Lan tỏa tin tốt - tại sao không?

Thứ tư, 06/02/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giữa cuộc sống xô bồ, những người làm báo đang viết nên những nốt nhạc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người. Những bước chân không mỏi, những trái tim yêu thương và những bút lực dồi dào… đã đem đến cho họ những tác phẩm lan tỏa tình yêu, trách nhiệm trong xã hội.

Thời đại số hóa, trang tin, mạng xã hội bùng nổ đồng nghĩa với thông tin muôn nẻo, sự kết nối giữa nhà báo và công chúng báo chí chưa bao giờ dễ dàng như thế. Những bài viết của họ bằng nhiều cách có thể đến với bạn đọc bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu... Cơ hội ấy cần được các nhà báo chớp lấy, để “tròn vai” với trách nhiệm định hướng dư luận xã hội, lan tỏa những tin tốt, lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối, đẩy lùi những tin tức xấu độc... từ đó mang đến cho xã hội những điều tích cực hơn.

Ai sẽ lan truyền được những tin tức chính thống?

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 vừa qua đã đặt ra vấn đề: Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Ông phân tích thêm: Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin. Một số mạng xã hội thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội.

Báo chí đang đứng trước nhiều cơ hội lớn cùng thách thức nặng nề đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo hơn nữa.

Báo chí đang đứng trước nhiều cơ hội lớn cùng thách thức nặng nề đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo hơn nữa.

Điều ấy là thách thức đặt ra với người làm báo trong bối cảnh hiện nay và câu chuyện làm thế nào để tình thế ấy “đảo chiều” luôn là bài toán khó, từng được đặt ra nhiều năm nay nhưng quả thực vẫn luôn là điều trăn trở đối với người làm báo có trách nhiệm. Bởi có một thực tế là chỉ khi chậm lại trong cơn bão số hóa đang cuốn đi thì người làm báo mới đủ tỉnh táo để nhận ra giá trị thực sự của nghề nghiệp, càng trong bão táp càng phải bản lĩnh và vững vàng. Mặc cho những áp lực về tốc độ, mặc cho cơn bão số hóa, người làm báo với “trái tim nóng” vẫn cần tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, lan tỏa những thông tin chính thống, chính xác, “vô hiệu hóa” những tin tức xấu độc, sai sự thật. Đó chính là “con đường sống” cho người cầm bút thời số hóa. Chỉ khi chúng ta trong tâm thế của những người lan truyền thông tin chính thống, thông tin tốt mới là lúc lợi thế thuộc về nhà báo.

Ai sẽ lan truyền được những tin tức chính thống? Là những câu hỏi mà xã hội đặt ra và trách nhiệm ấy thuộc về nhà báo. Bởi nhà báo chính là người cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Tất nhiên, tôi không quá ngợi ca về nghề nghiệp của mình bởi nghề báo cũng như bất cứ nghề nghiệp nào khác cũng đều cao quý, đều gánh vác những sứ mệnh riêng có. Chỉ có điều, đã là người cầm bút thì một trong những tiêu chí quan trọng chính là tìm kiếm sự thật, chỉ có sự thật mới làm nên giá trị của người làm báo. Như nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: “Báo chí đang đứng trước những cơ hội lớn cùng những thách thức nặng nề và gay gắt, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới và sáng tạo hơn nữa. Báo chí không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội bằng sự chính xác, chuẩn mực và trách nhiệm. Độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để xây dựng một đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông  nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong sáng”.

Hơn lúc hết, cần có những bộ lọc thông tin tích cực trên báo chí để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc trên mạng xã hội, báo chí phải đóng vai trò dẫn dắt mạng xã hội vì một môi trường, một hệ sinh thái thông tin lành mạnh, tích cực.

Lan tỏa tin tốt vì một hệ sinh thái thông tin lành mạnh.

Lan tỏa tin tốt vì một hệ sinh thái thông tin lành mạnh.

Bắc những nhịp cầu của sự tử tế

Tôi rất thích câu của nhà văn Pháp Victor Hugo: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”. Trên tinh thần ấy, nhiều cơ quan báo chí đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu, mở nhiều chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp. Nhiều chuyên mục, chương trình có hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và tạo ra được sự thay đổi nhiều số phận con người, nhiều vùng đất và đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng. Và rõ ràng, chỉ trong tích tắc những câu chuyện “người tốt việc tốt” được lan truyền, được like, share, những số phận được cộng đồng mạng góp phần hỗ trợ. Người làm báo trở thành người bắc những nhịp cầu của sự tử tế, chẳng phải rất ý nghĩa hay sao!

