Lặng thầm những nốt nhạc Xuân

Thứ năm, 23/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tôi muốn gọi họ là “những nốt nhạc xuân” lặng thầm bởi những miệt mài, dấn thân vượt khó khăn, giữ lửa và tạo sức sống cho hoạt động Hội không phải là điều dễ làm trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Sự kiện: tham nhũng

Trong sự tốc hành của cỗ máy thời gian, đâu đó ít nhiều vẫn kêu nghề công tác hội là một nghề thật nhàm chán, buồn tẻ, thua thiệt,“hội hè” vui là chính. Gặp những con người tận tụy, trách nhiệm trong vai trò kết nối hội viên, kết nối những đam mê vì “mái nhà chung” này để thấy những giọt mồ hôi, những vui buồn và thấy cả mùa xuân luôn được gieo những hạt mầm hy vọng...

Hội báo xuân tại huyện Bình Liêu- Quảng Ninh do HNB Quảng Ninh tổ chức.

Hội báo xuân tại huyện Bình Liêu- Quảng Ninh do HNB Quảng Ninh tổ chức.

Nhà báo Trần Duy Ngoãn – Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Nghệ An:

Có trách nhiệm và say mê thì luôn nghĩ ra việc

Nhà báo Duy Ngoãn chia sẻ: “Câu chuyện cơ duyên đến với công tác Hội được bắt đầu từ Đại hội Hội Nhà báo Nghệ An lần thứ V (nhiệm kỳ 2004 - 2009) với cương vị là Giám đốc – Tổng biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An, tôi được Đại hội tín nhiệm bầu vào BCH Hội và giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An. Đây là công việc rất mới mẻ đối với tôi. Vì vậy, tôi bắt đầu bằng sự tìm hiểu về tổ chức hội, tìm hiểu về “ngôi nhà chung” của báo chí, làm sao kết nối hội viên nhà báo từ các cơ quan báo chí thành một khối. Tôi tự xác định cho mình là phải có trách nhiệm cả hai vai, một vai là công tác chuyên môn phát triển sự nghiệp PT-TH, một vai là công việc của Hội Nhà báo. Để làm tròn hai nhiệm vụ được giao, trước hết là sự nhiệt tình, vô tư, tâm huyết với Hội. Biết tập hợp đoàn kết các đồng chí trong Ban chấp hành hội, phân công cụ thể, gắn chặt hoạt động của các Chi hội nhà báo với nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan báo chí. Những việc làm của Hội có tác động thiết thực, hiệu quả với chuyên môn và như vậy thủ trưởng chuyên môn (Tổng biên tập, Giám đốc cơ quan báo chí) sẽ ủng hộ tích cực hoạt động của Hội, chăm lo các hoạt động hội, vì chính hội là cánh tay đắc lực cho chuyên môn”.

Nhà báo Trần Duy Ngoãn - Chủ tịch HNBNA trao giấy khen cho tập thể Chi hội, nhà báo - hội viên xuất sắc năm 2018.

Nhà báo Trần Duy Ngoãn - Chủ tịch HNBNA trao giấy khen cho tập thể Chi hội, nhà báo - hội viên xuất sắc năm 2018.

Có lẽ vì cách nghĩ đó mà ông đã vận dụng trong các hoạt động của Hội nhà báo Nghệ An nhiều năm nay rất hiệu quả. Ông luôn khẳng định là làm công tác hội đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm, say mê và khi có trách nhiệm, say mê thì luôn nghĩ ra việc, sáng tạo nhiều nội dung cho các Chi hội và hội viên làm. Chẳng hạn như trong một năm có rất nhiều cuộc thi báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương, cũng như tỉnh phát động, Hội phải chăm lo bồi dưỡng nghiệp vụ, đôn đốc các Chi hội phối hợp với các cơ quan báo chí hưởng ứng tham gia. Hoặc Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với các ngành địa phương phát động các giải báo chí tại địa phương. Hội không có kinh phí, nhưng Hội có chuyên môn để phối hợp tổ chức các giải báo chí. Đặc biệt với vai trò trách nhiệm của các Tổng biên tập báo, Giám đốc Đài PT - TH quan tâm hưởng ứng tích cực và đăng tải, phát sóng... tác phẩm của các cuộc thi báo chí. Bằng cách làm này, liên tục trong suốt 14 năm qua Hội Nhà báo Nghệ An đã phối hợp với UBND thị xã Cửa Lò phát động cuộc thi báo chí với Du lịch Cửa Lò có hiệu quả. Hoặc phối hợp với UBND huyện Con Cuông phát động cuộc thi ảnh Du lịch Con Cuông nhân Hội báo Xuân; Phối hợp với Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình phát động cuộc thi “Dân số và phát triển”; phối hợp với tỉnh đoàn phát động cuộc thi “Sức trẻ Nghệ An”; hoặc cuộc thi tác phẩm báo Tết hay trong Hội báo xuân của tỉnh... là những việc làm cụ thể được hội chủ trì phối hợp tổ chức... “Theo chúng tôi thì bí quyết để Hội nhà báo địa phương hoạt động tốt là phải luôn biết phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động, tạo ra các sân chơi hợp lý để thu hút hội viên nhà báo tham gia” – nhà báo Duy Ngoãn nhấn mạnh. 

