Ngày càng nhiều smartphone được trang bị tính năng sạc không dây. Ảnh: Wirecutter.
Sạc không dây đôi khi còn được gọi là sạc cảm ứng (vì chỉ cần động tác để thiết bị chạm vào đế sạc). Đây là công nghệ không mới, nhưng đã từng mất một thời gian để hiện thực hóa. Đầu năm 2007, một bộ sạc không dây được thiết kế giống như bộ phận giữ chai nước trên xe ô tô, cho phép sạc cả điện thoại, máy nghe nhạc MP3, máy ảnh,...
Hai năm sau, tại triển lãm CES, điện thoại Palm Pre được giới thiệu với nhiều cải tiến, mà một trong số đó là hỗ trợ bộ sạc không dây Touchstone.
Từ đây, một chuỗi các sự kiện quan trọng xảy ra. Một nhóm các công ty cùng nhau thành lập Hiệp hội Điện tử không dây (WPC). Cũng trong năm đó, chuẩn Qi 1.0 được giới thiệu đến thế giới.
Những chiếc điện thoại đầu tiên áp dụng công nghệ mới là: Nokia Lumia 920, Lumia 820 và LG Nexus 4. Chúng đều được ra mắt cuối năm 2012 và dĩ nhiên là khi ấy chưa nhiều người quan tâm đến chuẩn sạc này.
Các nhà sản xuất khác bao gồm Samsung, Motorola, HTC và Sony cũng nhảy vào cuộc chơi Qi. Tuy nhiên sau đó, cuộc chiến về định dạng sạc không dây nổ ra khi một liên minh khác là PMA (Power Matters Alliance) được thành lập và tạo ra sự phân chia thú vị.
Trong khi WPC có sự hỗ trợ của các nhà sản xuất điện thoại, PMA lại được hậu thuẫn bởi những thương hiệu lớn trong ngành dịch vụ ăn uống như Starbucks và McDonald, dẫn đến trường hợp “oái ăm”: Người dùng mua điện thoại hỗ trợ Qi, nhưng không thể sạc không dây cho điện thoại khi dùng một tách cà phê vì cửa hàng sử dụng tiêu chuẩn khác.
Mọi chuyện càng trở nên thú vị hơn khi Liên minh không dây (A4WP) được hình thành cũng vào năm 2012 và trình làng hệ thống có tên Rezence, tạo nên cuộc cạnh tranh "tay ba". Họ tưởng như có khởi đầu khá thuận lợi với sự hỗ trợ của Qualcomm, Broadcom, Samsung và Intel – những nhà sản xuất chip lớn nhất.
Thế nhưng, tính đến nay, Samsung chưa bao giờ phát hành điện thoại hỗ trợ Rezence. Galaxy S6 và S6 Edge thì tích hợp cả 2 tiêu chuẩn Qi và PMA. Rezence vượt trội về mặt công nghệ trên giấy tờ, nhưng điều đó không được chuyển thành việc áp dụng rộng rãi trong thực tế. Đồng thời, ngày nay, đã có nhiều tấm sạc Qi mạnh mẽ có thể nạp năng lượng cho nhiều thiết bị cùng lúc.
Bộ sạc Rezence sử dụng Bluetooth LE tiêu chuẩn để kết nối với các thiết bị mà nó đang sạc. Tuy nhiên, Rezence kém hiệu quả hơn và cần cuộn dây lớn hơn Qi. Năm 2014, vấn đề hiệu suất mới được khắc phục phần nào khi A4WP công bố Rezence hỗ trợ công suất lên đến 50W.
Vài năm sau (đầu năm 2015), PMA và A4WP hợp nhất thành một tổ chức duy nhất - Liên minh AirFuel. Mặc dù vậy, Qi vẫn đang chứng minh sự thắng thế.
Nhìn chung, trên thị trường hiện nay, điện thoại và phụ kiện (tai nghe, đồng hồ thông minh) chủ yếu tích hợp Qi. Rezence vẫn còn được áp dụng, nhưng không phải trên điện thoại.
Ngoài ra, dường như chuẩn sạc không dây thứ tư đang được phát triển bởi Liên minh Open Dots (đã xuất hiện) và được hậu thuẫn bởi các nhà sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về những mẫu điện thoại hỗ trợ công nghệ này.
Hoàng Anh/Theo Gsmarena