Lào Cai nỗ lực giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số
Với hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vì vậy Lào Cai đang tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, coi đó là động lực xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở địa phương.
Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số là ưu tiên hàng đầu
Với mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm cho gần 14.500 lao động trong năm 2024, tỉnh Lào Cai đang triển khai các chương trình lao động, việc làm, dạy nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chủ động khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Các cơ sở giáo dục, dạy nghề tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống sẵn có như: kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, hướng tới phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng…

Các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai luôn quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Vân Khánh
Bên cạnh đó, liên kết với các trường cao đẳng nghề có chất lượng đào tạo tốt trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề trình độ trung cấp song song với học văn hóa trung học phổ thông, bảo đảm cho học viên vừa có bằng trung cấp nghề, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, nhờ vậy đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, nâng cao khả năng tạo việc làm cho học viên, nhất là người dân tộc thiểu số.
Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đào tạo được trên 11.300 lượt người, đạt 94,2% kế hoạch; ước tính năm 2024 đào tạo được hơn 12.700 người, đạt 105,9% kế hoạch. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề chiếm 55%.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo lộ trình đến năm 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu tuyển sinh và đào tạo tối thiểu cho 13.000 lao động, trong đó đào tạo 10.400 lao động nông thôn, đào tạo 6.250 lao động có tay nghề cao, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 50%.
Lồng ghép nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho đồng bào
Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Từ nay đến năm 2030, Lào Cai tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức tư vấn trực tiếp đến tận thôn, bản, tổ dân phố thông qua đội ngũ cộng tác viên; thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, người lao động tại trung tâm và các xã, cụm xã với sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, gắn thông tin tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động trực tiếp đến người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Địa phương tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập gắn với thị trường lao động. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số ngành, nghề lĩnh vực mang tầm quốc tế; hiện đại hóa về cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh cũng phát triển mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận nguồn vốn cho người dân ở vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư chương trình giảm nghèo bền vững, trợ giúp thiết thực cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư còn nhiều khó khăn; đầu tư phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, tăng cường phát triển các mô hình hợp tác xã. Đồng thời, tỉnh tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản có ưu thế như dứa, quýt, chuối, cây ăn quả ôn đới, gắn với nhà máy chế biến nông sản để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động ở địa phương.
Đức Toàn