Nói về những vui buồn của công việc công tác Hội, có lẽ nhà báo Duy Ngoãn là người hiểu hơn ai hết vì từ lãnh đạo báo chí kiêm nhiệm công tác Hội, năm 2013 đến nay ông chuyển sang Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh. Ông bảo: “Tôi cảm thấy đây là một thuận lợi rất lớn, từ kiêm nhiệm việc Hội, phải ôm đồm nhiều việc. Nay làm chuyên trách công tác Hội mình có thời gian nghiên cứu, thời gian tham gia việc Hội, buộc phải suy nghĩ, và như vậy thì buộc phải sáng tạo, đề ra việc gì thì bám việc đó mà làm cho đến kết quả cuối cùng. Tôi nghĩ rằng, việc gì mình đam mê và làm tốt, có uy tín với hội viên, đồng nghiệp quý mến, giúp các nhà báo sáng tạo được nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, tôn vinh được nhiều hội viên - nhà báo xuất sắc, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và đó chính là cái “oách” của người làm công tác Hội”.

Dĩ nhiên, đi cùng với sự “oách” mà ông tâm đắc ấy vẫn có những điều trăn trở mà ông muốn nói, không phải cho riêng ông mà nói hộ cho biết bao nhà báo đang tận tụy với công việc này. Bởi nếu nói về quyền lực, kinh tế lợi ích vật chất thì làm Chủ tịch hội nói riêng và cán bộ trong cơ quan Hội Nhà báo nói chung hiện nay quá thiệt thòi. “Chúng ta biết rằng, nét đặc thù của Hội Nhà báo là quản lý các hội viên - nhà báo đang làm việc trong cơ quan báo chí. Là tổ chức “Chính trị, xã hội, nghề nghiệp” của những người làm báo, mà đã là báo chí  thì  phải “luôn đi trước, đi cùng, đi sau sự kiện” việc làm tại cơ quan Hội cũng phải liên tục như ở các cơ quan báo chí. Nhưng về chế độ chính sách thì chưa được quan tâm đúng mức, nên nhiều người có năng lực, trình độ chuyên môn không đam mê với công tác hội, có lẽ đó là “sự chạnh lòng của người làm công tác Hội” trước yêu cầu của làm báo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”-  nhà báo Duy Ngoãn bày tỏ.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Tổng Biên tập báo Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Người “giữ lửa” đậm chất Huế

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh có lẽ là một trong số ít những nhà báo nữ làm lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương, lại là người gắn bó liên tục nhiều nhiệm kỳ. Gặp chị, tôi cảm nhận được ngay ở chị sự dịu dàng, nhã nhặn, chừng mực, đáng tin cậy.

Nhà báo Hồng Hạnh trong một chuyến đi thăm vùng quy hoạch cây ăn trái ở huyện Phong Điền.

Nhà báo Hồng Hạnh trong một chuyến đi thăm vùng quy hoạch cây ăn trái ở huyện Phong Điền.

Nhắc đến nghề, chị chia sẻ rằng, dù không phải là người ngay từ đầu lựa chọn nhưng “duyên nợ” với nghề báo và nghề công tác Hội thì quả là rất dài. Đến nay chị đã có 30 năm làm báo, 10 năm làm lãnh đạo HNB Thừa Thiên Huế... và đủ thấm thía biết bao nhiêu vui buồn với công việc này. Gặp chị và nghe chị chia sẻ sẽ thấy dường như những công việc ấy “nhẹ tựa lông hồng” với một người phụ nữ rất dịu dàng và mong manh. Khi được hỏi những áp lực của công việc, chị tâm sự: “Thành thật là, cũng có đôi lúc cảm thấy stress nhưng công việc lại “níu” lại, con chữ lại giữ chân. Rồi cứ làm, cứ theo đuổi không muốn dừng lại nữa. Với tôi, công việc làm báo hay làm công tác Hội đều là những việc không nhàn. Đó đều đòi hỏi trách nhiệm, tận tâm hết sức, thậm chí phải rất kiên trì, kiên nhẫn. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, nhân lực làm công tác Hội rất mỏng, Phó Chủ tịch Hội kiêm nhiệm Chánh văn phòng, cả Hội chỉ có 2 người làm mà khối lượng công việc rất lớn. Có những lúc như muốn “bơi” ra, làm việc như con mọn, không lúc nào rảnh tay được... Nhưng tôi luôn thấy mình may mắn khi có những người đồng nghiệp hỗ trợ, san sẻ nhiệm vụ và thấu cảm những khó khăn. Đặc biệt là lãnh đạo tỉnh cũng luôn tin tưởng vào Hội nhà báo, tin vào năng lực nghề nghiệp nên từ rất lâu, Hội Nhà báo tỉnh luôn được tin tưởng tổ chức, tham gia phối hợp tổ chức các giải báo chí địa phương hàng năm. Thậm chí ở một số tỉnh thành, Hội Nhà báo còn tổ chức thêm được các giải chuyên đề mang tính báo chí. Và dù giao cho đơn vị nào tổ chức thì Hội Nhà báo cũng được mời tham gia, ngồi ở ghế “thường trực”. Sự tin tưởng ấy không phải dễ dàng có được, cũng không phải ngày một ngày hai”.  Và cũng bởi những tin tưởng ấy cho nên, dù trong nhiều vai, vừa là lãnh đạo báo, lãnh đạo Hội, Tỉnh ủy viên... nhưng chị luôn nỗ lực làm tốt.

