặc làm thêm trong các vai trò như medical helper, tư vấn sức khỏe, chăm sóc tại nhà, sơ cấp cứu ban đầu", ông Hoàng Đình Phi nhấn mạnh.
Với phương châm đào tạo cá nhân hóa cao, chương trình hướng tới việc giúp sinh viên trở thành chuyên gia chăm sóc sức khỏe toàn diện, không chỉ phục vụ cộng đồng mà còn biết cách chăm sóc chính gia đình mình – từ ông bà, cha mẹ đến con cái.
Ngành học kết hợp giữa trí tuệ, cảm xúc, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp – điều mà không một hệ thống máy móc hay trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế.
* Năm 2024, điểm chuẩn tuyển sinh của Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội dao động từ 21-22 điểm.

Năm 2025, Trường Quản trị và Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng bốn phương thức tuyển sinh đại học chính quy trong nước.

Cụ thể, trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (mã phương thức 301); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (mã 100), trong đó cho phép quy đổi chứng chỉ IELTS hoặc tương đương để thay thế điểm thi môn tiếng Anh; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) còn hiệu lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (mã 401); và xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ IELTS hoặc tương đương với điểm học tập THPT của hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển, áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp năm 2025 (mã 410).
Đối với chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Đại học Victoria (New Zealand), thí sinh có thể xét tuyển dựa trên bằng tốt nghiệp THPT, điểm trung bình lớp 12 và chứng chỉ tiếng Anh, hoặc sử dụng điểm thi A-Level.