Có lẽ đã qua rồi thời kì mà công chúng báo chí ngộp trong tin tức “sốc, sex, sến, cướp, giết, hiếp” tràn lan trên mặt báo. Trong biển thông tin ấy, nhiều đơn vị báo chí đang tự sàng lọc và tìm kiếm những hướng đi, để kéo người đọc gần hơn với người viết. Một trong những lối đi ấy, chính là những chuyên mục được mở ra, những bài báo được viết lên bằng trái tim người cầm bút. Sự ra đời của những chuyên mục, dự án nhân văn cho thấy tính cân bằng thông tin đang ngày càng được quan tâm. Công chúng được thấy những điều đẹp đẽ, nhân văn, có tính hướng thiện. Những tác phẩm viết về những thân phận, những kiếp người, những hoàn cảnh khó khăn… để rồi qua đó, rất nhiều người chung tay giúp đỡ họ, thay đổi cuộc sống của họ. Trên các tờ báo điện tử những câu chuyện tử tế, những cuộc đời, những số phận trên từng trang viết ngày một nhiều hơn. Mỗi một chuyên mục, chương trình được mở ra đều hướng đến một giá trị tử tế nào đó, hướng đến “cứu giúp” cho những số phận không may mắn trong xã hội, những đứa trẻ được đến trường, được có những bữa cơm đủ chất…

“Trên thế giới đang có một xu hướng là constructive journalism. Lâu nay báo chí quá tập trung vào những mặt xấu mà nhiều lúc quên mất những câu chuyện đẹp trên đời. Không có những câu chuyện nhân văn như thế thì chúng ta làm sao còn động lực để sống... Cho nên cần những nội dung báo chí mang tính xây dựng, viết về những điều tốt đẹp” –  nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc TTXVN chia sẻ như vậy trên trang facebook cá nhân của ông. Sau dòng cảm xúc ấy là hàng loạt đường link về các bài viết mà những phóng viên trẻ của báo điện tử VietnamPlus đã dành tâm huyết thực hiện từ năm 2016, cùng sữa Cô gái Hà Lan đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương. Tôi rất ngưỡng mộ những đồng nghiệp ấy, bởi họ đã lựa chọn cho mình một lối đi rất thầm lặng trong “bão công nghệ”, lăn lộn vào cuộc sống ngoài kia đến với từng số phận, để rồi đọc những bài viết được viết bởi những trái tim yêu thương, thật khó cầm được nước mắt.

Giữa cuộc sống xô bồ, những người làm báo đang viết nên những nốt nhạc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người. Những bước chân không mỏi, những trái tim yêu thương và những bút lực dồi dào… đã đem đến cho họ những tác phẩm, những công việc hữu ích, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm trong xã hội. Họ đã làm việc, cống hiến bằng ngòi bút, bằng trái tim và bằng cả niềm tự hào nghề nghiệp cao quý. Để rồi, những thanh âm trong trẻo ấy cứ vang xa, vang mãi, lay động hàng triệu trái tim, thổi bùng lên ngọn lửa thiện nguyện… Những điều ý nghĩa ấy vô cùng có giá trị trong bối cảnh hiện nay, tạo nên những nguồn “năng lượng tốt”, giảm bớt và hạn chế tối đa “năng lượng xấu” trên mạng xã hội. Vậy thì có lí gì, người làm báo không tích cực lan tỏa điều tốt đẹp ấy!

Vân Hà

Tin khác

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

(CLO) Ngày 18/3, Trung tâm Báo chí TP.HCM khai giảng lớp bồi dưỡng người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức từ ngày 18 đến 25/3. Tham gia tập huấn có 300 học viên là cán bộ các sở ngành, UBND quận huyện, phường xã.

Nghề báo
Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

(CLO) Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.

Nghề báo
Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, sáng 16/3 đã diễn ra buổi lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày Chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024: 99 chuyện nghề.

Nghề báo
Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

(CLO) Nhận định chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng "cơ hội chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra".

Nghề báo
Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

(CLO) Tiếp tục nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, sáng 16/3, phiên thảo luận về “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” đã được diễn ra.

Nghề báo