Nhà báo Hồng Hạnh.

Nhà báo Hồng Hạnh.

Tôi có tham gia vào group “Đồng nghiệp” trên facebook mà chị là sáng lập viên để mỗi ngày đều được đọc các bài viết, các chia sẻ của các nhà báo, hội viên... từ mọi miền đất nước trong hệ thống báo chí cũng như hệ thống các cấp Hội. Cái cách mà chị “giữ lửa”, kết nối với các đồng nghiệp của mình cũng rất giản dị. Đó có thể là những chuyến đi, mỗi buổi họp, mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi câu chuyện nhỏ bé về dòng sông, gió mùa hay một khúc tình ca... đều như muốn nói, công việc dù rất vất vả nhưng khi làm hết trách nhiệm thì sẽ luôn tìm thấy niềm vui trong “ngôi nhà chung” – Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Quảng Ninh:

Làm việc trách nhiệm và có ích tự khắc sẽ có niềm vui

“Đam mê nghề báo, học làm báo và gắn bó với nghề báo từ một cộng tác viên, rồi làm phóng viên, biên tập viên và tham gia quản lý ở cơ quan báo đảng địa phương, đùng một cái tôi chuyển nghề làm cán bộ chuyên trách Hội Nhà báo”... Câu chuyện “đùng một cái” của nhà báo Đỗ Ngọc Hà có chút gì đó rất thật thà, đúng cái chất của một người con quê lúa Thái Bình lập nghiệp nơi đất Mỏ.

Anh bảo: “Trước khi chuyển sang làm Phó Chủ tịch chuyên trách công tác Hội Nhà báo tỉnh, tôi làm phóng viên (theo dõi mảng xây dựng Đảng), rồi làm phó phòng, trưởng phòng , Phó Thư ký Chi hội ở Báo Quảng Ninh. Có lẽ do chịu khó làm báo cáo, kế hoạch (cười) của tổ chức Đảng, của tổ chức Hội nên đại hội nào anh em cũng tín nhiệm bầu vào ban thư ký chi hội nhà báo, rồi lại còn được tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh. Đến khi đồng chí tiền nhiệm nghỉ chế độ, tôi được lãnh đạo Hội, lãnh đạo tỉnh động viên chuyển sang làm chuyên trách công tác Hội Nhà báo. Xác định mình là cán bộ, đảng viên, tổ chức phân công thì chấp hành thôi...”. Tháng 11/2016,  nhà báo Ngọc Hà nhận Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thuyên chuyển công tác từ Báo Quảng Ninh sang Hội Nhà báo tỉnh, khi ấy anh 38 tuổi. Đó là độ tuổi như anh nói “so ở tổ chức Hội, mình thấy mình trẻ thôi, chứ tuổi ấy ở Quảng Ninh nhiều người đã làm lãnh đạo to rồi (cười)”.

Cụ Như Mai (Học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng) chụp ảnh với Nhà báo Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh.

Cụ Như Mai (Học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng) chụp ảnh với Nhà báo Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh.

