Lấy ý kiến về phương án dạy học 2 buổi/ngày cho cả 3 cấp học
(CLO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông.
Phương án mới hướng tới một chương trình học linh hoạt, hiện đại, đẩy mạnh năng lực cá nhân, kỹ năng sống, năng lực số và trải nghiệm sáng tạo cho học sinh cả ba cấp học.
Tiểu học: Mỗi ngày tối đa 7 tiết, tăng trải nghiệm - giảm áp lực
Theo dự thảo, chương trình dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học sẽ bố trí không quá 7 tiết mỗi ngày (mỗi tiết 35 phút), với kế hoạch tối thiểu 9 buổi/tuần, tổng cộng 32 tiết/tuần.
Buổi 1 tập trung vào chương trình chính khóa theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Buổi 2 là không gian phát triển toàn diện, gồm: củng cố kiến thức, tổ chức các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật, thể chất, kỹ năng sống, giáo dục STEM/STEAM, tìm hiểu lịch sử - văn hóa địa phương...

Các trường được quyền tổ chức linh hoạt hình thức học tập như: học nhóm, học trải nghiệm, sinh hoạt câu lạc bộ, tự học có hướng dẫn.
Để triển khai hiệu quả, mỗi lớp cần có phòng học riêng, sĩ số đảm bảo quy định, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu và tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,5, bao gồm cả giáo viên dạy thêm giờ hoặc thỉnh giảng.
Bộ cũng khuyến khích tổ chức bán trú linh hoạt giữa hai buổi học: ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi... nhưng phải bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và sự đồng thuận của phụ huynh.
THCS: Tối đa 11 buổi/tuần, tích hợp STEM, AI, kỹ năng sống và hướng nghiệp
Cấp THCS sẽ triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo điều kiện thực tế của từng trường, linh hoạt về thời gian, không cố định sáng – chiều.
Buổi 1 dành cho chương trình chính khóa. Buổi 2 mở rộng không gian học tập: ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 10, giáo dục kỹ năng sống, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thể thao, nghệ thuật, STEM, ngoại ngữ, năng lực số, trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục an toàn giao thông.

Điểm mới của dự thảo là khuyến khích các hình thức học linh hoạt: nhóm học cùng trình độ, câu lạc bộ sở thích, tổ học tập, hoạt động ngoài lớp học, kết hợp thư viện, nhà đa năng, khu vui chơi để làm phong phú trải nghiệm giáo dục.
Các trường THCS cũng được khuyến khích xây dựng phương án ăn trưa, nghỉ trưa giữa hai buổi học, với tiêu chí an toàn, phù hợp điều kiện thực tế.
THPT: Khuyến khích triển khai ở nơi có điều kiện, đẩy mạnh giáo dục cá nhân hóa và hướng nghiệp
Ở cấp THPT, dự thảo khuyến khích các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Buổi 1 sẽ dạy đầy đủ nội dung các môn học, chuyên đề theo chương trình GDPT. Buổi 2 linh hoạt tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tư vấn hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm, nghệ thuật, thể thao, STEM, AI, năng lực số, ngoại ngữ…

Đặc biệt, Bộ đề xuất mở rộng hợp tác, huy động nghệ nhân, chuyên gia, nghệ sĩ, vận động viên… tham gia giảng dạy, tổ chức hoạt động thực tế, góp phần nâng cao tính thực tiễn và sáng tạo trong nhà trường.
Học sinh sẽ được khuyến khích tự học, làm việc nhóm, tham gia câu lạc bộ, học tập gắn với cộng đồng và các cơ sở giáo dục liên kết, hướng tới giáo dục cá nhân hóa, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải bảo đảm mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, không quá tải về nội dung và thời lượng học tập, phù hợp với tâm lý và thể chất lứa tuổi học sinh".
Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người học, minh bạch, công khai đúng luật trong triển khai xã hội hóa giáo dục.
Dự thảo hiện đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các Sở GD&ĐT trên toàn quốc, hạn chót gửi phản hồi là ngày 15/7. Phương án sau khi hoàn thiện sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng mô hình trường học hiện đại, linh hoạt và nhân văn trong thời gian tới.