Lịch sử xung đột kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan
(CLO) Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra 6 cuộc xung đột kể từ khi hai quốc gia giành được độc lập từ Đế quốc Anh và được thành lập vào năm 1947.
Mới đây, Ấn Độ đã tấn công 9 địa điểm ở Pakistan, bao gồm cả vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir vào thứ Tư để đáp trả vụ giết hại 26 người, ở khu vực Kashmir của nước này vào tháng trước. Pakistan cho biết phản ứng của nước này đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ đang được tiến hành.
Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan không phải chuyện mới mà là một chuỗi đối đầu kéo dài hơn 75 năm, với trung tâm là vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Mỗi lần đổ máu là một lớp tro tàn nữa chồng lên lịch sử đầy đau thương, chia cắt và thù hận giữa hai quốc gia sinh ra từ cùng một bản đồ bị chia cắt vào năm 1947.
Yêu sách của Pakistan dựa trên thực tế là phần lớn dân số của khu vực này là người Hồi giáo, trong khi Ấn Độ tuyên bố quyền sở hữu vì sau khi phân chia, người cai trị khu vực này khi đó đã chọn gia nhập Ấn Độ.
.png)
1947-1949: Máu nhuộm ngày lập quốc
Chỉ hai tháng sau khi giành độc lập từ Đế quốc Anh, Ấn Độ và Pakistan đã lao vào cuộc chiến tranh đầu tiên vì Kashmir, vùng đất núi non hùng vĩ nhưng bị chia cắt và giành giật không ngừng.
Dù phần lớn dân cư theo Hồi giáo, người đứng đầu Kashmir khi đó là một Maharaja theo đạo Hindu đã chọn gia nhập Ấn Độ, thổi bùng lên làn sóng nổi dậy do Pakistan hậu thuẫn.
Khoảng nửa triệu người đã chết trong các cuộc bạo lực cộng đồng sau khi các quốc gia này được thành lập và một số lượng tương đương đã trở thành người vô gia cư.
Đến năm 1949, Liên hợp quốc can thiệp, thiết lập ranh giới ngừng bắn – đường phân giới mà đến nay vẫn là vết cắt chưa lành trong quan hệ hai nước.
1965: Cuộc chiến tranh thứ hai và niềm tin rạn vỡ
Vẫn tìm cách kiểm soát Kashmir, tháng 8/1965, Pakistan lại đưa quân bí mật vượt ranh giới ngừng bắn vào vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ấn Độ lập tức phản công và đưa quân vượt biên giới quốc tế.

Cuộc chiến kéo dài đến khi Liên hợp quốc lại một lần nữa làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, nhưng niềm tin giữa hai bên dường như đã hết hẳn.
1971: Sự ra đời của Bangladesh
Căng thẳng lại bùng phát khi Đông Pakistan (ngày nay là Bangladesh) đòi ly khai khỏi chính quyền Islamabad. Khi cuộc xung đột leo thang thành cuộc nội chiến, hàng nghìn người đã thiệt mạng và khoảng 10 triệu người đã rời đến Ấn Độ.
Ấn Độ can thiệp sau khi tiếp nhận hàng triệu người tị nạn, và đến tháng 12/1971, quân đội Pakistan đầu hàng ở Dhaka. Hơn 90.000 binh lính trở thành tù binh chiến tranh của Ấn Độ.
Bangladesh ra đời, Pakistan mất một nửa đất nước – nỗi thua cay đắng nhất trong lịch sử của họ.