Tôi hỏi anh, đồng ý nhận nhiệm vụ này, anh có điều gì lăn tăn không khi mà nghề công tác Hội không phải là nghề có “sức hấp dẫn” với những người trẻ. Nhà báo Ngọc Hà tâm sự: “Tôi nhớ, khi ấy bạn bè, đồng nghiệp người thì trách tôi sao lỡ bỏ nghề, rằng làm báo người ta còn vị nể chứ hội hè thì chỉ vui vẻ thôi. Có người thì động viên, thôi cố gắng làm tốt ở Hội để sau này khi về lại cơ quan báo chí thì sẽ có thêm kinh nghiệm. Tôi thì lại nghĩ khác. Ở đâu mình làm việc trách nhiệm và có ích cho cơ quan, tổ chức thì tự khắc sẽ có niềm vui”. Anh cũng chia sẻ thêm rằng, trước đây làm phóng viên, tuy nhiều áp lực nhưng được đi đây đó, được học và trải nghiệm nhiều điều. Rồi quãng thời gian làm quản lý ở cơ quan báo chí, tuy ít được tung tảy nhưng giờ nghĩ lại cũng thật bổ ích. Còn với công tác Hội thì cảm xúc cũng khá đặc biệt. Ban đầu khi mới chuyển sang chuyên trách công tác Hội Nhà báo tỉnh, anh đã nghĩ như bao người từng nghĩ, chắc là không có nhiều việc để làm đâu. Xuân thu nhị kỳ cũng chỉ có mấy việc như phát động các giải báo chí, tổ chức hội báo xuân, đi giao ban báo chí, tổ chức cho anh em đi thực tế để sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, làm thủ tục kết nạp hội viên và vài cuộc giao ban, hội thảo... “Thế nhưng càng làm lâu thì lại càng thấy nhiều việc. Cơ quan tuy có mấy người nhưng cũng có các tổ chức đảng, đoàn thể. Là bí thư chi bộ, mình phải quán triệt và lãnh đạo triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng một cách nghiêm túc. Là thủ trưởng cơ quan, cùng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thì mình còn phải lo đối nội, đối ngoại, chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Đấy là chưa kể đến núi công việc nếu mình thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ Hội. Chỉ nói thế này là có thể hình dung được nếu làm tốt chức năng nhiệm vụ sẽ rất nặng nề. Trong Điều lệ Hội quy định Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh có 11 nhóm nhiệm vụ, trong đó ở nhóm nhiệm vụ thứ 5 quy định: “Kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam của các liên chi hội, chi hội, hội viên do Hội Nhà báo tỉnh quản lý; can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên”. Mà trong 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, chỉ mỗi việc giám sát hội viên trong việc tham gia mạng xã hội thôi để đảm bảo 420 hội viên - nhà báo ở tỉnh ai cũng “chuẩn mực và trách nhiệm” khi tham gia mạng xã hội, thì cũng đã rất khó rồi. Công việc nhiều và khó trong khi biên chế ít, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cán bộ Hội Nhà báo tỉnh phải tâm huyết, trách nhiệm, phương pháp làm việc tốt. Tôi nghĩ đây là môi trường rất tốt để rèn luyện, thử thách đối với mỗi người”- nhà báo Ngọc Hà chia sẻ.

Lãnh đạo HNB Quảng Ninh tiếp đại biểu Liên đoàn Báo chí Thái Lan tại Hạ Long.

Lãnh đạo HNB Quảng Ninh tiếp đại biểu Liên đoàn Báo chí Thái Lan tại Hạ Long.

Những thử thách đặt ra trong bối cảnh hiện nay là rất nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Ngọc Hà được các đồng nghiệp đánh giá cao bởi sự khoa học, trách nhiệm và hiệu quả. Hầu hết các văn bản của Hội gửi các sở, ban, ngành trong tỉnh đều thực hiện qua thư điện tử, vận dụng công nghệ trong xử lý các công việc rất chuyên nghiệp là một ưu điểm của anh. Không những thế, uy tín để kết nối hội viên đặc biệt là các mạnh thường quân trong tỉnh tham gia tài trợ, an sinh xã hội cho các chương trình của Hội thì dấu ấn của người lãnh đạo thường trực trẻ này là không thể phủ nhận. Chính vì thế, hoạt động của HNB Quảng Ninh những năm qua đã có sức lan tỏa rất lớn, với nhiều việc làm thiết thực, đặc biệt trong các giải báo chí, nghiệp vụ, triển khai thành lập Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, hoạt động xã hội – từ thiện... Nhắc về kỷ niệm với nhà báo Đỗ Ngọc Hà có lẽ luôn gắn liền với những chuyến đi. Anh  tâm sự: “Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi thú vị với những chuyến đi tổ chức hội báo xuân ở các huyện miền núi, biên giới của Quảng Ninh. Tình cảm, trách nhiệm của các anh chị em hội viên - nhà báo thông qua các bài báo tết, những phần quà Tết và niềm vui của những gia đình chính sách, các hộ nghèo khi được đón nhận quà tết, làm tôi quên đi hết mọi mệt nhọc. Rồi những đợt Hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ cũng rất vui. Học viên là những anh chị phóng viên ở cấp huyện về mang theo những đặc sản của địa phương để liên hoan và rất gắn bó với giảng viên cũng như cán bộ Hội Nhà báo tỉnh”.

Minh Vinh

Tin khác

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội