Lào Cai tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tạo đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
Đặt trọng tâm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực đã góp phần tạo nên đột phá mới cho Lào Cai trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Chú trọng đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số trên 781,1 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% (dân tộc Mông 26%, Tày 15%, Dao 14%, Giáy 4,3%, Nùng 4,3%...). Toàn tỉnh hiện có 140 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (66 xã khu vực III, 4 xã khu vực II và 68 xã khu vực I) với 1.199 thôn, tổ dân phố (603 thôn đặc biệt khó khăn).
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã sớm xây dựng Đề án về quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, đồng thời ban hành các chỉ thị, quy định về ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, bố trí người dân tộc thiểu số (DTTS) vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của tỉnh. Đến nay, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai đã chiếm tỷ lệ tương đối cao. Cụ thể, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp tỉnh, huyện là 8.064 người, chiếm 33,6%.

Cán bộ người Mông thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) đến vận động người dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bích Hợp
Được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các chính sách đãi ngộ đặc thù của địa phương để phát triển, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó trình độ đào tạo trên Đại học là 190 người, chiếm 2,36%; Đại học 3.922 người, chiếm 48,64%; cao đẳng 2.525 người, chiếm 31,31% và các trình độ khác 1.427 người, chiếm 17,7%. Tính đến năm 2024, tỷ lệ cán bộ DTTS đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo tại cấp xã và huyện đã đạt hơn 55%. Chính sách này không chỉ giúp các cán bộ DTTS có cơ hội rèn luyện kỹ năng lãnh đạo mà còn đảm bảo sự đại diện và tiếng nói của cộng đồng DTTS trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.
Thành tựu và hiệu quả thực tiễn
Nhờ sự tham gia tích cực của cán bộ DTTS, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại Lào Cai đã được triển khai linh hoạt và phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Ví dụ, chương trình giảm nghèo bền vững tại huyện Si Ma Cai đã đạt hiệu quả cao khi cán bộ DTTS chủ động hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình kinh tế tập thể thay vì hỗ trợ đơn lẻ.
Đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS ở các xã, gắn bó và gần gũi với nhân dân, hiểu rõ phong tục, tập quán, đã biết vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết công việc nên đạt hiệu quả rất cao. Nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, trong đó có cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đặc biệt, cán bộ DTTS đã hướng dẫn người dân phát triển du lịch cộng đồng, biến các làng bản thành điểm đến du lịch hấp dẫn, như mô hình du lịch sinh thái ở Bắc Hà hay Sa Pa. Trong giai đoạn 2021-2024, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tại các xã vùng cao có cán bộ DTTS quản lý tăng trung bình 15%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% xuống còn dưới 20%. Không chỉ đóng vai trò trong quản lý mà cán bộ DTTS còn là người gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các lễ hội truyền thống như Gầu Tào của người Mông hay Lễ hội đền Bảo Hà của người Tày được tổ chức bài bản hơn, góp phần quảng bá hình ảnh Lào Cai và thu hút du khách.
Tiếp tục tạo sự khác biệt trong chiến lược nhân lực
Mặc dù đạt được nhiều thành tích quan trọng, song công tác phát triển cán bộ DTTS tại Lào Cai vẫn đối mặt với một số khó khăn nổi lên là chênh lệch trình độ, thể hiện qua việc còn một số cán bộ DTTS vẫn hạn chế về trình độ chuyên môn, đặc biệt là kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin và quản lý kinh tế. Tâm lý e dè của một bộ phận cán bộ trẻ DTTS còn thiếu tự tin khi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hoặc đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý.
Cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số cũng không đồng đều giữa các khối, ngành, chủ yếu tập trung ở cấp xã. Số cán là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn cao như tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa còn ít. Nguồn sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, chuyên nghiệp ngày càng nhiều song nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có hạn do không có biên chế...
Trong những năm tới, Đảng bộ tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với công tác cán bộ dân tộc thiểu số. Đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong từng cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành. Từng bước nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nói riêng.
Ưu tiên tuyển dụng sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng, ban hành chính sách ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc, đặc biệt là số sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật chưa tìm được việc làm. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác cán bộ dân tộc thiểu số.
Chiến lược phát triển cán bộ dân tộc thiểu số ở Lào Cai đã và đang chứng minh rằng, với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vững mạnh, tỉnh không chỉ phát triển bền vững mà còn trở thành hình mẫu cho sự hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới trong thời đại hội nhập.
Đức Toàn