Nghề báo

Lan tỏa xúc cảm và tinh thần đoàn kết dân tộc qua mỗi bức ảnh báo chí

Lê Tâm 07/05/2025 11:11

(CLO) Đối với mỗi phóng viên, tác nghiệp dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vừa là niềm vinh dự tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. Những ngày đó ai cũng mong muốn thông qua tác phẩm của mình để khơi gợi niềm tự hào dân tộc và để viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Hoà chung nhịp đập mừng 50 năm thống nhất non sông

Đối với mỗi phóng viên thời sự, việc chạy đua với thời gian để có tin bài sớm đã là một thử thách lớn họ phải vượt qua, điều này càng đúng hơn với phóng viên ảnh thời sự. Một sự kiện diễn ra thì ngay lập tức họ phải bắt được khoảnh khắc quý giá đồng thời bức ảnh và nội dung miêu tả xoay quanh bức ảnh đó phải được gửi về tòa soạn gần như ngay lập tức. Áp lực về thời gian và chất lượng đòi hỏi mỗi phóng viên phải nhanh nhạy và sắc bén.

ne.jpg
Những bức ảnh nhà báo Duy Hiệu chụp dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Lễ kỷ niệm được diễn ra trong nhiều ngày, trước buổi diễu binh, diễu hành lịch sử, phóng viên có cơ hội làm quen với các buổi tập luyện diễu binh, diễu hành của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tại TP Hồ Chí Minh, nhiều phóng viên đã có cơ hội làm quen trước không khí của dịp kỷ niệm.

Nhà báo Duy Hiệu - Tạp chí Tri Thức (Znews) may mắn được tham gia đưa tin trong sự kiện lớn này, anh đưa tin lần đầu tiên là những đoàn tàu chở quân nhân vào Nam tập luyện phục vụ diễu binh, diễu hành. Anh cũng dành thời gian tham gia các buổi tổng hợp luyện tại các doanh trại quân đội thuộc Quân khu 7, sau đó là tổng hợp luyện tại đường Lê Duẩn. Trong quá trình làm quen, anh nắm bắt được những khu vực được phép di chuyển, lựa chọn khu vực để có được góc máy chụp tốt nhất mà không ảnh hưởng đến hoạt động tập luyện.

Thời điểm kỷ niệm dịp 30/4 trùng với đợt thời tiết nắng nóng, cùng với đó là lượng phương tiện và người dân tham gia sự kiện đông chưa từng có. Đòi hỏi mỗi phóng viên phải cố gắng lựa chọn vị trí phù hợp, làm sao để mỗi bức hình người xem biết ngay đây là TP Hồ Chí Minh trong dịp lễ trọng đại. Nghĩa là bức ảnh phải có phần nền có biểu tượng hay công trình nào đó của thành phố để không lẫn với sự kiện khác. Khu vực tác nghiệp là những tòa nhà mặt tiền có độ cao, có góc chụp để ảnh đẹp sẽ là phương án tốt nhất.

Qua quá trình triển khai nhiệm vụ, nhà báo Duy Hiệu được ban biên tập giao phối hợp với đội ngũ phóng viên chụp ảnh, làm video… tiếp cận nhiều vị trí khác nhau để dễ dàng cập nhật tin tức và hình ảnh có độ phủ rộng khắp. Việc phân chia nhiệm vụ này giúp phóng viên hạn chế phải di chuyển nhiều mà vẫn có những góc tác nghiệp tốt nhất, không bị đan xen, chồng chéo nhiệm vụ.

Nhà báo Duy Hiệu - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News)
Nhà báo Duy Hiệu - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News) trong dịp tác nghiệp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong dịp này, nhà báo Duy Hiệu cho biết: "Để chuẩn bị cho buổi tổng duyệt cấp Nhà nước sáng 27/4, tôi đã có mặt tại khu vực đường Lê Duẩn từ 2h sáng để tìm vị trí chuẩn bị tác nghiệp, hành trang mang theo bao giờ cũng có 2 máy ảnh và laptop. Chỉ nghĩ là đi tác nghiệp như mọi ngày nên tôi không mang đồ ăn, nước uống, đứng tác nghiệp sau khoảng hơn 13h chiều thấy mệt, khát và đói, may mắn một đồng nghiệp bên báo khác cho một chiếc bánh mì, lúc đấy tôi mới thấy rằng mọi khó khăn đều có đồng nghiệp ở cạnh chia sẻ. Tôi thấy rằng, dù mải làm việc đến đâu việc giữ sức khỏe vẫn là quan trọng nhất”.

