Làng mộc Phúc Lộc với hơn 400 hộ sản xuất đồ gỗ nhộn nhịp những ngày cuối năm
(CLO) Còn khoảng một tháng nữa là đến dịp Tết Nguyên Đán, làng nghề mộc Phúc Lộc (phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình) đang tất bật chạy đua cùng thời gian để kịp cung ứng cho thị trường Tết.
Nằm cách trung tâm TP. Ninh Bình 2km về phía Đông Nam, làng Phúc Lộc nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Từ thời Đinh Lê, người thợ Phúc Lộc đã sáng tạo ra các sản phẩm mộc với những nét chạm trổ tinh xảo phục vụ cho việc làm nhà thờ, đền, đình, chùa.
Trải qua thời gian, từ nghề truyền thống của cha ông, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những người thợ mà nghề mộc ở Phúc Lộc đang ngày càng phát triển. Ngoài các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, làng mộc Phúc Lộc còn có các mặt hàng dân dụng phục vụ nhu cầu của người dân với các sản phẩm đa dạng bàn ghế, tủ, giường... Những sản phẩm tinh xảo, sắc nét của làng nghề được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Các xưởng trở nên bận rộn vì lượng hàng khách đặt Tết tăng nhiều lần.

Những hoa văn được chạm khắc mềm mại sắc nét từ chính đôi bàn tay của người thợ làng nghề.
Những ngày này, khắp làng nghề Phúc Lộc nhộn nhịp, tất bật. Đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách cách vang lên, tạo thành âm thanh hối hả như chính nhịp sống của con người nơi đây.

Những ngày giáp Tết dường như ai cũng tất bật, hoạt động hết công suất.
Tại khu xưởng của anh Nguyễn Văn Thêm, 15 người thợ hầu như phải hoạt động hết công suất bởi lượng hàng phải trả cho khách vào dịp cuối năm gấp 2 - 3 lần ngày thường.
“Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất từ tháng 10 âm lịch trở đi bởi cuối năm, nhu cầu mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón Tết của người dân tăng cao. Không khí trong làng những ngày này vừa bận bịu vừa vui vẻ cùng nhau. Mỗi người một việc từ những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao đến những bước vệ sinh cuối cùng trước khi giao tới khách hàng”, anh Phạm Văn Thêm – Chủ xưởng mộc Phạm Thêm chia sẻ.

Những bàn tay tài hoa mất hàng tháng trời, với những quy trình tỉ mỉ, công phu và tinh tế.
Cũng theo anh Thêm, hàng khách đặt chủ yếu là sản phẩm mộc gia dụng như tủ thờ, tủ quần áo, tủ kệ, giường hộp, cửa gỗ, song cửa…đến các loại cầu thang lầu, chắn ban công, phù điêu. Năm nay, thị trường còn thịnh hành các loại tranh lịch gỗ, kệ rượu, vật phẩm phong thủy như tượng Di Lặc, mã đáo thành công… Giá trị của sản phẩm tùy thuộc vào kích thước, chất liệu gỗ, độ khó của sản phẩm.

Năm nay, thị trường còn thịnh hành các loại vật phẩm phong thủy.
Cũng giống như xưởng của anh Thêm, nhiều cơ sở làm mộc khác cũng đang tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Thị trường năm nay tăng trở lại, tất bật hơn để kịp cung ứng ra thị trường những ngày giáp Tết. Chỉ riêng tháng 11, chúng tôi phải tăng ca liên tục để trả đơn cho khách. Khách đông, hàng đặt nhiều nhưng để tạo dựng thương hiệu và giữ được uy tín khi kinh doanh, làng nghề chúng tôi vẫn đặt chữ tín hàng đầu, không chạy theo số lượng, chú trọng chất lượng, nhất là khâu chọn gỗ cần kiểm soát kĩ lưỡng. Gỗ phải được phơi sấy từ 1 đến 2 năm mới được đưa vào sản xuất”, anh Tỵ, chủ 1 cơ sở làm mộc nói.

Công nhân hoàn thiện sản phẩm.
Làng mộc Phúc Lộc đang đà khởi sắc đi lên và ngày càng khẳng định vị thế bằng chính những thay đổi tích cực mà làng nghề đem lại cho địa phương. Với hơn 400 hộ sản xuất, làng nghề mộc Phúc Lộc đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1000 lao động với thu nhập ổn định.
Trong những năm gần đây, TP. Ninh Bình đã quan tâm xây dựng quy hoạch khu làng nghề tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tiếng ồn trong khu dân cư. Đặc biệt từ năm 2016, làng Phúc Lộc được UBND tỉnh công nhận làng nghề với các sản phẩm chính là sản xuất gỗ mỹ nghệ truyền thống. Từ đây đã tạo động lực cho những người con của làng nghề chuyên tâm hơn trong việc lưu giữ và phát huy giá trị, tinh hoa mà cha ông để lại.