Từ 1989: Kashmir biến thành chảo lửa cực đoan
Sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, các chiến binh Hồi giáo dòng Jihadi đổ về Kashmir, mang theo vũ khí, tư tưởng cực đoan và ngọn lửa kháng chiến.
Ấn Độ tố cáo Pakistan huấn luyện và tiếp tay cho lực lượng nổi dậy, trong khi Pakistan khẳng định chỉ “ủng hộ tinh thần và ngoại giao”. Kashmir từ đó không chỉ là mảnh đất tranh chấp, mà còn là nơi bùng nổ những cuộc tấn công khủng bố gây chấn động.
1999: Kargil – bóng ma chiến tranh lại về
Khi các tay súng do Pakistan hậu thuẫn tràn qua dãy núi Kargil, Ấn Độ đáp trả bằng không kích. Giao tranh ác liệt diễn ra trong điều kiện địa hình hiểm trở, khiến hàng chục nghìn dân thường hai bên phải sơ tán.
Đây là cuộc đụng độ đầu tiên kể từ khi cả hai chính thức có được khả năng vũ khí hạt nhân, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thảm khốc. Cả hai bên đều chịu hàng trăm thương vong trước khi quân đội Ấn Độ giành lại lãnh thổ và sự can thiệp của quốc tế đã ngăn chặn giao tranh.
Cuối năm đó, Pakistan rơi vào hỗn loạn khi Tướng Musharraf tiến hành đảo chính quân sự.
2001: Các cuộc tấn công đẫm máu vào các chính trị gia
38 người đã thiệt mạng sau vụ tấn công vào hội đồng Kashmir ở Srinagar, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng 10/2001. Một tháng sau, 14 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào tòa nhà quốc hội Ấn Độ ở Delhi.
.jpg)
Ấn Độ một lần nữa đổ lỗi cho các chiến binh Kashmir được Pakistan hậu thuẫn và sau đó là hành động tăng cường quân đội dọc biên giới Ấn Độ-Pakistan.
Vào tháng 1/2002, Tổng thống Musharraf hứa rằng Pakistan sẽ không cho phép những kẻ khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Pakistan và một lần nữa kêu gọi Delhi giải quyết tranh chấp về Kashmir thông qua đối thoại.
Ấn Độ cho biết họ sẽ chờ hành động để chứng minh lời nói của ông. Căng thẳng vẫn tiếp tục âm ỉ trong suốt thế kỷ này, với nguyên nhân thường gặp nhất là tranh chấp quyền sở hữu Kashmir và cáo buộc Pakistan hỗ trợ các nhóm khủng bố.
2008: Vụ khủng bố chấn động Mumbai
Từ ngày 26 đến ngày 29/11, các chiến binh từ Lashkar-e-Taiba (LeT) có trụ sở tại Pakistan bị cáo buộc giết 166 người trong một cuộc tấn công kéo dài 4 ngày vào Mumbai. Thời điểm đó, nhóm này bị cáo buộc có quan hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo Pakistan, Inter-Service Intelligence - một cáo buộc mà Islamabad phủ nhận.
Các cuộc tấn công được thực hiện bởi 10 tay súng, được trang bị vũ khí tự động và lựu đạn cầm tay. Họ nhắm vào dân thường tại nhiều địa điểm ở phía nam Mumbai, bao gồm nhà ga xe lửa Chhatrapati Shivaji, quán cà phê Leopold nổi tiếng, hai bệnh viện và một nhà hát.
Trong khi hầu hết các cuộc tấn công kết thúc trong vòng vài giờ, nỗi kinh hoàng vẫn tiếp tục diễn ra tại ba địa điểm bắt giữ con tin - Nhà Nariman, nơi có một trung tâm tiếp cận cộng đồng Do Thái, và các khách sạn sang trọng Oberoi Trident và Taj Mahal Palace & Tower.

Cuộc tấn công cuối cùng đã dừng lại khi lực lượng an ninh Ấn Độ kết thúc cuộc bao vây tại Oberoi Trident vào khoảng giữa trưa ngày 28/11 và tại Cung điện Taj Mahal vào sáng ngày hôm sau. 9 kẻ tấn công đã bị giết, tên thứ 10 bị bắt.
2019: Máy bay rơi, phi công bị bắt
Tháng 2/2019, sau vụ tấn công bằng bom xe tại Pulwama khiến 40 lính Ấn Độ thiệt mạng, Ấn Độ không kích vào Balakot, Pakistan.
Pakistan đáp trả, bắn hạ máy bay Ấn Độ và bắt giữ một phi công. Cả khu vực nín thở trước nguy cơ chiến tranh toàn diện, cho đến khi phi công được trả về như một cử chỉ hòa bình trong bầu không khí ngột ngạt.
2025: Vòng xoáy bạo lực chưa hồi kết
Vụ tấn công vào khách du lịch ở Pahalgam và đòn trả đũa bằng tên lửa của Ấn Độ nhắc nhở thế giới rằng Kashmir chưa bao giờ yên. Hơn 75 năm sau ngày chia đôi tiểu lục địa, lịch sử giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn là câu chuyện dang dở.