Một dấu ấn nghề

Tham gia đưa tin sự kiện gần 1 tháng, đối với mỗi phóng viên sẽ phải tính toán sắp xếp thời gian cho từng chuyến đi, ngoài việc chuẩn bị về trang thiết bị tác nghiệp họ còn phải có một sức khỏe thật tốt. Càng về sau, khi các sự kiện ngày một nhiều hơn họ phải giữ được tinh thần tốt nhất cho đến ngày cuối cùng.

Hàng ngàn người dân háo hức xem hợp luyện diễu binh ở TP.HCM. Ảnh: Hải Long
Hàng ngàn người dân háo hức xem hợp luyện diễu binh ở TP.HCM. Ảnh: Hải Long

Giống với nhà báo Duy Hiệu, nhà báo Hải Long - Báo Dân Trí vinh dự khi được góp mặt, được tham gia sự kiện mang tính lịch sử, anh coi đây sẽ một dấu ấn nghề mà không phải lúc nào cũng có cơ hội được tham gia, nhưng cũng là một thử thách khó khăn phải vượt qua.

Nhà báo Hải Long chia sẻ: khó khăn nhất của tôi và cũng của nhiều anh em phóng viên khác có lẽ là tìm được một vị trí tác nghiệp thuận lợi. Số lượng người dân đổ về xem diễu binh quá lớn, các ngả đường, các toà nhà quanh các tuyến đường diễu binh chật kín người. Để có một bức ảnh phải tìm cách liên hệ xin lên các điểm cao, vị trí thuận lợi và bao quát. Cần có phương án di chuyển, khi các tuyến đường trung tâm đều bị chặn, an ninh thắt chặt.
“Như sự kiện diễu binh sáng 30/4, tôi phải di chuyển ra vị trí tác nghiệp tại bến Bạch Đằng từ 22h đêm hôm trước để tìm vị trí phù hợp. Biển người chật cứng, tôi di chuyển đoạn đường 300m nhưng mất hơn 1 giờ đồng hồ để chen qua. Đến vị trí tác nghiệp tôi cố gắng tránh việc rời vị trí vì sẽ dễ bị chiếm mất vị trí tốt. Hay như với các màn trình diễn máy bay, tôi phải tìm hiểu kỹ các bài bay tập luyện trước đó để có sự chuẩn bị về thiết bị, đứng chờ nhiều giờ chỉ để chụp đoàn bay lướt qua chỉ trong vài giây…", nhà báo Hải Long tâm sự.

Có thể nói, mỗi phóng viên tác nghiệp dịp kỷ niệm 50 năm, họ đều cố gắng tìm kiếm, khai thác những đề tài mới, sự kiện bên lề ở nhiều góc độ khác nhau sao cho có nội dung mới lạ để thu hút bạn đọc. Trong rất nhiều sự kiện được tổ chức, nếu như phóng viên không xây dựng được đề cương, kịch bản các hoạt động sẽ dễ bị ngợp, bỏ lỡ những sự kiện quan trọng. Ngoài ra, họ phải liên tục giữ được các đầu mối thông tin, có các nguồn tin chính thống, đặc biệt từ lực lượng quân đội, công an, không quân…để lên lịch hàng ngày.

Nhà báo Hải Long (phải) - Báo Dân Trí cùng với đồng nghiệp tác nghiệp dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.
Nhà báo Hải Long (phải) - Báo Dân Trí cùng với đồng nghiệp tác nghiệp dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Có thể nói, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam là cơ hội để mọi người được sống trong bầu không khí của tình đoàn kết dân tộc, của hòa bình. Đối với mỗi người làm báo, tác nghiệp trong dịp này họ có thêm cơ hội được trải nghiệm cuộc sống ở môi trường quân đội, hiểu được đời sống tập luyện của quân nhân…Và hơn hết, qua mỗi tác phẩm được đăng tải họ mong muốn gửi gắm một thông điệp về câu chuyện hòa bình của ngày hôm nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lan tỏa xúc cảm và tinh thần đoàn kết dân tộc qua mỗi bức ảnh báo chí
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO