Lễ hội Dinh Cô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(CLO) Lễ hội Dinh Cô năm nay được tổ chức sớm hơn và kéo dài trong 5 ngày với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn: Biểu diễn ca cổ, giao lưu đờn ca tài tử, thi các trò chơi dân gian miền biển…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định số 237/QĐ-BVHTTDL, đưa lễ hội Dinh Cô ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Dinh Cô là một trong những lễ hội lớn ở vùng biển Nam bộ, tổ chức tại Dinh Cô - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ở thị trấn Long Hải.

Lễ hội Dinh Cô ở thị trấn Long Hải. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo truyền thuyết, cách đây hơn 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng bị tử nạn trên biển và trôi dạt vào bờ biển Long Hải. Người thiếu nữ này rất linh thiêng, thường hiển linh phù trợ ngư dân đánh bắt cá nên được ngư dân gọi là "Long Hải Thần Nữ” và được người dân thờ cúng.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi mỏm Dinh Cô, có một đống vừa cát vừa đá, trước kia có người con gái chừng 17-18 tuổi bị bão dạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy, tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ nay vẫn còn”.
Ban đầu Dinh Cô chỉ là ngôi miếu nhỏ, mái tranh vách đất, nằm kề bãi biển. Do bị sóng gió cuốn lở đất cát nên phải dời lên chân núi. Sau nhiều lần xây dựng, trùng tu, đến nay, Dinh Cô là công trình theo lối kiến trúc cổ pha lẫn hiện đại. Dinh Cô được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1995.
Lễ hội Dinh Cô từ lễ vía cô dần phát triển thành lễ hội với ý nghĩa cầu an trên biển, cầu quốc thái dân an. Lễ hội diễn ra từ ngày 10 đến 12/2 âm lịch hàng năm, thu hút hàng chục ngàn ngư dân và du khách đến tham dự.
Nét đặc sắc của Lễ hội Dinh Cô Long Hải là một lễ rước bằng tàu thuyền trên biển (lễ hội nước) có đông người tham dự. Các nghi lễ trong ngày hội có lễ cầu an tại chính điện vào đêm hôm trước. Lễ rước sáng ngày 12/2 trên hàng chục chiếc ghe thuyền được trang hoàng lộng lẫy để cầu mong trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.
Dinh Cô được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1995. Ảnh: TL
Lễ hội Dinh Cô mang đậm nét đặc sắc sinh hoạt văn hóa dân gian miền biển
Màn múa rồng tại lễ hội Dinh Cô. Ảnh: TL
Năm nay, lễ hội được tổ chức sớm hơn và kéo dài hơn trong 5 ngày với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn như: Biểu diễn ca cổ, giao lưu đờn ca tài tử, thi các trò chơi dân gian miền biển, múa lân sư rồng; và các nghi lễ Rước bài vị Cô, nghi lễ cúng Cô…
Việc công nhận lễ hội Dinh Cô Long Hải là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương; tạo điều kiện, cơ hội cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quảng bá, giới thiệu di sản cho du khách trong và ngoài tỉnh, cũng như du khách quốc tế.
T.Toàn