Trong dân gian vẫn truyền tụng câu “The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”. Còn người Sài Gòn ai cũng biết đến bài “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa với hai câu thơ nổi tiếng: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Chẳng vậy mà người Pháp từng ca ngợi lụa Vạn Phúc là “đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”.
1. Nói đến làng lụa Vạn Phúc phải kể đến địa chỉ uy tín và nổi tiếng nhất làng là Xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão. Cụ Triệu Văn Mão là một trong những nghệ nhân cuối cùng biết dệt lụa Vân – một loại lụa cổ “chính tông Vạn Phúc” tưởng như đã bị thất truyền thì đã được chính cụ khôi phục từ những năm 1990. Sau khi cụ mất năm 2010, con cháu cụ kế nghiệp và cũng trở thành những nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Con dâu cụ là nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm – là người kế tục sự nghiệp của cụ và hiện là chủ Xưởng dệt lụa. Bà đã từng được vinh danh là 1 trong 10 công dân Ưu tú Hà Nội năm 2015.
Đến đây vào một buổi sáng sớm tinh mơ, tôi mới tận mắt chứng kiến hết được sự hăng say, miệt mài của những nghệ nhân làng nghề. Họ cần mẫn làm việc từ 5h sáng bên khung cửi để dệt ra được những tấm lụa mượt mà cho đến khi trời tối hẳn mới dứt tiếng thoi đưa. Người xưa vẫn nói, “Một nong tằm bằng năm nong kén, một nong kén bằng chín nén tơ”. Ngày nay, Hà Đông không còn đất để trồng dâu nuôi tằm, và cũng theo xu hướng chuyên môn hoá của các nghề thủ công, tơ tằm được nhập về từ các vùng chuyên trồng dâu, nuôi tằm và làng Vạn Phúc tiếp tục biến hoá nó thành những sản phẩm lụa.
Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn trên lụa Vạn Phúc bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Hoa văn trang trí trên vải lụa cũng rất đa dạng khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.
2. Hiện cả làng Vạn Phúc có 164 hộ với 265 máy dệt đang hoạt động. Trong đó, có 34 gia đình nghệ nhân và thợ giỏi có trình độ dệt lụa tinh xảo vẫn sản xuất và tiêu thụ ổn định. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp đặc biệt với rất nhiều mẫu: Gấm, vóc, vân, the, lĩnh, sa, đũi… Trong đó, nổi tiếng nhất là lụa vân với hàng chục mẫu khác nhau – đây là loại lụa mà hoa văn được dệt nổi và chìm trên mặt lụa mượt, có đặc điểm ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Từ năm 1931, lụa Vạn Phúc đã được giới thiệu tại các hội chợ ở Pháp. Từ năm 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu và sau này mở rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Tương truyền, hơn 1.000 năm trước có bà A Lã Thị Nương, người Cao Bằng nổi tiếng đảm đang, dệt lụa khéo léo, theo chồng về làm dâu tại làng Vạn Phúc. Bà đã truyền nghề cho dân làng. Sau khi bà mất, để ghi nhớ công đức của bà, dân làng lập đền thờ ngay cạnh bến sông và phong bà làm Thành Hoàng làng. Hàng năm, cứ vào ngày 8 tháng 10 (âm lịch), làng tổ chức lễ rước với nhiều nghi thức trọng thể và dâng lên bà tấm lụa đẹp nhất mà dân làng đã dệt… Hàng năm, ngoài lễ hội và nghi thức rước lễ thì mỗi khi trong làng có các cụ hưởng thượng thọ, đại thọ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường thay mặt dân làng tặng mỗi cụ một mảnh lụa của quê hương.
3. Làng lụa Vạn Phúc có truyền thống lâu đời là vậy, nhưng hiện nay Vạn Phúc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đã từng có “thời kỳ hoàng kim” khi cả làng Vạn Phúc có khoảng 2.000 hộ làm nghề dệt với hơn 1.000 máy; nay chỉ còn 164 hộ với 264 máy dệt.
Số lượng người sống bằng nghề dệt lụa hiện không nhiều, may ra chỉ có những người cực kỳ tâm huyết với nghề của ông cha hoặc những người không thể làm được công việc gì khác mới dệt lụa. Những hộ gia đình ở đây hầu hết hoạt động mang tính chất cầm chừng chứ chưa dám đầu tư lớn vì lụa ở đây bán ra rất chậm. Thêm nữa, nghề dệt lụa mang lại thu nhập thấp mà lại vất vả nên không thu hút được giới trẻ. Đặc trưng của nghề dệt lụa là phải học dần dần từ những chi tiết rất nhỏ, tỉ mẩn song thu nhập lại không cao nên chẳng mấy người mặn mà.
Thời kinh tế thị trường, để giữ gìn được truyền thống và thương hiệu lụa Vạn Phúc hẳn là một điều không hề đơn giản khi sản lượng giảm và giá thành cao hơn so với hàng nhập ngoại. Lụa Trung Quốc màu sắc đẹp, kiểu dáng đa dạng, hiện đại giá chỉ từ 50-80.000 đồng/mét. Trong khi đó, giá lụa dệt bằng lụa tơ tằm khá cao, từ 180-500.000 đồng/mét. Để chạy theo lợi nhuận, không ít các hộ gia đình trộn lụa Trung Quốc vào hàng để bán, thậm chí còn trộn cả tơ nhân tạo với tơ tằm để dệt làm cho thương hiệu lụa Vạn Phúc dần mất đi uy tín.
Để giữ gìn và tiếp nối làng nghề truyền thống, Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc đã ra đời được hơn 10 năm với mục tiêu giữ gìn và phát triển thương hiệu làng nghề bền vững. Các sản phẩm bày bán đều ghi nhãn mác, cơ sở sản xuất cẩn thận tránh hàng giả, hàng nhái xâm nhập làm mất uy tín và chất lượng.
Với thực trạng hiện nay khi các làng nghề bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm không rõ nguồn gốc thì việc làm trên dường như là chưa đủ. Làng nghề truyền thống sẽ đi về đâu và liệu ai sẽ đủ sức để tiếp nối và phát triển nó? Đó là một bài toán khó mà cho đến nay vẫn chưa có đáp án và cũng chưa tìm ra hướng giải quyết. Liệu rằng các nghệ nhân chân chính nơi đây có được đền đáp một cách xứng đáng với những cống hiến, tâm huyết mà họ đã bỏ ra để gây dựng được tên tuổi làng lụa Vạn Phúc như ngày hôm nay?❏
Bích Việt