Dự án - Đầu tư

Làn sóng M&A bất động sản tăng tốc nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp ngoại dẫn dắt đường đua

An Vũ 22/07/2025 15:19

(CLO) Nửa đầu năm 2025, thị trường bất động sản chứng kiến một làn sóng sôi động của hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A). Trong khi nhà đầu tư ngoại tích cực săn dự án pháp lý sạch, thì doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thâu tóm quỹ đất, tạo nên làn sóng chuyển động âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Từ các “ông lớn” ngoại đến cuộc đua nội địa

Theo báo cáo từ JLL Việt Nam, tổng giá trị giao dịch của các thương vụ M&A bất động sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này cho thấy dòng vốn đầu tư đang quay trở lại thị trường, đồng thời phản ánh xu hướng cơ cấu lại danh mục và chiến lược dài hạn của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ở nhóm nhà đầu tư ngoại, nhiều thương vụ lớn đã được ký kết, cho thấy niềm tin dài hạn vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, CapitaLand (Singapore) đã mua lại 25 ha đất tại phân khu Hải Đăng thuộc khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên) để phát triển dự án The Fulton với tổng mức đầu tư lên tới 800 triệu USD. Đây là một trong những thương vụ có quy mô lớn nhất kể từ đầu năm, cả về giá trị chuyển nhượng và quy mô dự án.

Cau Giay23
Thị trường M&A sôi động với dòng vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh minh họa)

Một thương vụ lớn khác là việc Keppel (Singapore) chuyển nhượng 42% cổ phần tại Công ty Nam Rạch Chiếc – chủ đầu tư dự án Palm City (TP.HCM) cho Gateway Thủ Thiêm, thành viên của Hướng Việt Holdings, với giá trị giao dịch lên tới 2.612 tỷ đồng.

Các thương hiệu bất động sản lớn đến từ Nhật Bản như Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Urban Development cũng hợp tác với Kim Oanh Group để phát triển dự án The One World. Ngoài ra, Nishi Nippon Railroad đã mua 25% cổ phần tại dự án Paragon Đại Phước từ Nam Long, mở rộng dấu ấn tại thị trường nhà ở ven đô TP.HCM.

Ông Lê Bảo Nam – một môi giới dự án tại TP.HCM cho biết, thị trường phía Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản. Điểm chung là các bên mua đều yêu cầu dự án phải có hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh. Đây là yếu tố then chốt quyết định khả năng “xuống tiền”.

Thị trường vắng bóng các "đại gia" truyền thống

Không chỉ doanh nghiệp ngoại, các nhà đầu tư trong nước cũng đang tăng tốc thâu tóm quỹ đất, đặc biệt tại các khu vực trung tâm và vùng phát triển đô thị mới. Sun Group ghi dấu ấn khi mua lại lô đất rộng 2,5 ha (ký hiệu A1-2) tại khu đô thị mới Cầu Giấy từ CTX Holdings, để phát triển tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Sun Felia Suites.

Sunshine Group cũng gây chú ý khi mua lại 55 ha đất tại khu đô thị sinh thái Văn Giang (Hưng Yên), nay được giới thiệu dưới tên thương mại Alluvia City, từ tay Xuân Cầu Holdings. Thị trường phía Bắc còn ghi nhận thương vụ Anpha Holdings chi hơn 2.400 tỷ đồng để mua lại 23,06% cổ phần của Vinaconex ITC, đơn vị sở hữu Dự án Cát Bà Amatina quy mô lớn.

Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương công bố chào bán dự án nhà ở xã hội tại phường Thuận An, TP.HCM, vốn đầu tư 1.123 tỷ đồng. Dự án gồm 20 khối chung cư 4 tầng với tổng số 900 căn hộ, quy mô dân số ước tính khoảng 1.400 người. Giá bán chào mời là 220 tỷ đồng, con số cho thấy tiềm năng sinh lời đáng kể nếu thủ tục pháp lý và xây dựng được đảm bảo tiến độ.

dji_0145.jpg
Thị trường phía Nam đang khá sôi động với các thương vụ M&A

Ở phân khúc bất động sản công nghiệp, Him Lam đang tìm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ Khu công nghiệp Đức Hòa 3 (Tây Ninh) với tổng diện tích gần 7,9 triệu m2. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rao bán hai khu đô thị nhà ở nằm trong khu công nghiệp, gồm Khu đô thị Slico và Resco với tổng mức chào bán lần lượt là 6.680 tỷ đồng và 27.000 tỷ đồng. Đây được xem là các tài sản “khủng”, thu hút nhà đầu tư nhờ vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển mạnh khi dòng vốn đổ về vùng ven đô.

Cùng thời điểm, Công ty Phước Kiểng tại Nhà Bè cũng đang chào bán dự án chung cư đã hoàn thiện pháp lý, quy mô 1,8 ha với mức giá 950 tỷ đồng. Theo thông tin thị trường, Tập đoàn Khải Hoàn Land đang trong quá trình thương thảo để sở hữu dự án này, hứa hẹn kích hoạt thêm một thương vụ lớn ở khu Nam Sài Gòn.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh M&A nửa đầu năm không chỉ là sự quay trở lại của dòng tiền mà còn là sự xuất hiện của nhiều cái tên mới, trong khi các “ông lớn” truyền thống vẫn tỏ ra dè dặt. Thị trường vẫn thiếu vắng sự hiện diện của các tập đoàn trong nước từng “thống lĩnh” sân chơi M&A như Hưng Thịnh, Phát Đạt hay Phúc Khang.

Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp lớn đang tập trung tái cơ cấu tài chính, dồn lực cho các dự án hiện hữu thay vì tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư thông qua M&A. Bên cạnh đó, nhiều dự án được chào bán hiện nay có giá cao hơn mặt bằng chung, lại tồn tại vướng mắc pháp lý như thiếu đất ở hoặc đang trong diện đất sản xuất.

Tuy nhiên, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện sau khi Nghị quyết 171/2024/QH15 được thông qua. Nghị quyết này cho phép thí điểm triển khai dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất hỗn hợp, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp mua lại các quỹ đất vốn là đất sản xuất.

Do đó, dòng tiền vẫn đang chờ cơ hội tại những dự án có tiềm năng. Các doanh nghiệp quy mô vừa sẽ là lực lượng chủ lực trong giai đoạn tới, đặc biệt khi thị trường ổn định pháp lý hơn. Nếu chọn đúng dự án, đúng thời điểm và có chiến lược phát triển phù hợp, nhà đầu tư sẽ tạo được lợi thế dài hạn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làn sóng M&A bất động sản tăng tốc nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp ngoại dẫn dắt đường đua
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO