Những người dân sống tại ngã ba Lạc Thiện thuộc xã Trung Lễ phản ánh: "từ đầu năm (2018) lại nay rác sinh hoạt hầu như không có xe thu gom chuyển đến bãi tập trung, nên buộc người dân phải đem ra vứt ở ven đường lộ, bờ ruộng. Rác tràn xuống ruộng lúa, kênh mương, … mùi hôi thối kèm theo ruồi nhặng, rất ô nhiễm."
Rác được vứt dọc đường quốc lộ 15A
Bà Nguyễn Thị Hường (một người dân sống tại đây), cho biết: “chúng tôi đã đóng tiền rác cả năm nhưng bây giờ không có người đến thu gom nên phải tự đốt. Có nhiều nhà không chịu đốt thì đem ra vứt bên vệ đường, rất bẩn.”
Rác được đóng bì chất chồng để bên lề đường
Quan sát của chúng tôi, ngay tại các con hẻm dẫn vào làng hay thôn xóm tất cả các thùng rác đã đầy, kế bên còn có thêm nhiều bì rác, bịch rác. Nhiều chỗ, rác được chất đống từng bì, có chỗ người dân đốt nham nhở tràn xuống cả ruộng lúa.
Thùng rác ùn ứ tại một con đường nhỏ
Theo một cán bộ xã Đức Lâm, “Hiện nay toàn huyện chỉ có 5/27 xã được đưa rác vào bãi để tiêu hủy, số xã còn lại tạm thời tự xử lý. Gia đình nào tự xử lý rác của gia đình đó. Rác hữu cơ thì làm phân bón cho cây, còn bao bóng và những thứ khác thì phơi khô rồi đem đốt.”
Rác được người dân đốt nham nhở ...
... và tự lập bãi chứa rác
Được biết 20 năm qua, rác của các xã thuộc huyện Đức Thọ được tập trung ở Phượng Thành thuộc xã Đức Hòa (Đức Thọ - Hà Tĩnh), tuy nhiên, tại đây các thiết bị đầu tư có công suất nhỏ, không thể xử lý hết lượng rác tồn đọng nên gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng, buộc phải đóng cửa.
Vì vậy, toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân thị trấn Đức Thọ đã bị ùn ứ với khối lượng lên đến hàng trăm tấn.
Cũng phải nói thêm rằng, Đức Thọ là một trong hai huyện của tỉnh Hà Tĩnh được chỉ đạo về đích Nông thôn mới. Trong “Bộ tiêu chí xây dựng NTM thực hiện trên địa bàn Hà Tĩnh”, Điều 17 quy định: “Chất thải, được thu gom và xử lý theo quy định”.
Tuy nhiên, với tình trạng rác thải hiện nay, đặc biệt là chưa có phương pháp xử lý thì công luận đặt câu hỏi, đến bao giờ huyện Đức Thọ mới đạt kế hoạch Nông thôn mới?
Thái Sơn